Chống 'vàng hoá' nền kinh tế thế nào khi bỏ độc quyền vàng?

06/04/2024 12:14

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị cho phép 3 doanh nghiệp là PNJ, SJC và DOJI nhập 1,5 tấn vàng/năm, còn TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất NHNN phát hành chứng chỉ vàng.

Ông Hoàng Văn Sơn (60 tuổi) sinh sống tại Thanh Xuân Trung, Hà Nội đang cân nhắc tới việc bán toàn bộ số vàng miếng SJC đang nắm giữ, bởi lo ngại giá vàng sẽ biến động trong thời gian tới.

Thực tế, liên quan việc sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC.

Thay vào đó, một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp phép sản xuất vàng miếng. NHNN sẽ cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Người dân sốt sắng

Ông Hoàng Văn Sơn kể đã dùng toàn bộ số tiền bán mảnh đất ruộng ở quê để mua vàng miếng SJC tích trữ. Ông tính toán số tiền này chưa đủ để mua bất động sản tại nội thành Hà Nội, ông cũng không có kiến thức đầu tư chứng khoán trong khi lãi suất ngân hàng thì quá thấp.

“Tôi mua vào cuối năm 2023 với giá gần 80 triệu đồng/lượng. Hiện tìm hiểu thì thấy có đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC nên tôi lo giá vàng sẽ có nhiều biến động.

Nếu nhanh tay bán ra thời điểm này, rất có thể tôi sẽ có lãi hoặc ít nhất là huề vốn. Nếu để lâu hơn khi có quyết định chính thức, giá vàng miếng SJC sẽ tụt mạnh nên tôi vô cùng lo lắng. Tôi đang chờ thời điểm giá tốt sẽ mang đi bán hết”, ông Sơn nói.

gia vang anh 1

Nhiều người dân lo lắng việc bỏ độc quyền sẽ khiến giá vàng trong nước sụt giảm mạnh gây thua lỗ lớn. Ảnh: Thế Bằng.

Cũng mang tâm lý tương tự, ông Minh (49 tuổi, Hà Nội) đang có nhu cầu bán 5 lượng vàng SJC tích cóp thời gian qua.

“Dù chưa có thông tin chính thức là sẽ bỏ độc quyền vàng miếng SJC nhưng tôi vẫn sẽ bán vàng để chốt lãi, tránh việc sau này lỗ nặng. Chờ khi có quyết định và chính sách mới làm cho giá vàng ổn định trở lại thì tôi mới an tâm tiếp tục đầu tư được", ông chia sẻ.

Ở góc độ thị trường, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc xoá độc quyền sản xuất vàng miếng SJC là cần thiết để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC với các loại vàng khác, cũng như giữa giá vàng SJC so với giá quốc tế.

gia vang anh 2

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế. Ảnh: NVCC.

Ông Hiếu nhìn nhận khi NHNN chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và tất nhiên mức chênh lệch so với giá thế giới vẫn sẽ rất cao, cộng với chênh lệch mua - bán cao là rủi ro cho người mua.

Chưa kể chênh lệch của vàng miếng SJC với thế giới quá cao là cơ hội cho hoạt động buôn lậu gia tăng. Việc nhập khẩu vàng tiểu ngạch hay buôn lậu khiến những người đầu cơ "gom" USD ở thị trường tự do. Nhu cầu lên cao kéo giá USD nhảy vọt.

Hơn nữa, khi giá USD tự do gia tăng cũng sẽ phần nào tác động đến tỷ giá hối đoái tại các ngân hàng thương mại.

gia vang anh 3

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với Tri Thức - ZNews, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng nhấn mạnh nếu không bỏ quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, không bỏ độc quyền nhập khẩu vàng của NHNN thì khó có giải pháp nào hữu hiệu hơn.

“Nếu không tăng nguồn cung thì không có cách nào giảm chênh lệch giá. Đây là vấn đề cung - cầu, độc quyền nên tắc nghẽn nguồn cung, không giải quyết thì chênh lệch sẽ càng ngày càng tăng. Thị trường 10 năm qua đã chứng tỏ điều này, không có biện pháp hành chính nào có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng”, ông Khánh nói.

Giải pháp quản lý sau khi bỏ độc quyền

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC là điều kiện tiên quyết để sau này cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Hiện tại, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã gửi kiến nghị về giải pháp cho phép 3 doanh nghiệp là PNJ, SJC và DOJI được nhập tổng cộng 1,5 tấn vàng/năm, tương ứng mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm. Doanh nghiệp cũng chỉ được phép xin nhập trong phạm vi có kiểm soát.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhất trí rằng nên cho một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu để thị trường trong nước liên thông với thế giới.

"Có thể kiểm soát việc mua vàng bằng cách giao hạn ngạch (quota) trong một năm. Nếu có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được Nhà nước bảo hộ, các loại vàng được cạnh tranh sòng phẳng, người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa, giá vàng sẽ ổn định vì không còn tình trạng khan hiếm do độc quyền”, TS Hiếu nói.

Về lâu dài, ông Hiếu đề xuất giải pháp giúp tối ưu hóa việc huy động và sử dụng vàng trong nền kinh tế là thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng bởi NHNN.

gia vang anh 4

TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất NHNN phát hành chứng chỉ vàng, Chính phủ có thể xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia. Ảnh: Thế Bằng.

Cơ chế này cho phép NHNN thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt. Bằng cách này sẽ giúp huy động nguồn lực khoảng 400 tấn vàng đang nằm im trong dân vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu rủi ro vàng hóa.

NHNN đồng thời huy động được số vàng rất lớn và cho Chính phủ, Bộ Tài chính vay. Sau đó, Bộ Tài chính có thể lấy vàng làm tài sản bảo đảm để vay tiền từ các tổ chức nước ngoài với lãi suất ưu đãi, giúp chúng ta biến vàng thành ngoại tệ phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh và nhu cầu của đất nước, tương đương với việc tạo ra nguồn thu thuế rất tốt, lại không sợ những chi phí phát sinh về lãi.

Đặc biệt, Chính phủ có thể xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia. Đây là tiền đề để các giao dịch vàng được thông suốt và minh bạch. Khi có một sàn giao dịch vàng, lúc đó chúng ta có thể tính đến vấn đề mua - bán vàng từ tài khoản cũng như xuất hiện thêm các sàn phái sinh, tức là mua - bán vàng tương lai.

Tuy nhiên, giải pháp lập sàn giao dịch vàng cần có thời gian thử nghiệm. “Chẳng hạn như thành lập cơ chế sandbox (cơ chế thử nghiệm trong không gian và thời gian giới hạn) trước khi đưa vào hoạt động chính thức", chuyên gia Hiếu đưa đề xuất.

Nhìn ra thế giới, ông Hiếu thấy nhiều quốc gia quản lý thị trường vàng rất tốt bằng cách biến vàng là sản phẩm tài chính chứ không phải chỉ trao đổi vàng vật chất. Việt Nam có thể học hỏi mô hình quản lý thị trường vàng của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ... Đây là các nước chủ yếu nhập khẩu vàng (không tự sản xuất) song vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vàng nội địa.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Chống 'vàng hoá' nền kinh tế thế nào khi bỏ độc quyền vàng?" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.