Lăng kính chứng khoán 22/4: Thị trường đang vào giao đoạn "dò đáy"?

22/04/2024 12:30

Dự báo về xu hướng ngắn hạn của thị trường, các chuyên gia đều lo ngại VN-Index tiếp tục giảm điểm và rủi ro chỉ số rơi về các ngưỡng sâu hơn đang gia tăng.

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch đầy tiêu cực khi áp lực bán dâng cao khiến VN-Index mất hơn 100 điểm. Riêng cú lao dốc vào cuối phiên đầu tuần đã lấy đi 60 điểm – mức giảm mạnh nhất trong gần 2 năm trở lại đây, từ 12/5/2022. Mức giảm này cũng khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất nhất châu Á trong phiên 15/4.

Duy nhất phiên ngày thứ 3 thị trường chỉ mất chưa tới 1 điểm nhờ sự “gồng gánh” của nhóm ngân hàng và hoá chất. Song áp lực bán tháo trên diện rộng khiến VN-Index chính thức “thủng” mốc 1.200 điểm.

Kết tuần, VN-Index giảm 101,75 điểm, tương đương 7,97% xuống 1.174,85 điểm, HNX giảm 20,54 điểm, tương đương 8,51% xuống 220,8 điểm. Vốn hóa toàn thị trường cũng "bốc hơi" 480.000 tỷ đồng trong một tuần xuống còn khoảng 6,28 triệu tỷ đồng. 

Xét về mức độ đóng góp, BID, MSB và QCG là những mã có tác động tích cực nhất đến thị trường khi đóng góp gần 0,5 điểm cho chỉ số. Trái chiều, VIC, CTG và FPT là ba mã có tác động tiêu cực nhất, riêng VIC đã lấy đi hơn 2,1 điểm của thị trường.

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 22/4: Thị trường đang vào giao đoạn 'dò đáy'?

Diễn biến chỉ số VN-Index tuần qua (Nguồn: TradingView).

Đánh giá về diễn biến giao dịch thị trường tuần qua, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích CTCK Agriseco cho rằng nhịp điều chỉnh là cần thiết trong quá trình đi lên của chỉ số, nhất là khi VN-Index tăng gần 15% từ đầu năm mà chưa có đợt chiết khấu nào đáng kể.

Trong ngắn hạn, thị trường cũng đang bị ảnh hưởng bởi một vài thông tin liên quan đến căng thẳng địa chính trị quốc tế, các dự báo về việc Fed sẽ lùi lịch hạ lãi suất cũng như áp lực tỉ giá trong nước. Trong trường hợp tỉ giá vẫn chưa hạ nhiệt, lãi suất có thể sẽ phải tăng lên nhằm kiểm soát tỉ giá, điều này sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền trên thị trường và dòng tiền vào kênh chứng khoán.

Trước mắt, vùng hỗ trợ 1.120 - 1.130 điểm sẽ là điểm đỡ cho chỉ số.

Theo số liệu của các công ty chứng khoán, dư nợ margin ước tính đã đạt gần 200.000 tỷ đồng vào cuối quý I/2024, tăng 23.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, đây là mức cao kỷ lục từ trước tới nay, vượt cả mức dư nợ margin trong giai đoạn đầu năm 2022 khi VN-Index ở vùng đỉnh 1.500 điểm.

Theo ông Khoa, nếu thị trường vẫn tiếp tục đà giảm, tình trạng "call margin" ở các công ty chứng khoán sẽ diễn ra trên diện rộng và xuất hiện một nhịp giảm rũ bỏ để hạ bớt dư nợ margin ở thời điểm hiện tại.

Với việc nhiều cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn hơn sau nhịp chỉnh sâu của thị trường, ông Khoa khuyến nghị nhà đầu tư có thể sớm giải ngân tăng tỉ trọng nhóm cổ phiếu VN30, vốn hoá lớn trong các phiên sắp tới khi áp lực bán được cân bằng. Ngược lại, hạ dần tỉ trọng cũng như hạn chế giải ngân mới đối với các cổ phiếu mang tính đầu cơ trong nhịp hồi và tuân thủ kỷ luật cắt lỗ.

Dự báo về xu hướng ngắn hạn của thị trường, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể hạn chế bán ra ở giai đoạn này và quan sát diễn biến thị trường. Đồng thời, nếu nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao và có tỉ trọng tiền mặt cao thì xem xét giải ngân với tỉ trọng thấp để thăm dò xu hướng ngắn hạn.

Hiện thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy trung hạn cho nên có thể biến động hẹp trong những tuần giao dịch tới. Ngoài ra, xu hướng trung hạn của thị trường chung bị hạ xuống mức trung tính. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể tạm thời dừng mua ở những tuần giao dịch tới.

Đồng quan điểm, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lo ngại VN-Index tiếp tục giảm điểm và rủi ro chỉ số rơi về các ngưỡng sâu hơn đang gia tăng. Nhà đầu tư ngắn hạn nên tranh thủ các nhịp hồi phục để hạ tỉ trọng danh mục về mức an toàn.

Hiện thị trường đang vận động trở lại kênh tích lũy rộng 1.150 điểm - 1.250 điểm, quá trình này có thể kéo dài. Do đó, nhà đầu tư trung hạn không nên giải ngân trong bối cảnh hiện tại, cần kiên nhẫn chờ đợi nhịp tích lũy lại tin cậy hơn.

Theo SHS, trong các thông số vĩ mô, điểm đáng lưu ý là tăng trưởng tín dụng yếu, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. Tỉ giá vẫn ở mức cao, những khó khăn với thị trường bất động sản, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp chưa có bước chuyển biến căn cơ. Tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, bất ổn thế giới gia tăng là một phần nguyên nhân khiến chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh.

Bạn đang đọc bài viết "Lăng kính chứng khoán 22/4: Thị trường đang vào giao đoạn "dò đáy"?" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.