9 dự án BOT chuyển sang đầu tư công là trường hợp bất khả kháng?

21/04/2020 10:43

Như báo Thời báo Kinh Doanh đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT về chuyển đổi 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sang hình thức đầu tư công; trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Trái chiều ý kiến 2 Bộ

Một điểm đáng chú ý trong đề xuất này nêu “xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án”. Vấn đề này Chính phủ đang xem xét và chưa có quyết định chỉ định thầu.

Mới đây, trả lời báo chí về vấn đề trên, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, trường hợp các dự án này được Quốc hội thông qua cho phép Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư, Bộ GTVT vẫn nghiêng về hướng thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, ông Nhật cũng cho rằng, đây là quan điểm của Bộ GTVT.

“Quan điểm của Bộ GTVT là đấu thầu tất cả các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam, không chỉ định thầu. Chỉ định thầu sẽ phát sinh rủi ro, kể cả rủi ro đối với những người chịu trách nhiệm quyết định. Còn vấn đề quyết định chỉ định hay đấu thầu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng”, ông Nhật nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương cho hay, đến nay, Bộ KH&ĐT vẫn chưa có quan điểm gì khác so với văn bản đã trình Chính phủ gần đây.

Trước đó, hôm 13/3/2020, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã ký văn bản gửi Thủ tướng và một số bộ, ngành liên quan. Bộ KH&ĐT đã đề nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền phương án chỉ định thầu sau khi các dự án được chuyển đổi sang đầu tư công, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp quốc phòng.

Trên thực tế, nếu 9 dự án trên được Quốc hội thông qua, thì thẩm quyền của Quốc hội chỉ dừng lại ở việc đồng ý chuyển đổi từ hình thức đầu tư BOT sang đầu tư công. Còn chỉ định thầu hay đấu thầu thuộc về Thủ tướng Chính phủ theo Điều 26, Luật Đấu thầu.

20-4-Cao-toc-bac-nam-6720-1587351209.jpg

Các dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn chưa xong giải phóng mặt bằng (Ảnh: Internet)

Tránh vết xe đổ

Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu hay đấu thầu khi các dự án BOT này được Quốc hội đồng ý chuyển sang sử dụng ngân sách nhà nước, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, về nguyên tắc chỉ định thầu là một cơ chế tốt, nếu không có lợi ích tư nhân xen vào làm hỏng đi chuyện chọn thầu. Chỉ định thầu là cách chỉ huy kinh tế tập trung, còn đấu thầu là cơ chế thị trường.

“Tuy nhiên, việc chỉ định thầu hay đấu thầu tốt hay không cũng đều phụ thuộc vào yếu tố con người. Nếu người đấu thầu là người trung thực thì họ sẽ chọn được nhà thầu trung thực. Trên thực tế quá trình đấu thầu cũng đã xảy ra chuyện lobby nên kết quả sai lệch đi rất nhiều. Trong trường hợp chỉ định thầu tốt, kiểm soát chặt chẽ, có tiêu chí rõ ràng thì chỉ định thầu là vấn đề tốt”, ông Võ nói.

Để chỉ định thầu hay đấu thầu tránh được những vết xe đổ, theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, quan trọng nhất phải công khai, minh bạch. Quá trình triển khai thực hiện dự án chặt chẽ, phải thực hiện kiểm tra giám sát đầy đủ. Đồng thời, đơn vị trúng thầu phải có nguyên tắc quản trị tốt, có tiêu chí định lượng và trách nhiệm giải trình khi bất cứ các cấp ngành có câu hỏi nào.

Ở một góc nhìn gác, theo một chuyên gia cao cấp trong ngành GTVT, về nguyên tắc đấu thầu là tốt, bởi điều này đảm bảo cạnh tranh đưa đến sự công bằng, còn chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong tình huống cần gấp rút hoặc trường hợp bất khả kháng xảy ra.

Chuyên gia này cho rằng, tình huống triển khai các dự án này không cần gấp rút, vì ngay việc mời nhà đầu tư tham gia theo hình thức BOT còn chưa hoàn thành. Hơn nữa, công tác giải phóng mặt bằng chưa thể xong ngay được, còn rất nhiều thời gian chia ra từng bước một.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng khẳng định, đây không phải trường hợp bất khả kháng. Bởi do đại dịch, nền kinh tế giảm tốc, Chính phủ cần phải kích cầu nền kinh tế, nâng sản lượng nền kinh tế, nên đã phải dùng giải pháp giải ngân vốn đầu tư công.

“Hiện nay, các tuyến đường bộ Bắc - Nam vẫn hoạt động bình thường, tuyến này không tắc đường, không bị xuống cấp, không bị lụt lội… thì không thể là trường hợp bất khả kháng được”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Trước đó, giai đoạn 2010 - 2013, để kích cầu nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định - Phú Yên (gồm 2 dự án BOT Bắc và Nam Bình Định và 1 dự án đầu tư công đoạn qua Phú Yên) đều chỉ định thầu.

Do yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ, các dự án này đã hoàn thành năm 2015. Tuy nhiên, chỉ 2 - 3 năm sau khi đưa vào khai thác đã xuống cấp, hư hỏng tới nay chưa thể khắc phục triệt để. Các vấn đề này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại kết luận thanh tra ban hành ngày 11/11/2019, trong đó chỉ rõ sai phạm của một số nhà thầu như: Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Thảo; Công ty Nhật Minh; Liên danh CTCP 116 - Cienco 1; CTCP Đầu tư Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn…

Hải Sơn

Bạn đang đọc bài viết "9 dự án BOT chuyển sang đầu tư công là trường hợp bất khả kháng?" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.