Phía sau vụ án 43ha 'đất vàng' Bình Dương

20/04/2020 14:22

Nhất là khi, liên quan đến dự án 43ha đất Khu đô thị Tân Phú ở phường Hoà Phú (Tp.Thủ Dầu Một, Bình Dương), thời gian qua có nhiều khách hàng đã trót rót số tiền nhiều tỷ đồng vào chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú hiện đang thuộc quyền sở hữu của CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Tp.HCM. 

Dấu hỏi tính chất pháp lý

Thực ra, ban đầu Công ty Tân Phú được hình thành bởi thoả thuận liên doanh giữa PRT (một doanh nghiệp trực thuộc Văn phòng Tỉnh uỷ Bình Dương) và Công ty Âu Lạc. 

Điều đáng nói là PRT đã làm trái chủ trương của Tỉnh uỷ khi sử dụng 43ha đất do doanh nghiệp (DN) này quản lý để góp 30% vốn hợp tác liên doanh với mức giá rẻ bèo chỉ hơn 250,1 tỷ đồng, tương đương hơn 581.000 đồng/m2.

Sau đó, năm 2016, PRT chuyển nhượng luôn 30% vốn góp, đồng nghĩa với việc bán đứt 43ha “đất vàng” của Nhà nước mà không thông qua đấu giá. 

Rồi tiếp đến, qua một số động tác chuyển nhượng trong các năm 2017 - 2018, toàn bộ 100% số cổ phần ở Công ty Tân Phú đều về tay Công ty Kim Oanh, đồng nghĩa với việc sở hữu 43ha đất.

HINH-4682-1587020456.jpg

Dự án khu đô thị Tân Phú đang bị đặt nhiều dấu hỏi về tính chất pháp lý

Một chuyên gia pháp lý cho rằng việc mua phần vốn góp của Công ty Kim Oanh là chưa phù hợp với quy định pháp luật đất đai. Tại điểm a, khoản 1, Điều 169 Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định DN có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất, không có quy định đối với tổ chức trong nước nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất. 

Còn theo quan điểm của Công an tỉnh Bình Dương, khu “đất vàng” có diện tích 43 ha là tài sản của Nhà nước giao cho PRT (tiền thân là Tổng công ty 3/2) thực hiện dự án. 

Với giá trên 250,1 tỷ đồng khi PRT chuyển nhượng 43 ha đất này là không đúng về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo quy định về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, thấp hơn bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương thời điểm ấy khoảng hơn 376 tỷ đồng. Như vậy, cả ba lãnh đạo PRT vừa bị bắt đã gây thiệt hại hơn 126,8 tỷ đồng

Về tư cách pháp nhân của Công ty Kim Oanh tại dự án 43ha cũng được giới chuyên gia pháp lý đánh giá là chưa đủ cơ sở. Thứ nhất, việc chuyển nhượng vốn giữa PRT với Công ty Âu Lạc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên có thể việc Công ty Kim Oanh mua đứt Công  ty Tân Phú cũng cần được xem xét lại về tính chất có hợp pháp hay không?

Ngoài ra, dù Công ty Kim Doanh sở hữu 100% vốn tại Công ty Tân Phú thì Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN&MT tỉnh Bình Dương) đến nay cũng chưa chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu 43 ha.

Coi chừng “tiền mất tật mang”

Trong khi tính chất pháp lý còn bỏ ngỏ, thì tính đến hồi tháng 9 năm ngoái, đã có nhiều khách hàng chuyển tiền cho Công ty Tân Phú với số tiền hàng tỷ đồng để góp vốn đầu tư dự án Khu đô thị Tân Phú.

Vào tháng 1/2018, trên website CTCP Thương mại Dịch vụ Địa ốc Kim Oanh (Kim Oanh Group) còn đăng bản tin “Kim Oanh Group động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú tại Bình Dương” với quy mô lên đến 2.000 lô đất nền và nhà phố liền kề. 

Tuy nhiên, sau khi Công ty Kim Oanh động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã buộc dừng thi công do dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa có giấy phép xây dựng.

Điều đáng nói, sau khi làm lễ khởi công, Kim Oanh Group đã có dấu hiệu đi huy động vốn của nhiều khách hàng dưới hình thức góp vốn. Những dữ liệu cho thấy, khá nhiều khách hàng đã chuyển tiền cho Công ty Tân Phú dưới hình thức góp vốn.

Điển hình như bà N.T.T. nộp vào tài khoản Công ty Tân Phú số tiền 1,6 tỷ đồng vào ngày 4/7/2018 với mục đích là “góp vốn dự án Tân Phú”. Hoặc như ngày 18/1/2019, bà N.T.D.C. chuyển cho công ty này số tiền 500 triệu đồng với nội dung góp vốn…

HINH-2-1478-1587020456.jpg

Cần làm rõ lợi ích nhóm trong vụ chuyển nhượng 43ha “đất vàng”

Có thể nói, xét về mặt pháp lý hiện nay của dự án khu đô thị Tân Phú là chưa được chấp thuận chủ đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng, đang là tang vật của vụ án theo quyết định khởi tố vụ án của Công an tỉnh Bình Dương.

Từ vụ án 43ha “đất vàng” ở Bình Dương, với những nhà đầu tư cá nhân đã mua đất theo hình thức góp vốn và hợp đồng cho vay ưu tiên mua đất theo lô được ưu tiên chọn thông qua chuyển khoản và nộp tiền mặt thì họ sẽ phải đối mặt nhiều rủi ro trước tính chất pháp lý của khu đất như vậy.

Trên thực tế, đây là bài học chung cho những người góp vốn ở những dự án đất còn mập mờ với nhiều vụ việc tương tự ở Tp.HCM, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… trong thời gian gần đây. 

Theo đó, một số DN bất động sản có cùng một phương thức bán và huy động vốn trái phép khi pháp lý chưa rõ ràng, nhất là với những dự án mà nhiều năm chưa ra sổ cho khách hàng.

Điều này đòi hỏi khách hàng phải tự vệ trước khi quá muộn. Chẳng hạn trong vụ án 43ha “đất vàng”, khách hàng cần sớm liên hệ với cơ quan bảo vệ pháp luật ở Bình Dương để trình báo nhằm được bảo vệ quyền lợi chính đáng thay vì “tiền mất tật mang”.

Thanh Loan

Bạn đang đọc bài viết "Phía sau vụ án 43ha 'đất vàng' Bình Dương" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.