VINFAST DỪNG SẢN XUẤT XE XĂNG - BÀI 5: Dòng vốn Vingroup đổ vào VinFast lớn cỡ nào?

21/01/2022 13:30

Vingroup chấp nhận bị hạ bậc tín nhiệm, nhiều lần huy động, bảo lãnh thanh toán hàng trăm triệu USD trái phiếu trên thị trường để có dòng vốn bơm cho VinFast.

Để có dòng vốn bơm cho VinFast trên tiến trình hiện thực hóa tham vọng trở thành hãng xe điện toàn cầu trong tương lai, Vingroup đã nhiều lần phải bơm vốn cho VinFast theo nhiều phương thức, dù đây đang là bộ phận ngốn đầu tư nhiều nhất và vẫn trong giai đoạn lỗ kế hoạch.

Sự ra đời "thần tốc" của VinFast

Ngày 2/9/2017, tại khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng, Vingroup chính thức khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast với quy mô 335ha với mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á, với công suất thiết kế 500.000 xe/năm vào năm 2025. 

Theo kế hoạch, sản phẩm đầu tiên của VinFast sẽ có mặt trên thị trường sau 12 tháng với xe máy điện và sau 24 tháng với ô tô.

Hồ sơ doanh nghiệp - VINFAST DỪNG SẢN XUẤT XE XĂNG - BÀI 5: Dòng vốn Vingroup đổ vào VinFast lớn cỡ nào?

Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast với quy mô 335ha khởi công năm 2017 với mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á. (Ảnh minh họa)

Tháng 10/2018, triển lãm ô tô đầu tiên trên thế giới - Paris Motor Show kỷ niệm sinh nhật 120 tuổi và cũng là nơi VinFast "gửi lời chào" đến thế giới khi giới thiệu với công chúng toàn cầu hai mẫu xe đầu tiên, gồm sedan và SUV. Đây là thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam và sẽ đứng chung hàng với những "gã khổng lồ" ngành công nghiệp ô tô như Đức, Nhật, Pháp, Anh… Tại đây, VinFast đã được trao giải "Ngôi sao mới". 

Ngày 5/3/2019, VinFast tiếp tục trình làng mẫu SUV LUX phiên bản đặc biệt tại triển lãm Geneva, Thụy Sĩ.

Việc xuất hiện ở một trong năm triển lãm ô tô lớn nhất thế giới như Geneva Motor Show là cơ hội để hãng xe Việt mở rộng hình ảnh. Hãng xe non trẻ của VinGroup đang chọn đứng trên vai "người khổng lồ" để hiện thực hóa tham vọng trở thành thương hiệu toàn cầu. 

Mẫu xe bản thương mại đầu tiên của VinFast Lux SA2.0 xuất xưởng ngay hôm sau tại nhà máy ở Hải Phòng. Đây là chiếc ô tô đầu tiên của VinFast lăn bánh tại Việt Nam sau 18 tháng kể từ khi khởi công nhà máy VinFast.

Hai mẫu xe thương mại VinFast Fadil và VinFast Lux cũng lần lượt được bàn giao cho khách hàng trong quý II và quý III năm 2019. Ngày 17/6/2019, chỉ sau 3 ngày mở bán, 561 chiếc xe ô tô VinFast Fadil đã được bàn giao đến tay khách hàng. 

Như vậy, hành trình hiện thực hóa chiếc xe thương hiệu Việt từ bản thiết kế ý tưởng đến một mẫu xe hoàn chỉnh của VinFast chỉ mất 18 tháng để hoàn thiện, vượt kế hoạch so với cam kết ban đầu. VinFast đã ghi danh cho Vingroup trở thành doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm "made in Vietnam", trở thành biểu tượng của nền công nghiệp trong thời đại mới.

VinFast cũng đã gây dựng cộng đồng lớn mạnh, tin tưởng vào thương hiệu ô tô Việt Nam. Trên khắp các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều nhóm người dùng xe VinFast xuất hiện với số lượng thành viên lên tới hàng trăm ngàn người. Theo Reuters, con đường đi lên thần tốc của VinFast cũng giống như quá trình tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Kiên định đầu tư dù bị hạ bậc tín nhiệm

Cùng với sự phát triển thần tốc, Vingroup phải đánh đổi nhiều về tài chính và chịu áp lực về dòng tiền.

Tháng 9/2019, Standard & Poor’s (S&P) - một trong 3 tổ chức tài chính uy tín nhất thế giới về đánh giá xếp hạng tín nhiệm, đã xếp hạng tín nhiệm của Vingroup ở mức B+ và điều chỉnh triển vọng từ "ổn định" thành "tiêu cực". Lý do S&P đưa ra là Vingroup tiếp tục tăng sử dụng nợ vay để đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp ô tô.

Trước đó, đầu tháng 10/2018, chỉ vài ngày sau khi Vingroup ra mắt thương hiệu xe hơi VinFast tại triển lãm Paris Motor Show, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác là Fitch Ratings cũng giữ nguyên xếp hạng của Vingroup ở mức B+ nhưng triển vọng xếp hạng bị điều chỉnh từ "ổn định" xuống mức "tiêu cực", tương tự kết quả đánh giá S&P đưa ra.

Hồ sơ doanh nghiệp - VINFAST DỪNG SẢN XUẤT XE XĂNG - BÀI 5: Dòng vốn Vingroup đổ vào VinFast lớn cỡ nào? (Hình 2).

Triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Vingroup bị S&P hạ từ mức "ổn định" xuống "tiêu cực". (Ảnh minh họa)

Thời điểm cuối tháng 9/2019 - khi S&P mới điều chỉnh triển vọng xuống "tiêu cực", Vingroup đang góp 12.847 tỷ đồng tiền vốn đầu tư vào VinFast cùng hàng chục nghìn tỷ thông qua các khoản cho vay với công ty con. Khi đó, khoản đầu tư này đã tăng gấp đôi so với đầu năm 2019 và là khoản góp vốn vào công ty con lớn thứ 2 sau Vinhomes (22.981 tỷ đồng). 

Ngoài ra, khoản tiền cho VinFast vay để bổ sung vốn lưu động thời điểm ấy là 25.140 tỷ đồng. Đây là số tiền cho vay lớn nhất giữa Vingroup và các công ty con của mình từ đầu năm đến nay. Xếp sau là các khoản cho vay với Vincommerce (16.999 tỷ đồng) - đơn vị đã chuyển nhượng cổ phần cho Tập đoàn Masan.

Phản hồi về việc bị hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của S&P, đại diện Vingroup khi đó cho biết đã dự liệu điều này vì 2 lĩnh vực tập đoàn mới gia nhập là công nghiệp và công nghệ, đặc biệt là dự án sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và chịu lỗ, chưa thể sinh lời ngay.

Trong lần trả lời Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup cũng cho biết hãng xe này chưa thể có lãi trong ít nhất 5 năm tới. Theo dự tính của ban quản trị, số tiền Vingroup phải bù lỗ cho nhà sản xuất ô tô này có thể lên tới 18.000 tỷ đồng/năm. 

"Với mong muốn xây dựng một thương hiệu Việt Nam uy tín trên trường quốc tế, chúng tôi quyết định chấp nhận các khó khăn trong ngắn hạn" - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang phản hồi về việc bị xếp hạng "tiêu cực".

Đồng thời, ông Quang cũng cho biết, Vingroup đã xây dựng các kế hoạch kinh doanh, vận hành, cũng như các kế hoạch tài chính và quản trị rủi ro để từng bước vượt qua các khó khăn này.

Vẫn liên tiếp tài trợ vốn cho VinFast

Hơn 2 năm sau khi bị hạ bậc tín nhiệm, Vingroup vẫn tiếp tục "bơm" dòng tiền lớn đổ vào VinFast thông qua nhiều hình thức như trực tiếp cho vay, huy động vay hợp vốn, góp vốn điều lệ…

Theo Báo cáo tài chính riêng của Vingroup, đến cuối quý III/2021, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 22.006 tỷ đồng để góp vốn vào VinFast. Khoản đầu tư đã tăng gấp hơn 4 lần so với thời điểm thành lập là 5.250 tỷ đồng và là khoản góp vốn vào công ty con lớn thứ hai sau Vinpearl (34.158 tỷ đồng), vượt cả Vinhomes (21.991 tỷ đồng) - một trong những mảng tạo doanh thu, lợi nhuận chủ lực của Vingroup.

Đầu năm 2021, Vingroup đã thông báo về việc chào bán gần 7.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng làm 3 đợt, nhằm tăng vốn cho VinFast và Vinsmart. Trong đó, Vingroup dùng đến hơn 5.100 tỷ đồng tăng vốn cho VinFast.

Ngày 24/12/2021, Vingroup đã huy động thành công khoản vay hợp vốn xanh đầu tiên trị giá 400 triệu USD trên thị trường quốc tế. Đây là các khoản vay hợp vốn xanh đầu tiên trên thị trường quốc tế được Vingroup huy động để phục vụ nhu cầu phát triển của VinFast và các công ty thành viên.

Vingroup cho biết 400 triệu USD này sẽ được VinFast và các công ty thành viên trong tập đoàn sử dụng để phục vụ nhu cầu phát triển xanh, bền vững theo các Khung tài chính bền vững đã được công bố vào tháng 9 trước đó.

Ngoài các giao dịch cho vay thông thường, Vingroup còn giúp VinFast huy động trái phiếu thông qua các khoản bảo lãnh thanh toán. Hồi tháng 9/2019, Vingroup bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của công ty VinFast liên quan đến trái phiếu phát hành trong năm 2019 có tổng mệnh giá tối đa 5.000 tỷ đồng.

Cuối tháng 11/2019, Vingroup tiếp tục bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của VinFast liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các khoản vay/tín dụng trong và ngoài nước mà công ty này dự kiến thực hiện trong năm 2019 và 2020. Tổng hạn mức bảo lãnh tối đa lên tới 30.000 tỷ đồng. 

Hồ sơ doanh nghiệp - VINFAST DỪNG SẢN XUẤT XE XĂNG - BÀI 5: Dòng vốn Vingroup đổ vào VinFast lớn cỡ nào? (Hình 3).

Vingroup vẫn tiếp tục "bơm" dòng tiền lớn đổ vào VinFast. (Ảnh minh họa)  

Mới đây, ngày 11/12/2021 vừa rồi, Vingroup xác nhận bảo lãnh, dùng tài sản của mình để đảm bảo các nghĩa vụ của VinFast phát sinh liên quan đến khoản vay 200 triệu USD với Credit Suisse AG - ngân hàng chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính có trụ sở tại Thuỵ Sỹ. Ngân hàng này cũng từng đứng ra thu xếp giao dịch vay lên đến 950 triệu USD của VinFast hồi năm 2018.

Gần đây, Vingroup đang có những động thái rõ nét hơn trong tiến trình IPO VinFast tại sàn chứng khoán Mỹ. Trước khi chuyển đổi VinFast thành công ty cổ phần, cuối tháng 12/2021, Vingroup đã công bố thông tin về việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, tổng giá trị phát hành dự kiến 1,5 tỷ USD. 

Nhà đầu tư trái phiếu có thể thực hiện quyền chọn nhận cổ phần của Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast (sau khi VinFast chuyển đổi thành công ty cổ phần). Thời gian thực hiện dự kiến trong quý I/2022. Kỳ hạn trái phiếu dự kiến 5 năm kể từ thời điểm phát hành trái phiếu. 

Số tiền thu được sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của Vingroup để thanh toán các khoản phí, chi phí cho việc phát hành trái phiếu, tăng quy mô vốn hoạt động của Vingroup thông qua việc góp vốn đầu tư trực tiếp vào VinFast để thực hiện dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast. 

KẾT: Bất chấp ngành sản xuất ô tô đang là bộ phận "ngốn" đầu tư nhiều nhất của Vingroup khi mảng sản xuất xe vẫn đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, Vingroup vẫn rót tiền vào VinFast ngày một nhiều.

Vingroup không giấu khát vọng đưa VinFast trở thành hãng xe điện toàn cầu trong tương lai. Liệu dòng vốn đổ để thực hiện khát vọng này sẽ còn lớn đến đâu, tập đoàn này sẽ còn phải hy sinh những gì để thực hiện hóa ước mơ? Có lẽ tương lai sẽ trả lời câu hỏi này.

Nguyễn Hà - Thu Thảo

Bạn đang đọc bài viết "VINFAST DỪNG SẢN XUẤT XE XĂNG - BÀI 5: Dòng vốn Vingroup đổ vào VinFast lớn cỡ nào?" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.