“Chuyển dịch năng lượng trước tiên phải nhìn từ góc độ an ninh năng lượng”

14/10/2021 08:10

"Điện gió, mặt trời, khí hydro sẽ là các nguồn năng lượng trong tương lai, nhưng dù muốn hay không, điện than, dầu khí vẫn sẽ đóng vai trò chạy nền quan trọng".

Đó là một trong những nội dung được các chuyên gia năng lượng thảo luận tại diễn đàn “Dịch chuyển năng lượng của Việt Nam hướng đến bền vững” do Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

An ninh năng lượng trong việc dịch chuyển

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cơ cấu tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Số liệu thống kê của IEA cho thấy, do tác động của đại dịch, nhu cầu năng lượng sơ cấp giảm gần 4% vào năm 2020, lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu giảm 5,8%. Mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh (năm 2020, dầu giảm 8,6%, than giảm 4%) trong khi năng lượng tái tạo và xe điện hầu như không bị ảnh hưởng; nhiên liệu và công nghệ carbon thấp.

Nhiều nghiên cứu đã cho rằng, xu hướng phát triển năng lượng của thế giới sẽ đi theo hướng thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ) bằng các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn (gió, mặt trời, sinh khối, hydro xanh, methanol...). Trong đó, khí tự nhiên đóng vai trò là bước trung gian cho quá trình chuyển đổi này.

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, việc phát triển năng lượng, không phải chỉ để đáp ứng nhu cầu năng lượng mà còn cả về môi trường. Chính vì vậy, chuyển dịch năng lượng còn là vấn đề sống còn, cần phải chú trọng, xem xét thật kỹ lưỡng.

Kinh tế vĩ mô - “Chuyển dịch năng lượng trước tiên phải nhìn từ góc độ an ninh năng lượng”

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh sự cần thiết của việc dịch chuyển năng lượng trong giai đoạn tới. 

Lấy ví dụ thực tế bài học từ cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đang diễn ra tại Trung Quốc, ông Thiên cho rằng vấn đề chuyển dịch năng lượng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

“Chuyển dịch năng lượng phải mang lại những lợi ích, không phải để kiếm thêm vài đồng bạc, mà đó là vấn đề sống còn”, ông Thiên nhấn mạnh.

Bàn về câu chuyện này, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, chuyển dịch năng lượng nên nhìn trước tiên ở góc độ an ninh năng lượng.

Theo ông Sơn, việc chuyển dịch cần được quan tâm trên 4 lĩnh vực, gồm: Sự sẵn có của các nguồn năng lượng; khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng ở các vùng miền; khả năng chi trả của người dân và cuối cùng là sự chấp nhận các loại năng lượng tại các địa phương.

Ông đánh giá, xu hướng của thế giới là tăng cường tỉ trọng năng lượng tái tạo và có thể nhận định điện gió, mặt trời, khí hydro sẽ là các nguồn năng lượng trong tương lai.

“Nhưng dù muốn hay không, điện than, dầu khí vẫn sẽ đóng vai trò chạy nền quan trọng, thế giới cũng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn trong một sớm một chiều. Mục tiêu của thế giới tới năm 2030, các dự án điện than sắp tới hạn sẽ dừng hoạt động, liệu câu chuyện này có đạt được không?”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Vị này đánh giá, việc chuyển dịch năng lượng từ sử dụng các năng lượng sơ cấp (than, dầu) sang các dạng năng lượng sạch hơn, Việt Nam phải nghiên cứu trong lộ trình của mình, thay đổi thế nào, quá trình chuyển đổi ra sao, tỉ lệ các nguồn trong từng thời kỳ.

Kinh tế vĩ mô - “Chuyển dịch năng lượng trước tiên phải nhìn từ góc độ an ninh năng lượng” (Hình 2).

Hệ luỵ phát triển “nóng” năng lượng tái tạo

Ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đánh giá, nhờ vào các chính sách khuyến khích, trong 2 năm 2019-2020, đã có sự phát triển rất nhanh của năng lượng tái tạo ở Việt Nam, đặc biệt là điện mặt trời.

Kết quả thực tế năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh và 10,994 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao.

Các nguồn năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao (như thời gian tháng 5 và 6/2021), góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác.

Kinh tế vĩ mô - “Chuyển dịch năng lượng trước tiên phải nhìn từ góc độ an ninh năng lượng” (Hình 3).

Ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).

Tuy nhiên, ông Hùng nhận định, sự phát triển “nóng" của năng lượng tái tạo cũng mang đến những hệ lụy không nhỏ cho an toàn vận hành, an ninh hệ thống điện, tăng truyền tải 500 kV, tác động đến huy động công suất và số lần tăng/giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện, tua bin khí.

Ngoài ra, làm tăng chi phí, giá thành ngành điện, nhất là trong điều kiện hiện tại một số loại hình năng lượng tái tạo vẫn đang có giá thành đắt hơn nhiều so với giá thành bình quân ngành điện.

Còn theo bà Vũ Chi Mai - Trưởng Hợp phần năng lượng tái tạo - Tổ chức phát triển Đức GIZ, chuyển dịch năng lượng không phải loại trừ những gì đang có, mà chuyển đổi dần từ trạng thái năng lượng sơ cấp có thể cạn kiệt sang dạng năng lượng sạch hơn, với tỉ lệ lớn hơn nhằm đảm bảo đủ điện và yêu cầu cảu biến đổi khí hậu.

Bà Mai cho rằng, sự phát triển nhanh của điện mặt trời đem đến những hệ lụy nhất định. Do đó, việc sử dụng chính sách thế nào cho hiệu quả là điều cần bàn.

“Có 3 đòn bẩy chính sách quan trọng và dẫn dắt chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, đó là thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, giảm sâu phát thải CO2 và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng”, bà nói.

Kinh tế vĩ mô - “Chuyển dịch năng lượng trước tiên phải nhìn từ góc độ an ninh năng lượng” (Hình 4).

Bà Vũ Chi Mai - Trưởng Hợp phần năng lượng tái tạo - Tổ chức phát triển Đức GIZ.

Theo bà Mai, để khuyến khích năng lượng sạch, thay vì việc đưa ra giá ưu đãi FIT từ Bắc tới Nam thì có thể thực hiện giá FIT theo vùng, địa phương, theo công suất lắp đặt. Nếu những vùng miền có sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu truyền tải điện, tăng thu nhập người dân thì nên có cơ chế khuyến khích phát triển điện sạch tại chỗ.

Theo vị đại diện của GIZ, việc giảm sâu phát thải CO2, thời gian tới, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa cũng phải vượt qua “biên giới carbon”, đáp ứng các yêu cầu của châu Âu và các nước về giảm phát thải.

Do vậy, việc giảm sâu CO2 cho từng sản phẩm cần được lưu ý. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ phát triển dài hơi hơn, mục tiêu rõ ràng và cân đối giữa các ngành năng lượng khác nhau.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản đánh giá, với xu hướng phát triển hiện nay, công nghệ năng lượng sạch đóng góp khoảng 70% tổng lượng giảm phát thải CO2 đến năm 2050. Và Việt Nam không phải là ngoại lệ trong xu hướng này.

Ông nhìn nhận, chuyển đổi năng lượng từ một hệ thống chi phối bởi nhiên liệu hóa thạch sang một hệ thống với tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng là xu hướng toàn cầu.

Việt Nam có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Và còn nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp công nghệ hiệu quả năng lượng và giảm phát thải môi trường.

Bạn đang đọc bài viết "“Chuyển dịch năng lượng trước tiên phải nhìn từ góc độ an ninh năng lượng”" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.