Vì sao Trung Quốc vẫn 'quay lưng' với than của Australia dù khủng hoảng năng lượng?

26/10/2021 12:09

Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều năm do thiếu than, song nước này vẫn tiếp tục giữ vững các lệnh trừng phạt của mình với Australia.

KP2ERZFLJNL2ZFZIWSWSK4YFUM

Trung Quốc vẫn giữ vững lập trường cứng rắn với Australia.  Ảnh: Reuters.

Các nhà phân tích cho rằng, dù Australia đang có lượng than mà Bắc Kinh cần, nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ khó có thể sớm đảo ngược lệnh cấm nhập khẩu than đối với Australia.

Những nhận định này được đưa ra sau khi các báo cáo truyền thông gần đây cho thấy rằng Trung Quốc đang thông quan một lượng nhỏ than của Australia bị mắc kẹt tại các cảng của nước này trong nhiều tháng do lệnh cấm.

"Các báo cáo cho biết một lượng nhỏ than của Australia được phép thông quan ở Trung Quốc. Điều này đã làm gia tăng suy đoán rằng chính quyền Trung Quốc sẽ tìm cách nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu", Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa năng lượng và khai thác tại Commonwealth Bank of Australia, nói.

Ông nói: "Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng các nhà chức trách Trung Quốc sẽ nới lỏng lệnh cấm đối với than của Australia vào mùa đông này".

Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã ngừng mua than của Australia. Điều đó xảy ra khi căng thẳng thương mại giữa hai nước tăng cao sau khi Canberra ủng hộ lời kêu gọi điều tra quốc tế về việc Bắc Kinh xử lý đợt bùng phát COVID-19.

Trước đó, Australia là nhà cung cấp than lớn cho Trung Quốc - trong năm 2019, khoảng 38% lượng than nhiệt nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Australia.

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc

Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào than để sản xuất điện.

Kể từ giữa tháng 8, ít nhất 20 tỉnh trên cả nước đã thông báo cắt điện ở các mức độ khác nhau. Đó là do một số yếu tố bao gồm sự thiếu hụt nguồn cung cấp than, chính phủ yêu cầu chặt chẽ hơn trong việc cắt giảm lượng khí thải cũng như nhu cầu cao hơn khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ mức thấp của đại dịch.

Các quan chức Trung Quốc được cho là đã hối thúc các công ty năng lượng quốc doanh hàng đầu phải đảm bảo nguồn cung cho mùa đông sắp tới bằng mọi giá.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ không sớm dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với Australia.

Thay vào đó, họ dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tìm cách thúc đẩy sản xuất than của chính mình, khai thác các nhà cung cấp quốc tế khác và thúc đẩy các ngành công nghiệp của mình hạn chế sản lượng và khí thải.

Theo Rory Simington, nhà phân tích chính của Wood Mackenzie, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ cho phép các công ty mua các lô hàng than mới của Australia.

"Tình hình chính trị vẫn không được cải thiện chút nào. Đây phần lớn là một vấn đề chính trị chứ không phải kinh tế, và hiện không có bất kỳ dấu hiệu nới lỏng lệnh cấm vận chuyển hàng hóa mới nào", ông nói.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có thể tìm đến các nước khác để mua nhiều than hơn.

Abhinav Gupta, nhà phân tích nghiên cứu tại công ty môi giới tàu biển Braemar, nói rằng: "Trung Quốc có khả năng thúc đẩy hợp tác với các nhà cung cấp Indonesia để mua nhiều than hơn nữa. Hiện nay, Bắc Kinh cũng cố gắng mua thêm than của Mông Cổ và Nga để đáp ứng nhu cầu của họ; tuy nhiên, có một số áp lực cạnh tranh đối với than của Nga từ các khách hàng châu Âu. Thậm chí Trung Quốc cũng đang mua nhiều than hơn từ các nhà cung cấp ở Đại Tây Dương, chẳng hạn như Mỹ và Colombia".

Ông Dhar từ Commonwealth Bank cho biết bất chấp lệnh cấm không chính thức đối với Australia, nhập khẩu than nhiệt của Trung Quốc đã tăng "khá tốt" do lượng cung ngày càng tăng từ Indonesia và Nga. Ông nói từ tháng 1 đến tháng 8, Indonesia chiếm khoảng 57% lượng than nhiệt nhập khẩu của Trung Quốc.

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao Trung Quốc vẫn 'quay lưng' với than của Australia dù khủng hoảng năng lượng?" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.