Cơ hội cho doanh nghiệp Việt đưa tri thức và công nghệ chinh phục thị trường Mỹ

21/09/2023 16:01

(Chinhphu.vn) - Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội vươn ra thị trường toàn cầu. Trong đó, Mỹ - thị trường công nghệ số 1 thế giới đang là mục tiêu được nhiều doanh nghiệp nhắm tới. Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang Việt Nam cùng với việc nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện và chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ được coi như một chất "xúc tác" mạnh mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, giúp...

Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Rikkeisoft. Rikkeisoft là công ty hoạt động trong lĩnh vực phát triển phần mềm và dịch vụ công nghệ cho khách hàng tại thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Tại "Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo" sáng 18/9 (giờ Mỹ), Rikkeisoft đã công bố kế hoạch đầu tư 30 triệu USD vào thị trường Mỹ tới năm 2026.

Doanh nghiệp Việt Nam phải nâng tầm mình lên

Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã có những động thái đẩy mạnh kinh doanh tại Mỹ. Ông nhận định như thế nào về cơ hội ở thị trường này?

Ông Tạ Sơn Tùng: Mỹ có nền kinh tế lớn nhất thế giới nên quy mô thị trường lớn. Đây cũng là thị trường công nghệ số 1 thế giới, các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới đều thành công ở Mỹ. Một số doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như: FPT, Vinfast, VNG… đang có xu thế đẩy mạnh hoạt động tại thị trường này.

Từ trước đến nay, trong lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp Mỹ thường làm việc với đối tác Ấn Độ. Tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây, Mỹ có chủ trương mở rộng khu vực đối tác, không chỉ tập trung vào Ấn Độ. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và các quốc gia khác.

Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế. Nhiều báo cáo quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia tiềm năng về đổi mới sáng tạo và công nghệ cao. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế số đang phát triển, được nêu trong báo cáo "e-Conomy SEA 2022" do Google, Temasek và Bain & Company công bố vào tháng 10/2022. Hỗ trợ cho sự tăng trưởng này là lực lượng lao động kỹ thuật số được đào tạo bài bản, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á trong Báo cáo Chỉ số Kỹ năng Toàn cầu 2022 (Coursera).

Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam cùng với việc nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện và chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ, sẽ giúp nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ biết đến Việt Nam hơn - một Việt Nam có môi trường đầu tư tốt, điểm sáng của tăng trưởng kinh tế thời gian qua và 5 năm tới, có nguồn lực công nghệ dồi dào và chất lượng cao. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cũng được tạo thuận lợi khi sang Hoa Kỳ đầu tư và phát triển.

Bên cạnh cơ hội, theo ông, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam liệu có thể cạnh tranh được với các đối thủ trên đất Mỹ?

Ông Tạ Sơn Tùng: Thị trường lớn nên việc cạnh tranh có thể coi là khắc nghiệt. Doanh nghiệp Mỹ là đối tác tốt nhưng rất thực tế và luôn hướng tới kết quả. Họ cũng đề cao tính pháp lý trong hợp đồng, khế ước. Việc kinh doanh ở Mỹ phải rất rõ ràng, rành mạch.

Hơn nữa, khoảng cách địa lý xa cũng là trở ngại không nhỏ, mặc dù hiện nay các công cụ liên lạc trên nền tảng công nghệ có thể giúp việc trao đổi dễ dàng hơn.

Khi hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện thì việc nhận diện thương hiệu của Việt Nam cũng nâng lên một tầm mới. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nâng tầm mình lên.

Tăng nhận diện thương hiệu quốc gia trên toàn cầu

Được biết, vào đầu năm nay, RKTech, công ty con của Rikkeisoft đã chính thức khai trương chi nhánh đầu tiên tại một trong bốn khu đô thị lớn nhất tại Mỹ (Dallas - Fort Worth). Tại "Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo" ngày 18/9, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phái đoàn cấp cao, Rikkeisoft đã công bố kế hoạch đầu tư 30 triệu USD tại Mỹ tới năm 2026. Việc này có ý nghĩa như nào đối với Rikkeisoft, thưa ông?

Ông Tạ Sơn Tùng: Đây là chiến lược "Go Global" của Rikkeisoft để góp phần mang giá trị công nghệ và nhân lực Việt tới thị trường thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng. Rikkeisoft đặt tầm nhìn trở thành công ty dịch vụ công nghệ toàn cầu với vốn hoá thị trường đạt 1 tỷ USD. Và thị trường lớn như Mỹ có thể giúp Rikkeisoft đạt được mục tiêu này.

Chúng tôi xác định kiềng 3 chân trong chiến lược "Go Global" là Nhật Bản, Mỹ và phần còn lại (APAC, EU). Các chi nhánh tại Nhật Bản của Rikkeisoft đã hoạt động rất tốt. Việc mở công ty con tại Mỹ là đầu tư chiến lược để bảo đảm trong vòng 5-6 năm nữa, thị trường Mỹ và Nhật Bản sẽ là 2 thị trường quan trọng nhất của Rikkeisoft, với doanh thu có thể đạt hàng trăm triệu USD/năm.

Hiện RKTech đã đạt những kết quả bước đầu trong việc mở rộng hệ thống đối tác tại Mỹ và có được sự tin tưởng từ nhiều khách hàng lớn trong mảng bán lẻ và sản xuất. Trong thời gian tới, RKTech sẽ nhận đầu tư từ Rikkeisoft để tăng tốc hướng đến mục tiêu IPO năm 2028, cụ thể là tìm kiếm các cơ hội sáp nhập và mua bán (M&A), tăng trưởng về văn phòng đại diện và nguồn lực công nghệ chất lượng cao tại Mỹ.

Chúng tôi cũng kỳ vọng sau khi hai nước nâng tầm quan hệ sẽ mở ra nhiều cơ hội để Mỹ đầu tư vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ, sẵn sàng giao việc, đặt hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Việc nâng tầm quan hệ hai nước cùng với sự xuất hiện của nguyên thủ quốc gia, các lãnh đạo cấp cao trên đất Mỹ để chia sẻ những câu chuyện về đất nước và con người Việt Nam chắc chắn sẽ tạo cảm tình, giúp doanh nghiệp Mỹ biết hơn về năng lực công nghệ của người Việt, thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Mỹ.

Theo ông, bản thân doanh nghiệp Việt tiến vào thị trường Mỹ, hợp tác với các đối tác Mỹ cần phải chuẩn bị những gì?

Ông Tạ Sơn Tùng: Theo tôi, yếu tố con người là then chốt và quan trọng nhất, phải có những người hiểu và từng sống ở Mỹ. Riêng RKTech, đội ngũ nhân sự hầu như là người Việt sống ở Mỹ, người bản địa nên rất am hiểu thị trường, văn hóa, cách làm việc của Mỹ.

Đội ngũ nhân lực ở Việt Nam có hơn 1.600 người với trình độ cả về chuyên môn, ngoại ngữ. Theo tôi, năng lực về công nghệ mới, chuyển đổi số như AI, Blockchain, Big Data... giữa Việt Nam và Mỹ không quá nhiều chênh lệch. Nhân lực của Việt Nam trẻ, được đào tạo bài bản, được học tập ở nước ngoài, chăm chỉ, thông minh sẽ không khó tiếp cận với những công nghệ mới này.

Động lực để doanh nghiệp công nghệ Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ông có đề xuất gì với Chính phủ, các cơ quan chức năng để hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt trong hành trình "Go global", tiến vào các thị trường lớn như Mỹ?

Ông Tạ Sơn Tùng: Chính phủ vẫn luôn khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ Việt đi ra nước ngoài để phát triển thị trường và góp phần tăng nhận diện thương hiệu quốc gia trên toàn cầu.

Điều này được thấy rõ trong sự kiện Hội nghị tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông 2022 mà Rikkeisoft có cơ hội được tham dự và báo cáo trước Thủ tướng Phạm Minh Chính. Được Chính phủ tạo điều kiện và động lực để tiến mạnh ra thế giới, từ đầu năm 2023 đến nay, Rikkeisoft khai phá thị trường Mỹ và Thái Lan, đã thành lập RKTech và Rikkei Thailand.

Những kết quả của chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam cùng với việc nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện và chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành công nghệ nước nhà, tập trung vào vào lĩnh vực bán dẫn, nghiên cứu phát triển công nghệ cao và đầu tư nguồn lực chuyên môn.

Rikkeisoft nhìn thấy nhiều tiềm năng được kiến tạo từ những sự kiện này. Đây chính là những thuận lợi mà Chính phủ đã mang lại cho doanh nghiệp, nhưng cũng là đề bài mà chúng ta cần chung tay giải quyết. Điều này là động lực để Rikkeisoft và các doanh nghiệp trong ngành liên tục sáng tạo, ứng dụng các công nghệ mới, phát triển và tích lũy năng lực phù hợp để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc theo xu hướng "Go Global", Rikkeisoft đề xuất được tạo điều kiện miễn visa nhập cảnh cho lãnh đạo của các doanh nghiệp trong nhóm Fortune 2000. Việc này sẽ đẩy nhanh các hoạt động trao đổi thương mại, kinh tế giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất quốc tế đang lựa chọn Việt Nam như điểm đến mới, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài lập các trung tâm phần mềm tại Việt Nam và có các hoạt động kết nối với doanh nghiệp công nghệ bản địa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Giang (thực hiện)


Bạn đang đọc bài viết "Cơ hội cho doanh nghiệp Việt đưa tri thức và công nghệ chinh phục thị trường Mỹ" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.