Giao dịch T+0 và bán khống: Lợi thì có lợi...!

30/08/2020 19:28

Mới đây, Bộ tài chính đã thực hiện lấy ý kiến sửa đổi Thông tư hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán, thay thế cho Thông tư số 203/2015. Đối tượng áp dụng là nhà đầu tư, thành viên giao dịch, thành viên lưu ký, thành viên bù trừ, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, Sở GDCK và công ty con, VSD và công ty con.

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Dự thảo là các điều khoản, quy định về giao dịch chứng khoán trong ngày (T+0) và giao dịch bán khống có đảm bảo.

Cú hích thanh khoản

Theo Thông tư, giao dịch bán khống có tài sản đảm bảo là giao dịch bán chứng khoán đã vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.

Giao dịch bán khống sẽ được thực hiện dựa trên hợp đồng giao dịch vay chứng khoán trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán tại VSD. Để thực hiện giao dịch bán khống có bảo đảm tối thiểu phải bao gồm nội dung về tài sản thế chấp, lãi suất vay/cho vay, thời hạn vay, gia hạn vay, xử lý tài sản thế chấp khi nhà đầu tư không hoàn trả chứng khoán, phương thức giải quyết khi có tranh chấp phát sinh, nêu rõ các rủi ro, thiệt hại có thể phát sinh và chi phí.

nghiep-vu-ban-khong-va-giao-di-9729-2834

Các CTCK sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhất từ nghiệp vụ bán khống và giao dịch T+0.

Còn đối với giao dịch T+0 được định nghĩa là giao dịch mua và bán cùng 1 mã chứng khoán với khối lượng giao dịch thực hiện trên cùng một tài khoản trong cùng một ngày giao dịch.

Nhà đầu tư thực hiện các giao dịch trong ngày phải tuân thủ quy định không được đặt các lệnh giao dịch vừa mua, vừa bán đồng thời cùng một loại chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ, trừ các lệnh đã được nhập vào hệ thống tại đợt giao dịch liên tục trước đó, chưa được khớp nhưng vẫn còn hiệu lực; không được thực hiện các giao dịch trong ngày đối với giao dịch chứng khoán lô lẻ và giao dịch thỏa thuận.

Hoạt động giao dịch trong ngày không được thực hiện trong khoảng thời gian năm 5 ngày, trước ngày đăng ký cuối cùng để chốt quyền cổ đông của chứng khoán đó.

Theo đánh giá của CTCK Bảo Việt (BVSC), giao dịch T+0 và được bán khống cổ phiếu sẽ là cú hích giúp thị trường chứng khoán phát triển nếu Dự thảo được thông qua. Đặc biệt, giao dịch T+0 còn giúp thu hút được lượng lớn các nhà đầu tư tham gia khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản sẽ tăng mạnh.

Bên cạnh đó, BVSC cho rằng, việc được phép bán khống và giao dịch T+0 cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá theo FTSE và MSCI. Từ đó, Việt Nam hoàn toàn có thể sẽ được đánh giá nâng hạng sang thị trường mới nổi và thu hút được lượng lớn dòng vốn ngoại lớn trong thời gian tới.

Chưa chắc nhà đầu tư sẽ là đối tượng được hưởng lợi

Thực tế, một thị trường chứng khoán cởi mở và phát triển thì cần phải có nghiệp vụ bán khống và giao dịch T+0. Việc cho phép giao dịch trong ngày, bán khống sẽ giống như con đường giao thông 2 chiều trong lĩnh vực tài chính.

Về lý thuyết, ưu điểm của những nghiệp vụ trên là nhà đầu tư sẽ tối đa hóa được lợi nhuận khi không phải chờ đợi “hàng” về tài khoản vài ngày như hiện nay đang áp dụng, hoặc có thể bán tài sản kiếm lời ngay cả khi không sở hữu.

Tuy nhiên nếu xem xét kỹ từng nghiệp vụ có thể thấy được rằng, chưa chắc các nhà đầu tư sẽ là đối tượng được hưởng lợi. Cụ thể, đối với giao dịch bán khống, về bản chất đây là hình thức vay mượn chứng khoán sau đó bán đi với dự đoán giá sẽ giảm và trong tương lai nhà đầu tư phải mua lại để hoàn trả đủ số lượng đã vay mượn.

Có thể lấy ví dụ, người A mượn người B với số lượng 10.000 cổ phiếu VNM (Vinamilk) và bán với giá 150.000 đồng/cp, sau đó một thời gian A phải mua lại số cổ phiếu VNM tương đương để trả lại cho người B.

Nếu tại thời điểm mua vào để trả nợ VNM có giá là 130.000 đồng/cp thì người A sẽ thu lời được khoảng 200 triệu đồng, nhưng vì một yếu tố nào đó VNM tăng giá lên 165.000 đồng/cp thì A lỗ khoảng 150 triệu đồng.

Như vậy, nhà đầu tư chỉ nhận được phần thưởng khi dự đoán đúng và diễn biến giá theo kỳ vọng, còn nếu không nghiệp vụ này có thể gây ra thiệt hại tài chính rất lớn.

Còn đối với giao dịch T+0, nhà đầu tư sẽ được mua trước – bán sau hoặc bán trước – mua sau và giao dịch trong ngày sẽ làm phát sinh trường hợp bán khống và giao dịch sẽ diễn ra tương tự như trên.

Đối tượng hội tụ đầy đủ tiềm lực để hỗ trợ nhà đầu tư trong các giao dịch này trên thị trường chỉ có các công ty chứng khoán (CTCK). Chứng khoán cho vay được lấy từ tài khoản tự doanh của công ty hoặc vay từ các thành viên khác, hoặc từ các nhà đầu tư khác phù hợp.

Đặc biệt, trong giao dịch T+0 nếu nhà đầu tư không có đủ tiền để thanh toán cho số chứng khoán đã mua mà chưa kịp bán trong ngày, các công ty chứng khoán sẽ thực hiện thủ tục nhằm bảo đảm giao dịch được diễn ra thuận lợi.

Theo nhận định của ông Đặng Trần Phục – chuyên gia phân tích của VNDirect, “các CTCK sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ nghiệp vụ bán khống và T+0 bởi bên cạnh phí giao dịch thì CTCK nào có kho hàng lớn sẽ thu được phí mượn hàng, lãi margin trước tâm lý hưng phấn của các nhà đầu tư”.

Minh Khuê

Bạn đang đọc bài viết "Giao dịch T+0 và bán khống: Lợi thì có lợi...!" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.