Mỹ quyết 'dìm' công nghệ Trung Quốc

05/09/2022 20:01

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang tìm cách thực hiện hàng loạt lệnh cấm nhắm vào lĩnh vực công nghệ Trung Quốc.

Theo Bloomberg, ông Biden được cho là sẽ ký một lệnh hành pháp mới trong "vài tháng tới", chủ yếu đưa ra các biện pháp để hạn chế các công ty Mỹ đầu tư vào dự án công nghệ Trung Quốc. Nhà Trắng cũng đang thảo luận với Quốc hội Mỹ về quy định yêu cầu các công ty Mỹ phải thông báo các khoản đầu tư nếu họ muốn tham gia một số ngành công nghiệp nhất định của Trung Quốc.

Một nguồn tin khác cũng cho biết Mỹ đang đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau về lệnh cấm, gồm việc thiết lập một hệ thống cho phép chính phủ có quyền chặn các khoản đầu tư hoàn toàn. Lệnh hành pháp này là một phần của chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm hạn chế bán các công nghệ và linh kiện bán dẫn cho các quốc gia như Trung Quốc và Nga.

Nhân viên làm việc tại một dây chuyền sản xuất chip thuộc nhà máy ở tỉnh An Huy, Trung Quốc hồi năm 2018. Ảnh: Reuters

Nhân viên làm việc tại một dây chuyền sản xuất chip thuộc nhà máy ở tỉnh An Huy, Trung Quốc hồi năm 2018. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, một quan chức Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ Nhà Trắng đang xem xét kỹ lưỡng việc cấm nền tảng video ngắn TikTok. Tuy nhiên, người này nhấn mạnh "sẽ không có hành động nào sắp xảy ra trong thời gian gần". Mỹ nhiều lần đưa TikTok vào tầm ngắm với lý do lo ngại đe dọa an ninh quốc gia. Nhiều nghị sĩ Mỹ đề xuất rằng mạng video của ByteDance cần được ngăn chặn vì thu thập dữ liệu người dùng Mỹ và gửi về cho chính phủ Trung Quốc.

Tuần trước, hai hãng card đồ họa lớn nhất thế giới Nvidia và AMD cho biết họ được yêu cầu phải xin giấy phép mới từ chính phủ đối với các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tương lai. Động thái này nhằm ngăn chặn các công ty trong nước cung cấp linh kiện và công nghệ, nhất là lĩnh vực AI, cho quân đội Trung Quốc.

Với Nvidia, chính sách mới của Mỹ được áp dụng cho hai sản phẩm là A100 và H100 - các bộ xử lý đồ họa hiệu năng cao dùng trong doanh nghiệp. Với AMD, lệnh hạn chế được áp dụng cho sản phẩm MI250. Ngoài ra, bất cứ sản phẩm nào trong tương lai nếu có hiệu suất bằng hoặc lớn hơn cũng cần giấy phép. Theo Reuters, đây là bước leo thang lớn của Mỹ trong việc giảm năng lực công nghệ của Trung Quốc.

Mỹ cũng thúc đẩy việc tự sản xuất linh kiện bán dẫn trong nước - điều trước đây chủ yếu phụ thuộc vào các công xưởng nước ngoài. Ngày 9/8, ông Biden ký ban hành luật CHIPS & Science Act trị giá 280 tỷ USD. Trong đó, gói hỗ trợ 52,7 tỷ USD được xây dựng dành riêng cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn. Quy định nêu rõ các công ty nhận trợ cấp sẽ bị hạn chế thực hiện các "giao dịch lớn" liên quan đến mở rộng quy mô sản xuất chip ở Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào trong 10 năm. Dù vậy, tham vọng này của Mỹ bị đánh giá là "khó nhằn".

Kể từ tháng 5/2019, Mỹ đã rất mạnh tay trong việc hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ của mình. Theo giới quan sát, những quyết định mới dưới thời ông Biden sẽ tiếp tục khiến chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung càng thêm quyết liệt.

Trung Quốc gặp khó

Việc Mỹ yêu cầu Nvidia và AMD không xuất khẩu chip AI cao cấp cho Trung Quốc khiến nước này nổi giận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng những hạn chế mới nhất có thể làm chậm sự phát triển trung tâm dữ liệu lớn của Trung Quốc.

Một chuyên gia tại công ty máy chủ AI có trụ sở tại Thiên Tân cho rằng các hoạt động của chính quyền có thể bị ảnh hưởng sau lệnh cấm. Hiện máy chủ dùng trong nhiều hệ thống, như nhận dạng tội phạm hay giám sát giao thông, đang sử dụng chip A100 của Nvidia. "Thật khó thay thế những chip này bằng các sản phẩm nội địa do liên quan đến hiệu suất và hệ sinh thái được thiết lập", người này nói.

Trong khi đó, tin tức về các hạn chế mới, nhất là lệnh cấm chip AI, cũng là chủ đề được tranh luận sôi nổi tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới - WAIC 2022, diễn ra ở Thượng Hải từ ngày 1/9 đến 3/9, theo SCMP. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cho rằng đây là cơ hội lớn với các công ty sản xuất GPU và các loại chip tương tự ở Trung Quốc.

"Các công ty trong nước hiện tụt hậu so với Nvidia và AMD về chip hiệu suất cao, do đó việc thay thế trong ngắn hạn là không thể. Trong nhiều năm, họ chấp nhận tụt lại phía sau. Nhưng giờ lệnh cấm có thể mở ra cơ hội cho thị trường", ông Liu, Giám đốc một hãng GPU tại Trung Quốc, cho biết.

Một chuyên gia khác đánh giá, lệnh cấm có thể khiến Trung Quốc nhận thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh hơn nữa việc tự sản xuất GPU. "Khi cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung leo thang, khách hàng lớn ở Trung Quốc sẽ cần các sản phẩm nội địa hóa cao. Nhận thức về vấn đề này sẽ tăng lên sau lệnh cấm mới nhất", người này nói với SCMP.

Ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc đang tham gia vào lĩnh vực GPU. Chẳng hạn, Biren Technology được thành lập năm 2019 để tập trung sản xuất GPU đa năng. Các công ty khác như Vastai Technologies, Iluvatar CoreX hay Hexaflake Information Technology cũng bắt đầu có các sản phẩm đạt tiến bộ nhất định.

Những năm qua, Trung Quốc theo đuổi mục tiêu Made in China 2025, trong đó xác định 10 ngành công nghiệp họ muốn có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu trước năm 2025 và thống trị trong thế kỷ 21 gồm robot, phương tiện giao thông năng lượng mới, công nghệ sinh học, vũ trụ, vận tải biển cao cấp, thiết bị đường sắt công nghệ cao, thiết bị điện, vật liệu mới, phần mềm và công nghệ thông tin thế hệ mới, máy nông nghiệp. Họ cũng xây dựng một chiến lược phát triển riêng cho AI từ năm 2017 và đặt mục tiêu trở thành trung tâm đột phá về AI của thế giới trước 2030. Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá tham vọng của nước này có thể bị ảnh hưởng lớn do các lệnh cấm của Mỹ.

Bảo Lâm

Card đồ họa - hạn chế mới của Mỹ với Trung Quốc Hãng chip Trung Quốc có thể đang giấu bài Đạo luật Mỹ đe dọa chuỗi cung ứng chip toàn cầu Nhà sản xuất chip mắc kẹt trong thương chiến Mỹ - Trung Tham vọng thống trị ngành bán dẫn 'khó nhằn' của Mỹ

Bạn đang đọc bài viết "Mỹ quyết 'dìm' công nghệ Trung Quốc" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.