Ám ảnh cá sấu sổng chuồng vì quy định thiếu, người chăn nuôi mơ hồ

20/11/2020 10:33

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau nhận định, tình trạng cá sấu sổng chuồng thời gian qua một phần nguyên nhân là do người dân chủ quan khi vật nuôi này "rớt" giá.

Nửa tháng, 3 vụ cá sấu sổng chuồng

Thời gian qua, mô hình nuôi cá sấu trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân, từng bước ổn định cuộc sống. Bên cạnh những lợi ích đạt được từ mô hình thì mức độ rủi ro do cá sấu sổng chuồng cũng gây ra những hệ lụy nhất định. Đặc biệt, do địa hình ở Cà Mau lại có nhiều kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, cá sấu sổng chuồng sẽ gây khó khăn cho công tác truy bắt.

Chỉ trong vòng nửa tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra liên tiếp 3 vụ cá sấu sổng chuồng. Thực trạng này đã gây hoang mang dư luận. Vụ cá sấu sổng chuồng gần nhất xảy ra vào rạng sáng 31/10 tại hộ ông Trang Văn Triệu ở ấp Cái Rô (xã Định Bình, TP.Cà Mau). Hai con cá sấu có trọng lượng khoảng 50 - 60 kg của gia đình ông Triệu sổng chuồng đã làm xóm làng xôn xao. Khi nghe thông tin, bà con hàng xóm lo sợ, phải hạn chế đi lại, những người đi vuông, đổ lú (dụng cụ bắt tôm, cá - PV) cũng hết sức cảnh giác, đề phòng.

Ngay sau đó, gia đình ông Triệu đã trình báo chính quyền địa phương để phát cảnh báo đến người dân. Sau nỗ lực tìm kiếm, gia đình và người dân cũng đã bắt lại được 2 con cá sấu nói trên. Nguyên nhân cá sấu thoát ra được, theo gia đình lý giải, do tấm lưới che nắng bị đứt dây rơi xuống chuồng và cá sấu theo đó leo ra. Hiện tại, gia đình đã rào thêm lưới sắt trên mặt chuồng cao 1,6 m để đảm bảo an toàn.

Trước đó, người dân xã Tân Phú thuộc huyện Thới Bình và xã Tân Tiến thuộc huyện Đầm Dơi cũng đã bắt được 2 cá thể cá sấu ngoài môi trường tự nhiên. Cơ quan chức năng địa phương đều đánh giá, đây là những con cá sấu bị sổng chuồng.

Trước thực trạng phát hiện nhiều cá thể cá sấu ngoài môi trường tự nhiên, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường quản lý động vật hoang dã nói chung, cá sấu nói riêng trên địa bàn. Bên cạnh đó, kết hợp với công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn từ việc nuôi động vật hoang dã đối với đời sống người dân và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn (rào chắn, gia cố chuồng trại,…); đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Môi trường - Ám ảnh cá sấu sổng chuồng vì quy định thiếu, người chăn nuôi mơ hồ

Người dân vây bắt cá sấu nặng khoảng 15kg tại xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. (Ảnh cắt từ clip).

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Văn Hải - Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Cà Mau - cho biết, người dân muốn thả nuôi cá sấu thì phải đăng ký với hạt Kiểm lâm huyện. Riêng đối với những huyện không có hạt Kiểm lâm thì trực tiếp đăng ký tại chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Theo đó, hộ nuôi phải chứng minh được nguồn gốc vật nuôi và phải xây dựng chuồng trại theo quy định tại Nghị định 06/1019 về “Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”. Cụ thể, Nghị định 06 quy định: “Chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh”.

Tuy nhiên, điều kiện cụ thể về chuồng trại như thế nào để đảm bảo an toàn thì lại khá mơ hồ. Còn tiêu chuẩn ngành 04TCN 87:2006 về “Quy phạm kỹ thuật nuôi cá sấu nước ngọt”, do bộ NN&PTNT ban hành cũng chỉ quy định chung chung.

Môi trường - Ám ảnh cá sấu sổng chuồng vì quy định thiếu, người chăn nuôi mơ hồ (Hình 2).

Người dân dùng lưới vây bắt con cá sấu sổng chuồng ở xã Tân Tiến thuộc huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. (Ảnh cắt từ clip).

Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Cà Mau thông tin: “Hiện tại cũng đã có chế tài xử lý đối với trường hợp có nguồn gốc con nuôi nhưng không đăng ký gây nuôi. Tuy nhiên, đối với trường hợp hộ nuôi để vật nuôi sổng chuồng (chưa gây thiệt hại) thì chưa có quy định xử lý cụ thể”.

Cũng theo ông Hải, thời gian gần đây tình trạng cá sấu sổng chuồng xảy ra một phần nguyên nhân là do sự chủ quan, không theo sát của hộ nuôi. Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tiếp tục khuyến cáo các hộ nuôi thường xuyên cải tạo, gia cố chuồng trại, rào chắn,... không để cá sấu sổng chuồng, gây ảnh hưởng đến an toàn của người dân.

Thiết nghĩ, để bảo vệ mình và cộng đồng, người nuôi cá sấu cần tuyệt đối chú ý các biện pháp đảm bảo an toàn, tránh xảy ra tình trạng cá sấu sổng chuồng, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo để “thiết lập lại” những quy định cụ thể để việc gây nuôi của người dân và quản lý của cơ quan chức năng nhà nước hiệu quả hơn.

Cá sấu là loài bò sát, được nuôi chủ yếu để lấy da sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như: Ví, túi xách, giày, áo khoác... Thông thường, cá nuôi trong điều kiện tốt, khoảng 17-18 tháng sẽ đạt trọng lượng khoảng 30 kg/con. Theo một số nông dân, cá sấu là loài hung hãn, nên khi nuôi cần đặc biệt chú ý đến chuồng trại. Đặc biệt, khi cá sấu bị đói thì khả năng sổng chuồng sẽ cao.

Bạn đang đọc bài viết "Ám ảnh cá sấu sổng chuồng vì quy định thiếu, người chăn nuôi mơ hồ" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.