Tiêu thụ thép tăng mạnh 2 tháng đầu năm và sẽ tiếp tục neo cao

21/03/2022 16:30

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất thép thành phẩm 2 tháng đầu năm 2022 đạt 5,1 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt 1,1 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2021.

Sản xuất và tiêu thụ thép tăng trưởng tích cực

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa công bố báo cáo tình hình thị trường thép tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022. Theo đó, trong tháng 2/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,6 triệu tấn, tăng 1,16% so với tháng 1/2022 và tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,6 triệu tấn, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 30,1% so với cùng kỳ.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 5,1 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 5,01 triệu tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 126.017 tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tình hình xuất khẩu, tháng 1/2022, xuất khẩu thép thành phầm của Việt Nam đạt 815.000 tấn, giảm 10,28% so với tháng trước và giảm 15,8% so với cùng kì năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 896.000 USD, giảm 7,11% so với tháng 12/2021 nhưng tăng 43,79% so với cùng kỳ năm 2021.

Ở chiều ngược lại, trong tháng 1/2022, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt hơn 1 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,07 tỷ USD tăng 12% về lượng và tăng 4,59% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Kinh tế vĩ mô - Tiêu thụ thép tăng mạnh 2 tháng đầu năm và sẽ tiếp tục neo cao

Sản xuất và tiêu thụ thép 2 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng ấn tượng (Ảnh: Hữu Thắng).

Cập nhật về tình hình nguyên liệu sản xuất thép, VSA cho biết, giá quặng sắt ngày 8/3/2022 giao dịch ở mức 162-162,50 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), tăng khoảng 12 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 2/2022. Tuy nhiên, nếu so với mức giá cao nhất được ghi nhận đầu tháng 5/2021 (xấp xỉ 210 – 212 USD/tấn) thì mức giá này giảm khoảng 50-52 USD/tấn.

Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 8/3/2022 giao dịch ở mức 627 USD/tấn FOB, tăng mạnh 235,25 USD so với đầu tháng 2/2022. Giá than cốc có xu hướng tăng liên tục kể từ quý 3/2021 ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thép tăng.

Giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 580USD/tấn CFR Đông Á ngày 2/3/2022, tăng 25 USD/tấn so với hồi đầu tháng 2/2022.

Nhu cầu tiêu thụ thép còn tăng mạnh

Theo báo cáo ngành thép mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect, nhu cầu tiêu thụ thép ở Việt Nam sẽ vẫn cao do 4 yếu tố.

Thứ nhất là nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn tại Việt Nam. Chính phủ đang đặt mục tiêu cả nước sẽ sở hữu 3.000 km cao tốc đến cuối năm 2025 (từ mức 1.163 km cao tốc hiện nay). Trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, số vốn ước tính cũng tăng thêm 43,5% so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Thứ hai, tỉ lệ đô thị hóa tại Việt Nam còn thấp. Tỉ lệ đô thị hóa tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng kể từ năm 1990 và đạt 37% vào năm 2020, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

"Theo dự báo của Liên Hợp quốc, dân số thành thị của Việt Nam sẽ vượt qua dân số nông thôn vào năm 2050. Sự dịch chuyển dân cư ra thành thị sẽ kéo theo nhu cầu xây dựng nhà ở gia tăng, kích thích nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng dân dụng", báo cáo nêu.

Kinh tế vĩ mô - Tiêu thụ thép tăng mạnh 2 tháng đầu năm và sẽ tiếp tục neo cao (Hình 2).

Với kế hoạch đầu tư công đặt ra, việc tiêu thụ sắt thép dự báo sẽ còn tăng cao trong thời gian tới (Ảnh: Hữu Thắng).

Thứ ba, tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang thấp hơn mức trung bình của châu Á. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam là 283 kg, cao hơn mức trung bình thế giới (245 kg), nhưng thấp hơn mức trung bình châu Á (316 kg).

Mặt khác, tăng trưởng kép tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam cũng đặt tốc độ ấn tượng 7,3% trong giai đoạn 2009-2019, gấp lần lượt 4 lần/2 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới và châu Á.

Thứ tư, Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới. Trung Quốc - quốc gia sản xuất 45% sản lượng thép thô toàn cầu năm 2021, đang thực hiện hàng loạt chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép nước này như loại bỏ hoàn thuế VAT 13% đối với 146 sản phẩm thép từ tháng 5/2021, giảm thuế nhập khẩu thép thô, gang và thép phế xuống 0% từ tháng 5/2021.

Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Australia khiến các nhà máy thép khó tiếp cận được nguồn nguyên liệu giá rẻ. Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang theo đuổi mục tiêu giảm 65% lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP so với mức của năm 2005, trọng tâm sẽ buộc giảm sản lượng các ngành sản xuất công nghiệp nặng, trong đó có thép.

Bạn đang đọc bài viết "Tiêu thụ thép tăng mạnh 2 tháng đầu năm và sẽ tiếp tục neo cao" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.