Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Đánh giá lại Chỉ thị 06 và nhóm cổ phiếu tiềm năng

18/02/2024 20:10

(ĐTCK) Bên cạnh việc đánh giá triển vọng nâng hạng thị trường sau Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 của Thủ tướng, các chuyên gia chứng khoán sẽ dự báo nhóm cổ phiếu có lợi thế tăng trưởng sau sự bùng nổ của dòng bank.

Thị trường đã có phiên giao dịch mở màn năm mới khá khởi sắc khi chỉ số VN-Index đã vượt mốc 1.200 điểm. Định giá thị trường vẫn hấp dẫn và sự phục hồi đáng kể trong kết quả kinh doanh Q4/23 của các công ty niêm yết cũng hỗ trợ tâm lý tích cực cho thị trường. Liệu đà tích cực của thị trường có nối tiếp trong tuần tới, theo các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Về cơ bản, tôi vẫn đánh giá xu thế ngắn và trung hạn của thị trường là khá tích cực. Chỉ số nhìn chung vẫn bò dần lên với tốc độ chậm, đi kèm với sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh, sự tích cực của nhóm Ngân hàng cùng các cổ phiếu vốn hóa lớn hiện tại đang là động lực giúp chỉ số được dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm.

Tuy nhiên trong xu thế này, sẽ liên tục xuất hiện các nhịp giằng co và điều chỉnh xen kẽ, trong tuần sau cũng vậy, các nhịp điều chỉnh của chỉ số hoặc cổ phiếu được dự báo vẫn sẽ diễn ra.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

TTCK vẫn đang trong xu hướng tăng và xác nhận pha tăng có thể tiếp tục kéo dài - các phiên điều chỉnh dao động 1 - 3 phiên cũng có thể được tính đến ở các phiên giao dịch đầu tuần tới.

Ngưỡng kháng cự đáng chú ý tiếp theo có thể là vùng 1.230 – 1.250 điểm cho dù các pha tích lũy trung gian ngắn có thể diễn ra. Dòng tiền đang tham gia vào nhóm cổ phiếu tài chính, bất động sản khu công nghiệp, hóa chất, công nghệ... vẫn đang khá tốt là điểm đáng chú ý.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

Tình trạng kéo trụ có thể diễn ra trong phiên cuối tuần, nhưng hoàn toàn dễ hiểu khi thanh khoản phiên cuối năm còn thấp, và VNIndex đã tiệm cận vùng 1.200 điểm. Nhìn chung xu hướng thị trường vẫn tích cực, dư địa thị trường theo chúng tôi đánh giá là vẫn còn, và các cổ phiếu dẫn dắt dao động hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Do đó nhà đầu tư có thể kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu trong tuần tiếp theo, và chưa cần quá lo ngại về những rung lắc tại vùng chỉ số trên 1.200 điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đã giao dịch khá ổn định và thu hút dòng tiền tốt ngay sau kỳ nghỉ Tết cho thấy mức độ quan tâm và sự kỳ vọng còn rất lớn của nhà đầu tư với thị trường. Các dòng cổ phiếu liên tục thay đổi động lực giúp dòng tiền xoay vòng tốt và lan tỏa ở nhiều nhóm ngành khác nhau.

Tuần sau thị trường có thể giao dịch chậm lại đôi chút do đã có chuỗi tăng khá nhanh trong thời gian ngắn. Có thể sẽ có vài nhịp rung lắc ngắn, nhưng không đáng kể và nhà đầu tư có thể tận dụng để tích lũy thêm cổ phiếu.

Xu hướng chuyển dịch lãi suất ở các ngân hàng trung ương lớn như Fed hay ECB sẽ dần rõ ràng hơn trong quý I/2024 và khả năng cao sẽ nghiêng về xu hướng nới lỏng dần sau khi lãi suất duy trì và neo ở vùng đỉnh trong thời gian gần đây. Đây là một tín hiệu quan trọng đối với xu hướng lãi suất trong nước và sẽ hỗ trợ cho NHNN có thêm dư địa để hạ lãi suất điều hành khi chênh lệch lãi suất giữa VND-USD thu hẹp dần. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về mối liên hệ tương quan với TTCK?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Tất nhiên, lãi suất được duy trì ở mặt bằng thấp như hiện nay chắc chắn sẽ giúp các kênh đầu tư như chứng khoán được hưởng lợi. Với việc lãi suất thấp duy trì trong thời gian dài, cơ hội từ TTCK đang dần sáng sủa, sớm hay muộn cũng sẽ có một bộ phận nhà đầu tư mới tìm kiếm những cơ hội trên TTCK để đạt được mức tăng trưởng tốt hơn so với mặt bằng tiền gửi.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Quy mô nền kinh tế nhỏ, cơ cấu các doanh nghiệp, các thành phần lĩnh vực kinh tế đóng góp cho tăng trưởng GDP nói chung khác nhau. Chính sách của NHNN vẫn bám sát xu hướng điều hành lãi suất của các NHNN, kiểm soát tỷ giá vẫn là mục tiêu ưu tiên. Nhìn chung mặt bằng lãi suất thấp, lãi suất huy động giảm dần sẽ tác động tích cực đến TTCK khi dòng tiền tham gia sẽ gia tăng và cải thiện dần như những gì chúng ta chứng kiến giai đoạn vừa qua.

TTCK thế giới, DJ S&P500 đang ở vùng đỉnh lịch sử, TTCK Việt Nam cho dù chưa thể quay lại ngay mốc đỉnh cũ nhưng cũng đang trong xu hướng đi lên. Có lẽ TTCK đang phản ánh những cải thiện vĩ mô, môi trường kinh doanh và đầu tư.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

Chính sách nới lỏng tiền tệ từ các NHTW lớn như Fed và ECB chắc chắn sẽ tác động tích cực với nền kinh tế, với chính sách điều hành của Việt Nam. Nhưng trong ngắn hạn, mối quan tâm của NĐT là lo ngại về thời điểm cắt giảm lãi suất, khi kỳ vọng tháng 3/2024 đã trễ hẹn sang tháng 6/2024. Về lo ngại này cũng như các vấn đề về vĩ mô thế giới, chúng tôi đánh giá NĐT quan sát dưới góc nhìn định lượng liên thị trường.

TTCK Việt Nam và TTCK Thế giới có độ tương quan nhất định. Điều này có thể được nhìn thấy rõ nhất qua giai đoạn 3 quý đầu năm 2022 khi hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới đều xảy ra bán tháo, và có mức giảm điểm tương đồng. Trong điều kiện "bình thường" hơn, TTCK Việt Nam cũng có mức tương quan cao 0,6 - 0,7 (tối đa 1) với các TTCK Mỹ và Hàn Quốc.

Đến nay, xu hướng tại nhiều TTCK thế giới đã chuyển sang pha tích cực. Cụ thể hơn, tại Mỹ, chỉ số SP500 cũng đã ngấp nghé vượt đỉnh thời đại. DSC đánh giá tín hiệu tích cực từ liên thị trường nhất là từ những thị trường có độ tương quan cao với Việt Nam như Mỹ và Hàn Quốc sẽ là nền tảng quan trọng hỗ trợ cho VN-Index khởi động tốt từ đầu năm 2024.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Khi tình hình vĩ mô ổn định dần và chênh lệch lãi suất giữa VND-USD thu hẹp sẽ có tác dụng tâm lý lớn với nhà đầu tư. Với việc nới lỏng dần lãi suất có thể hỗ trợ cho thị trường chứng khoán phục hồi và tăng trưởng trong trung hạn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ đó kích thích dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là các nhóm ngành nhạy cảm với lãi suất như ngân hàng, bất động sản, xây dựng...

Trong Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn của Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu báo cáo việc nâng hạng thị trường chứng khoán trước 30/6/2024. Triển vọng nâng hạng TTCK cũng là điểm nhấn đầu tư trong giai đoạn 2024-2025. Với câu chuyện nâng hạng, từ kỳ vọng đến thực tiễn được nhìn nhận như thế nào?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Ông Dương Hoàng Linh

Ông Dương Hoàng Linh

Câu chuyện nâng hạng thị trường đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong những năm gần đây, Chính phủ cũng đang rất nỗ lực để có thể nhanh nhất đạt các tiêu chí giúp thị trường Việt Nam được nâng hạng. Đó là những động thái giúp thị trường ngày một minh bạch và hấp dẫn hơn, việc được nâng hạng sẽ giúp thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Tuy nhiên theo tôi đó là tầm nhìn dài hạn, bởi trong ngắn hạn năm 2024 và 2025 thì sẽ rất khó để có thể đạt được mục tiêu này, dù vậy đây vẫn là yếu tố đáng để mong đợi.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Có lẽ vấn đề "refunding" - tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu khi chưa có tiền trong tài khoản, tự do hóa thị trường ngoại hối, xây dựng trung tâm thanh toán bù trừ sẽ vẫn là bài toán cần phải giải quyết sớm và chúng ta cũng hy vọng TTCK sớm được nâng hạng giai đoạn 2024 - 2025 và đây là cú hích lớn đối với TTCK trong tương lai gần.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

Với tổ chức xếp hạng TT FTSE, hệ thống KRX và Mô hình thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) đi vào hoạt động là giải pháp cần thiết nhằm thúc đẩy tiến trình nâng hạng có được bước tiến trước thời điểm 30/06/2024. Bên cạnh đó cần đơn giản hóa quy trình đăng ký, cải thiện room ngoại và bổ sung các yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên nếu đánh giá trên khía cạnh dòng tiền ngoại đổ về thị trường Việt Nam, trong trường hợp Việt Nam được FTSE nâng lên thị trường mới nổi bậc 2 (secondary emerging market) thì tác động cũng chưa lớn. Hiện có khoảng 16 quỹ đầu tư sử dụng FTSE EM Index làm benchmark với tổng tài sản ròng khoảng 95-100 tỷ USD.

Trong trường hợp được nâng hạng, các cổ phiếu trên TTCK Việt Nam chiếm ~1% rổ FTSE EM và có thể nhận được ~1 tỷ USD vốn đầu tư thụ động.

Dòng tiền ngoại sẽ cải thiện rõ rệt hơn trong trường hợp TTCK Việt Nam được MSCI nâng lên thị trường mới nổi, nhưng điều kiện thị trường cũng cần cải thiện.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Sự kỳ vọng và chờ đợi của nhà đầu tư với việc nâng hạng thị trường chứng khoán đã diễn ra nhiều năm và hiện nay cũng đang dần đến mục tiêu. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn một số tiêu chí chưa đáp ứng, như tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường còn nhiều rủi ro, thao túng, thanh khoản thấp ở một số nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, còn cần nâng cao năng lực quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Vì vậy, nâng hạng thị trường là mục tiêu khả thi, nhưng cần nỗ lực từ nhiều phía và sự chung tay từ chính phủ đến các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp và nhà đầu tư để đáp ứng các tiêu chí. Dù sao, nhà đầu tư có thể kỳ vọng trước mắt việc nâng hạng có thể diễn ra sớm nhất vào năm 2025, nhưng cũng có thể lùi xa hơn một chút.

Ở thời điểm hiện tại, nếu so với thị trường các nước trong khu vực thì chỉ số P/E của TTCK Việt Nam vẫn đang ở mức hấp dẫn với 13-14 lần, chỉ số P/B ở mức hơn 1,7 lần. Nhiều CTCK và các chuyên gia đã đưa ra dự báo mức đỉnh về chỉ số VN-Index trong năm nay, dao động từ 1.300 đến 1.500 điểm cho thấy góc nhìn về thị trường đang khá tích cực về mặt dài hạn. Nếu để dự báo về mức đỉnh của thị trường trong năm 2024, đâu là quan điểm của ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Với góc nhìn của tôi, thị trường chứng khoán trong năm 2024 sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi hơn và tôi cũng dự báo thị trường sẽ có sự tăng trưởng cả về điểm số lẫn thanh khoản khi đón nhận thêm dòng vốn mới.

Nhưng xu thế tăng điểm sẽ diễn ra khá chậm và đan xen các nhịp tăng giảm, tôi không cho rằng năm 2024 sẽ là 1 năm mang tính bùng nổ vì nền kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, vì vậy tôi thiên về sự tăng trưởng chậm nhưng bền vững hơn.

Nếu phải dự báo 1 con số, tôi chọn khoảng quanh 1.300 điểm đối với VN-Index sẽ là mức đỉnh trong năm 2024.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Mốc điểm thấp nhất mà thị trường có thể đạt được có lẽ là vùng 1.300 – 1.350 điểm trong khi mức đỉnh cao nhất trong năm 2024 có thể cao hơn nhiều và mốc 1.400 – 1.500 điểm không phải là không khả thi - có lẽ chúng ta chỉ cần dự báo thị trường ở trong xu hướng tăng là được - quan trọng hơn vẫn là cổ phiếu gì sẽ có hiệu suất sinh lời tốt và tốt hơn nhiều so với thị trường chung.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

Ông Trương Thái Đạt

Ông Trương Thái Đạt

Trong nước, những lo ngại từ đầu năm về (1) lạm phát, hay (2) thị trường trái phiếu đã dần có lời giải. Nhiều chính sách cũng đã được ban hành để hỗ trợ hết mức cho nền kinh tế. Trên TTCK, 2023 còn là khoảng nghỉ quan trọng với tâm lý nhà đầu tư, và quãng thời gian tích lũy cần thiết cho mặt bằng giá cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu có xu hướng trung-dài hạn tích cực (có giá nằm trên MA200) trên HSX đã tăng từ mức 12,5% của đầu 2023 lên mức 53,6% tại thời điểm đầu 2024.

Năm 2024 chúng tôi đánh giá là giai đoạn thị trường tìm về giá trị khi các rủi ro trong nước dần suy giảm, kỳ vọng (1) rủi ro xu hướng thị trường thấp hơn một phần, (2) nội tại doanh nghiệp cải thiện và (3) kỳ vọng về hệ thống KRX đi vào hoạt động, thúc đẩy trong tiến trình nâng hạng sẽ là nền tảng hỗ trợ đưa thị trường lên một mức nền mới cao hơn năm cũ. Theo đó, DSC kỳ vọng chỉ số VN-Index năm 2024 sẽ giữ vững vùng 1.100 điểm, và tiến tới mức mục tiêu 1.300 điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay không còn rẻ do một phần kết quả kinh doanh trong năm 2023 vừa qua của các doanh nghiệp không như kỳ vọng. Tuy vậy, vẫn có một số ngành chủ lực như nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn khá hấp dẫn và đây nhóm ngành trọng tâm giữ nhịp thị trường trong năm nay.

Tùy thuộc vào sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với thị trường mà chỉ số VN-Index có thể tiến xa ở mức nào nhưng ít nhất có thể tự tin vào chỉ số VN-Index có thể vượt qua và ổn định quanh 1.300 vào cuối năm nay.

Các phân tích, dự báo cuối cùng vẫn quay về quyết định là sẽ đầu tư vào mã nào. Vậy sau sự bùng nổ của nhóm ngân hàng, đâu là nhóm cổ phiếu sẽ có lợi thế tăng trưởng trong giai đoạn này, theo các ông/bà?

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Sự tăng trưởng của nhóm ngân hàng cho chúng ta thấy rằng đã có sự phân hóa rất lớn của các nhóm ngành hay giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành phụ thuộc vào kết quả kinh doanh (kể cả trong nhóm Ngân hàng cũng có những mã tăng trưởng rất thấp so với mặt bằng chung của nhóm).

Do đó khi thị trường bước vào giai đoạn phân hóa thì ưu tiên vẫn là nhóm cổ phiếu đầu ngành thuộc VN30 vì đây thường là những doanh nghiệp có sự tăng trưởng ổn định. Ngược lại nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ cao và các doanh nghiệp đang có sự khó khăn với tình hình kinh doanh sẽ gặp áp lực bán lớn hơn trong giai đoạn này.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS

Nhóm cổ phiếu hóa chất, cao su, thép, khu công nghiệp, dầu khí, kể cả nhóm tài chính vẫn là nhóm có nhiều cơ hội trong giai đoạn này cũng như cả năm 2024.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC

Chúng tôi đánh giá cao triển vọng nhóm dầu khí trong 2024. Bởi một số yếu tố sau:

Dự phóng giá dầu ổn định trong năm 2024:

Theo các dự phóng DSC tham khảo, các tổ chức tài chính lớn đều đang nhận định giá dầu sẽ tiếp tục suy yếu trong nửa đầu năm 2024 trước (1) những số liệu kém tích cực về nhu cầu dầu thô và (2) việc OPEC+ dừng đẩy mạnh những biện pháp cắt giảm. Tuy vậy, với việc (1) nới lỏng chính sách tiền tệ của FED, (2) nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi, và (3) khối OPEC+ không mở rộng nguồn cung, DSC nhận định giá dầu sẽ không tiếp tục giảm, mà giữ ổn định trong năm 2024.

Hoạt động tại khâu Thượng nguồn sẽ tỏa sáng trong 2024:

Những năm gần đây hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam vẫn tương đối trầm lắng dù giá dầu duy trì cao hơn so với mức hòa vốn (55 USD/thùng). Tính chung 10T/2023 PVN chỉ khai thác được 9,29 triệu tấn dầu thô ( 6,25% svck) dù đã có sự hỗ trợ của Luật Dầu khí sửa đổi.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các mỏ khí đang hoạt động tại Việt Nam hiện đã cạn kiệt về trữ lượng, hoặc đều đang ở giai đoạn khai thác cuối với độ ngập nước cao và sản lượng suy giảm tự nhiên khoảng 15 – 25%.

Sự thiếu sót về chính sách cũng là một trong những yếu tố góp phần gây nên sự “ảm đạm” tại khâu Thượng nguồn trong những năm qua. Tuy nhiên, trong năm 2023 dù đã có sự hỗ trợ của Luật Dầu khí sửa đổi, tình hình khai thác vẫn kém hơn so với kỳ vọng do ảnh hưởng từ triển vọng kinh tế kém khả quan trên toàn cầu.

Tuy vậy, DSC kỳ vọng năm 2024 sẽ là một năm khả quan cho khâu Thượng nguồn nhờ (1) Nhiều dự án quan trọng đã nhận được quyết định triển khai; (2) Giá dầu ổn định trên 70 USD/thùng sẽ kích thích các hoạt động tìm kiếm, khai thác và (3) Luật Dầu khí sửa đổi tiếp tục phát huy vai trò.

Các dự án quan trọng đều được “tháo xích” trong năm 2023:

Năm 2023 là cột mốc đáng nhớ của ngành khi nhiều dự án quan trọng đã nhận được quyết định triển khai, giải quyết được tình trạng cạn kiệt trữ lượng dầu khí. Đây cũng là nguồn công việc lớn cho các doanh nghiệp dầu khí trong nước với dư địa từ hoạt động khoan, xây lắp M&C và các dịch vụ liên quan khác Các dự án được phê duyệt bao gồm Sư Tử Trắng GĐ 2B ( quy mô 1,1 tỷ USD), Lạc Đà Vàng (quy mô 693 triệu USD) và Lô B–Ô Môn (quy mô 10tỷ USD).

Trong đó dự án mỏ khí Lô B sẽ là động lực phát triển chính với quy mô đầu tư lớn, thời gian phát triển dự án dự kiến là 5 năm. Hiện PVN và các đối tác nước ngoài đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận khung (HOA) để khai thác dòng khí đầu tiên từ dự án Lô B vào năm 2027, kỳ vọng sẽ được nhận được FID (quyết định đầu tư cuối cùng) vào đầu năm 2024.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù đã có mức tăng khá nhanh trong thời gian qua nhưng nhiều cổ phiếu vẫn còn định giá hấp dẫn. Thông thường sau giai đoạn bứt phá của nhóm cổ phiếu lớn thì nhóm các cổ phiếu ngân hàng tầm trung và nhỏ sẽ tiếp tục khởi sắc. Ngoài ra, một số nhóm ngành tiếp tục chờ đợi bức phá trong năm nay với nhiều kỳ vọng ưu tiên hơn có thể kể như nhóm đầu tư công, bán lẻ, chứng khoán và cả bất động sản.

Bạn đang đọc bài viết "Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Đánh giá lại Chỉ thị 06 và nhóm cổ phiếu tiềm năng" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.