Xuất khẩu gạo tiềm năng, Cần Thơ dành 50.000 ha đất chuyên canh lúa chất lượng cao

23/03/2023 13:31

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao (CLC) gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, Tp.Cần Thơ phấn đấu đưa 50.000 ha sản xuất lúa CLC.

Đến trước năm 2030 Tp.Cần Thơ phấn đấu đưa 50.000 ha sản xuất lúa chất lượng cao 

Theo Doanh Nghiệp Việt Nam, ngày 21/3, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ chủ trì buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm rà soát diện tích đất tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Đặc biệt đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao (CLC) gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng nhằm mục tiêu hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa trên quy mô lớn, tổ chức lại sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, giải quyết vấn đề manh mún trong sản xuất đang tồn tại trong vùng. Đề án cũng hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường; nâng cao giá trị và thu nhập từ cây lúa cho bà con nông dân; góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả.

Các tỉnh, thành muốn tham gia Đề án phải có vùng sản xuất đáp ứng 5 nhiệm vụ chính: Định hướng xác định vùng sản xuất chuyên canh lúa CLC đến năm 2030; định hướng thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị lúa gạo; hiện đại hóa sản xuất lúa gắn với tăng tưởng xanh; chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và xây dựng thương hiệu gạo.

Theo kế hoạch, đến trước năm 2030 Tp.Cần Thơ đăng ký phấn đấu đưa 50.000 ha sản xuất lúa tham gia đề án. Để thực hiện mục tiêu này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã rà soát trước mắt là 34.000 ha thuộc các khu vực của vùng Dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững) ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai (Tp.Cần Thơ) để chuẩn bị tham gia Đề án.

Theo số liệu thống kê, qua 5 năm thực hiện, tại các vùng Dự án này đã có 25 hợp tác xã (HTX), cơ sở hạ tầng và thiết bị phục vụ sản xuất ngày càng tăng cường theo hướng hiện đại. Trong đó, chỉ tính thiết bị và trạm bơm của vùng dự án, do VnSAT và nguồn khác đầu tư, đã có 28 máy cuộn rơm; 180 lò sấy lúa; 167 trạm bơm điện; tổng diện tích sản xuất được các doanh nghiệp thu mua bao tiêu hơn 15 nghìn ha; tỷ lệ thu mua trên diện tích đăng ký ban đầu đạt 94%.

Nhấn mạnh tầm quan trọng và để việc triển khai thực hiện đề án đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tập trung rà soát, kiểm tra và đánh giá lại diện tích đất sản xuất, vùng chuyên canh lúa CLC, tăng cường sự liên kết doanh nghiệp và các HTX sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, nâng chuỗi giá trị hạt gạo; tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia thực hiện đề án; tranh thủ nguồn lực phục vụ sản xuất tăng thu nhập; hoàn thành số liệu và đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 28/3/2023 theo quy định.

Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu gạo tiềm năng, Cần Thơ dành 50.000 ha đất chuyên canh lúa chất lượng cao

Trồng lúa chất lượng cao nhằm nâng tầm giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Ảnh minh họa.

Đề án 1 triệu ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Vừa qua, tại hội thảo góp ý đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long các địa phương khảo sát thể hiện sự đồng thuận và đánh giá cao ý tưởng của đề án và có kế hoạch cụ thể tham gia giai đoạn 2025 và đến năm 2030. Trong đó, tỉnh An Giang sẽ tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết trong sản xuất lúa; Đồng Tháp sẽ xây dựng chương trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp; Cần Thơ sẽ xây dựng kế hoạch hệ thống cơ sở thủy lợi cho sản xuất lúa đến từng giai đoạn 2025 đến 2030 và cho toàn bộ diện tích của địa phương và tỉnh Long An là vùng lúa ứng dụng công nghệ cao.

Thông tin trên Quận Đội Nhân Dân, trước đó ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đề án là điểm nhấn và bước chuyển biến của ngành lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu theo cam kết tại COP 26.

Đây sẽ là sự chuyển biến sang giai đoạn mới, thực hiện quy trình giảm chi phí sản xuất cho người dân, nâng cao lợi nhuận và tính chuyên nghiệp của người dân sẽ cao hơn. Và khi đạt được chứng chỉ Carbon thì thương hiệu gạo của Việt Nam sẽ tăng lên, giá bán sẽ cao, nâng được tầm thương hiệu và giá trị gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.

“Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu lớn nhất là giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của chính quyền địa phương trong việc định hướng quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào vùng nguyên liệu”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Dự báo nhiều triển vọng tích cực xuất khẩu gạo trong năm 2023

Theo Chính Phủ, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5-7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức cao, giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7.1 triệu tấn với trị giá 3.45 tỷ USD, tăng 13.8% về lượng và tăng 5.1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn

Trong tháng 1/2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186.6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519.3 USD/tấn. So với tháng 1/2022, giảm 29% về số lượng, nhưng tăng 6.8% về giá xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng ước đạt 24 triệu tấn lúa. Trong đó tiêu thụ nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tp.HCM khoảng 10.8 triệu tấn. Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu năm 2023 ước khoảng 13.2 triệu tấn, tương đương 6.6 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu. Cơ cấu nhóm gạo xuất khẩu gồm: Gạo chất lượng cao đạt 3 triệu tấn; gạo thơm, đặc sản đạt 2.1 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 0.9 triệu tấn; nếp đạt 0.6 triệu tấn.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Xuất khẩu gạo tiềm năng, Cần Thơ dành 50.000 ha đất chuyên canh lúa chất lượng cao" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.