Lâm Đồng - Đông Flandrs (Bỉ): Cơ hội gắn kết từ sự tương đồng

17/12/2022 16:03

(Chinhphu.vn) - Chia sẻ bên lề chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tại Vương quốc Bỉ, ông Phạm S - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chuyến đi là cơ hội để tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đông Flanders gắn kết và có những hợp tác thiết thực. Đây là hai địa phương có nhiều tương đồng về phát triển kinh tế nông nghiệp trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo nhìn nhận của ông Phạm S - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, chuyến đi lần này của Thủ tướng Chính phủ là một sự kiện rất quan trọng cho các tỉnh, thành trong cả nước. Riêng với tỉnh Lâm Đồng, là một trong những địa phương hợp tác rất lâu đối với tỉnh Đông Flanders của Bỉ (từ năm 2013), thông qua chuyến đi này các vấn đề về lĩnh vực trồng trọt, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ thực vật đã được gắn kết chặt chẽ hơn.

Nhìn nhận về những điểm tương đồng, ông Phạm S cho rằng Bỉ là một quốc gia có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn Lâm Đồng trong 10 năm qua cũng đã thực hiện chương trình hợp tác quy mô rất lớn để phát triển bền vững về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, Bỉ là một quốc gia rất quan tâm vấn đề chỉnh trang đô thị, bảo tồn các di sản kiến trúc, còn Lâm Đồng thì có thành phố Đà Lạt là một trong số ít các thành phố tại Việt Nam đang thực hiện công tác chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn và phát triển kinh tế nông nghiệp.

Từ những điểm tương đồng này, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc hợp tác với Bỉ trong thời gian vừa qua và sắp tới rất quan trọng. Ông Phạm S cũng đánh giá mục tiêu chung của 2 vùng đất đều là phát triển nông nghiệp nhưng hài hòa bền vững giữa phát triển đô thị và cảnh quan môi trường để đảm bảo du lịch chất lượng cao.

Ông Phạm S cho biết, tới đây, tỉnh Lâm Đồng sẽ rà soát lại quá trình 20 năm phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, trong đó sẽ nhìn nhận về hạ tầng, đặc biệt là việc phát triển nhà kính là một trong những vấn đề rất quan trọng. Ông S cũng phân tích thêm, việc phát triển nhà kính với quy mô lớn và tốc độ nhanh sẽ ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan du lịch và vấn đề về sinh thái.

Ông S cũng phấn khởi chia sẻ, nhân chuyến đi tháp tùng Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với các doanh nghiệp, công ty kiến trúc và các tổ chức về phát triển hệ sinh thái. "Chúng tôi coi đây là những bài học của các quốc gia đi trước để tiếp tục điều chỉnh hệ sinh thái nông nghiệp phát triển bền vững, để đảm bảo một đô thị thông minh thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu", ông S nhấn mạnh.

Trong gần 10 năm vừa qua, các doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng cũng đã tiếp cận với các doanh nghiệp của Bỉ về công tác nhân giống. Cụ thể là nguồn gen của Bỉ rất phong phú, nhưng giá lao động lại rất cao (giá bình quân 1 lao động của Bỉ gấp 10 lần lao động Việt Nam), chính vì vậy Lâm Đồng thực hiện việc nhân giống, sau đó sẽ cung cấp giống sang Bỉ.

Quá trình hợp tác vừa qua cũng cho thấy sự ăn ý của doanh nghiệp hai bên, ông S cho biết: "Các doanh nghiệp Lâm Đồng rất mạnh dạn trong vấn đề chuyển giao công nghệ, tiếp cận nguồn gen, giống mới. Các doanh nghiệp của Bỉ cũng thấy được nhiều tiềm năng từ các doanh nghiệp Lâm Đồng. Đặc biệt, tiềm năng trong quá trình quản trị doanh nghiệp rất tốt. Thứ hai, doanh nghiệp Bỉ cũng đánh giá cao doanh nghiệp Việt Nam trong việc sẵn sàng chia sẻ cho cộng đồng, đặc biệt là trong liên kết chuỗi. Thứ ba là việc sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng hiện nay không chỉ thu hẹp trong địa phương hay quốc gia mà đã có những bước tiến trong quá trình toàn cầu hóa".

Riêng về mối quan hệ với tỉnh Đông Flanders của Bỉ, ông Phạm S cho rằng chìa khóa quan trọng nhất chính là mối quan hệ hợp tác suốt 10 năm qua giữa Lâm Đồng và Đông Flanders. "Đây chính là mấu chốt để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đông Flanders, hai bên chia sẻ những giá trị tạo nên sản xuất nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Điều này càng có giá trị khi Lâm Đồng không còn chỉ sản xuất những nông sản truyền thống mà sản xuất nông sản theo hướng sản phẩm quốc gia, đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn. Tôi nghĩ rằng hợp tác giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đông Flanders sẽ là hợp tác kiểu mẫu giữa hai chính phủ Việt Nam và Vương quốc Bỉ", ông S nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về câu chuyện phát triển nhà kính tại Đà Lạt, ông Phạm S cho biết, trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì sản xuất nông nghiệp trong nhà kính là 1 trong 7 phương thức ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp thông minh. 

"20 năm qua Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng cao trong nhà kính. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc sản xuất nông nghiệp trong nhà kính đã bộc lộ những mặt trái  như ảnh hưởng đến vấn đề cảnh quan, khí hậu, môi trường…", ông Phạm S cho biết.

So sánh với các quốc gia đi trước trong sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, ông Phạm S cho biết, đối với Pháp, Hà Lan hoặc Bỉ mất 30 năm đến 40 năm mới hoàn thiện. "Tỉnh Lâm Đồng hiện đang đi tắt đón đầu, tiếp cận khoa học công nghệ và những nguồn gen giống mới. Dự kiến đến năm 2030 thì toàn bộ diện tích nhà kính trong vùng nội đô Đà Lạt sẽ di chuyển ra vùng ven", ông Phạm S cho biết.

Đỗ Hương


Bạn đang đọc bài viết "Lâm Đồng - Đông Flandrs (Bỉ): Cơ hội gắn kết từ sự tương đồng" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.