Chứng khoán Việt và kỳ vọng tăng trưởng dài hơi

10/09/2020 07:02

Kết thúc tháng 8, chỉ số Vn-Index được xếp hạng là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất với mức tăng 10,43%, vượt qua đà tăng của nhiều chỉ số lớn như Russell 3000, Nasdaq, Dow Jones, S&P 500, Nikkei 225…

Trong tháng 8, chỉ số Vn-Index tăng 15 trong số 21 phiên giao dịch, trong đó thiết lập mạch tăng dài với 6 phiên liên tiếp vào đầu tháng.

Nếu tính cả những phiên giao dịch đầu tháng 9, mức tăng này đã được cộng thêm gần 1% lên 11,2% và tiếp tục dẫn đầu thế giới.

Yếu tố hỗ trợ

Lý giải nguyên nhân của xu hướng đi lên áp đảo trong khoảng thời gian vừa qua của chỉ số Vn-Index, nhóm phân tích của Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, do tâm lý các nhà đầu tư đã ổn định và thích ứng với các thông tin liên quan đến dịch bệnh.

thi-truong-chung-khoan-5834-1599469663.j

Vn-Index  "vượt mặt" nhiều chỉ số chứng khoán lớn thế giới, có mức tăng mạnh nhất trong tháng 8.

Trong nước cũng xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan như: Chính phủ dự kiến tung gói hỗ trợ lần hai trị giá 90.000 tỷ đồng cho người dân, khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán rộng mở hơn sau khi Bộ Tài chính công bố dự thảo cho phép giao dịch T+0 và bán khống...Xung lực tăng điểm cũng được củng cố bởi hàng loạt thông tin tích cực bên ngoài như chỉ số Nasdaq, S&P 500 của Mỹ liên tiếp lập kỷ lục mới trước kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ, Nga công bố vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên...

Đồng quan điểm với nhóm phân tích của Mirea Asset, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, bên cạnh những yếu tố kể trên thì vẫn còn một nhóm nguyên nhân nữa góp phần không nhỏ trong việc đưa Vn-Index trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Đó là việc dòng tiền nội cũng có xu hướng sôi động hơn.

Trong đó, số lượng tài khoản mở mới tiếp tục duy trì đều đặn ở mức cao theo chuỗi từ năm 2018 đến nay. Ngoài ra, dòng tiền cũng liên tiếp đổ vào các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư về y tế, đã tập trung giải ngân chủ yếu tại các bluechip khiến nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Trong khi đây lại là nhóm đóng vai trò dẫn dắt, nên việc Vn-Index tăng trưởng là điều dễ hiểu.

Một yếu tố khác hỗ trợ Vn-Index trong hành trình trở thành chỉ số tăng mạnh nhất thế giới chính là dòng tiền đang đặc biệt quan tâm đến nhóm VNDiamond. Dù mới ra đời trong năm 2020, nhưng quỹ VFMVN Diamond ETF do VFM quản lý đã thu hút dòng vốn mạnh mẽ. Tính tới ngày 31/8, quy mô VFMVN Diamond ETF đã lên khoảng 1.900 tỷ đồng, tăng gần 15 lần so với thời điểm mới ra đời và là một trong những quỹ hút tiền tốt nhất thị trường trong năm nay.

Cùng với đó là Quỹ Vaneck Vector Vietnam ETF (VNM ETF) đã hút ròng 7,1 triệu USD trong tháng 8 và cũng là tháng hút vốn thứ 3 liên tiếp. Tính chung trong 3 tháng gần nhất, VNM ETF đã hút ròng tổng cộng 26 triệu USD, trong đó quỹ giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 18 triệu USD (khoảng 420 tỷ đồng).

“Việc quỹ ETF lớn nhất liên tiếp hút vốn những tháng gần đây đã góp phần củng cố tâm lý giới đầu tư, từ đó tác động tích cực đến chỉ số”, ông Khánh cho biết.

Vẫn còn nhiều thách thức

Cũng theo ông Khánh, việc Vn-Index “lầm lũi” tăng điểm trong khi các chỉ số chứng khoán của nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan… sụt giảm trong tháng 8 và những nước như Singapore, Philippines, Indonesia chỉ tăng dưới 5%, cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các yếu tố tích cực này ít nhất là trong ngắn hạn”, ông Khánh nhận định.

Mặc dù đánh giá cao những thành quả mà thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận được trong thời gian qua, nhưng Giám đốc tư vấn đầu tư Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, để Vn-Index tiến lên được các vùng giá cao hơn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức mà các thị trường đang phải đối mặt.

“Trong tháng 8, Vn-Index ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất thế giới, hơn cả các chỉ số của Mỹ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các chỉ số của Mỹ đang đứng ở mức cao nhất trong lịch sử chứng tỏ đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dòng tiền, trong khi chỉ số Vn-Index hiện nay so với hồi đầu năm 2020 vẫn đang thấp hơn khoảng 100 điểm”, ông Khánh phân tích.

Từ tháng 8 đến nay, Vn-Index luôn duy trì được thanh khoản ở mức 5.200 tỷ đồng/phiên. Đây là khối lượng giao dịch được cho là khả quan nhưng vẫn chỉ đứng thứ 4 trong 8 tháng đầu năm, thấp hơn tháng 5, 6 và 7, thể hiện dòng tiền vẫn còn khá e dè.

Ngoài ra, dù vẫn có dòng tiền đổ vào, nhưng điểm trừ của thị trường hiện nay là việc khối ngoại đẩy mạnh “xả hàng”. Trong tháng 8, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận mua gần 23 triệu cổ phiếu VHM của Vinhomes thì giá trị bán ròng khoảng 136 triệu USD.

Trước đó, các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định về việc thị trường sẽ vẫn tiếp tục đà tăng trong tháng 9 với kỳ vọng Vn-Index có thể vọt lên được vùng 905-925 điểm. “Tuy nhiên, để thị trường có thể duy trì được mức tăng trưởng tốt từ nay đến cuối năm, cần khắc phục được những khó khăn kể trên, đặc biệt phải hút được dòng vốn ngoại tích cực giải ngân hơn nữa”, ông Khánh nói.

Linh Đan

Bạn đang đọc bài viết "Chứng khoán Việt và kỳ vọng tăng trưởng dài hơi" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.