Khủng hoảng kinh tế Mỹ: Chuỗi bán lẻ và trung tâm thương mại đồng loạt sa thải nhân viên, không đóng tiền thuê nhà

03/04/2020 16:32

(Doanhnhan.vn) – Chủ sở hữu nhiều trung tâm mua sắm lớn nhất của Mỹ, tập đoàn Simon Property Group, đã buộc phải cho khoảng hơn 30% nhân viên của mình tạm nghỉ ở nhà khi hầu hết trung tâm thương mại phải đóng cửa để hạn chế sự lây lan của covid-19.

Quyết định tạm nghỉ này áp dụng với cả nhân viên làm việc toàn thời gian và bán thời gian, tại trụ sở chính ở bang Indianapolis và các trung tâm thương mại lớn khác của tập đoàn ở Mỹ, theo thông tin phát đi trên CNBC.

Tập đoàn Simon cũng sa thải một số lượng lớn nhân viên, nhưng con số chính xác vẫn chưa được công bố chính thức.

Giám đốc điều hành David Simon sẽ không nhận lương trong những tháng đại dịch. Đồng thời, mức lương của các nhà quản lý cấp cao tại tập đoàn cũng sẽ bị cắt giảm 30%.

Tính đến ngày 31/12, Simon có khoảng 4.500 nhân viên, trong đó khoảng 1.500 người làm việc bán thời gian. Khoảng 1.000 nhân viên trong số đó làm việc tại trụ sở chính ở bang Indianapolis.

Khủng hoảng kinh tế Mỹ: Chuỗi bán lẻ và trung tâm thương mại đồng loạt sa thải nhân viên, không đóng tiền thuê nhà - Ảnh 1

Rất nhiều trung tâm thương mại tại Mỹ phải cắt giảm nhân sự do đại dịch covid-19

Làn sóng cắt giảm nhân sự trong lĩnh vực bán lẻ

Cho đến nay, hàng trăm ngàn công nhân trong lĩnh vực bán lẻ đã bị mất việc làm vì covid-19, theo thông báo mới nhất từ các tập đoàn bán lẻ lớn như J.C. Penney, Macy’s, Kohl’s, Gap, Ascena và nhiều thương hiệu khác.

Nhà bán lẻ hàng xa xỉ phẩm nổi tiếng Neiman Marcus đã yêu cầu khoảng 14.000 nhân viên tạm thời nghỉ ở nhà.

Với khoản nợ 4,3 tỷ USD, Neiman Marcus đang nằm trong danh sách có nguy cơ phá sản, vì doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về tình hình tài chính so với các doanh nghiệp khác. Đại dịch covid-19 là gánh nặng lớn của các doanh nghiệp này trong cuộc chiến để duy trì hoạt động kinh doanh.

“Không giống với những cuộc suy thoái khác trong quá khứ, cuộc khủng hoảng lần này, các công ty không thể tiếp tục việc kinh doanh, và phải cố gắng vật lộn tìm ra các biện pháp phù hợp hoặc điều chỉnh cơ cấu chi phí theo doanh thu thực tế. Các công ty dường như đang bước vào thời kỳ “ngủ đông”, tạm dừng mọi hoạt động”, Simeon Siegel, chuyên gia phân tích của BMO Capital Market chia sẻ với CNBC.

Chuỗi bách hóa bán lẻ Mỹ Macy’s hôm thứ 2 cũng cho biết, doanh nghiệp đã chuyển sang hướng tận dụng lực lượng lao động cần thiết tối thiểu để duy trì các hoạt động cơ bản. Hãng cũng cho phần lớn nhân viên tam nghỉ ở nhà để cắt giảm chi phí trong thời gian này, lên tới khoảng 130.000 người.

“Trong khi việc kinh doanh trực tuyến vẫn hoạt động, nhưng chúng tôi đã mất phần lớn doanh thu do phải đóng cửa nhiều cửa hàng trong thời gian qua”, người phát ngôn của Macy’s chia sẻ trên CNBC.

Hôm thứ 2, chuỗi cửa hàng bách hóa Kohl’s cũng cho 85.000 nhân viên tạm thời nghỉ việc trong tổng số gần 122.000 người.

Cũng tương tự như vậy, Tập đoàn siêu thị J.C.Penney cho biết sẽ có sự xáo trộn lớn về việc làm của những nhân viên đang làm việc tại trụ sở chính ở Texas, bắt đầu từ chủ nhật. Trước đây, doanh nghiệp đã thực hiện việc cắt giảm nhân sự ở bộ phận chuỗi cung ứng cũng như nhân viên tại các trung tâm hậu cần. Và Penney cho biết, việc cắt giảm nhân sự sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Hãng bán lẻ thời trang Gap cũng đã cắt giảm gần 80.000 nhân viên làm việc tại các cửa hàng ở Canada và Mỹ, tạm dừng việc trả lương nhưng vẫn tiếp tục chi trả một số “phúc lợi được áp dụng” cho đến khi các cửa hàng hoạt động trở lại bình thường.

Tập đoàn bán lẻ Ascena, công ty sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Ann Taylor và Loft cho biết, doanh nghiệp đã cắt giảm tất cả nhân sự làm việc tại các cửa hàng và hơn một nửa nhân sự ở trụ sở công ty. Tính đến ngày 3/8, Ascena có tổng cộng khoảng 53.000 nhân viên.

Công ty thời trang Urban Outfitters cũng tạm thời cho nhân viên làm việc tại các cửa hàng và văn phòng tạm thời nghỉ trong 60 ngày, bắt đầu từ thứ 4.

Nordstrom, Victoria’s Secret, David’s Bridal, Steve Madden, Designer Brands và nhiều hãng bán lẻ khác ở Mỹ cũng đã ban hành quyết định tạm thời cho nhân viên nghỉ việc ở nhà để ngăn chặn dịch covid-19 tại nước này, nơi đã có hơn 164.610 trường hợp nhiễm bệnh, theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins.

Việc cắt giảm nhân sự tại các hãng bán lẻ lớn, thậm chí tại Simon cho thấy ngành bất động sản thương mại cũng không tránh khỏi những khó khăn trong thời điểm này.

Khủng hoảng kinh tế Mỹ: Chuỗi bán lẻ và trung tâm thương mại đồng loạt sa thải nhân viên, không đóng tiền thuê nhà - Ảnh 2

Giá cổ phiếu của Simon đã giảm hơn 60% trong năm nay

Tiền thuê đến hạn phải thanh toán

Những chủ nhà của các trung tâm thương mại, các cửa hàng bán lẻ cũng đang phải đối mặt với thực tế rằng họ sẽ không nhận được tiền thuê nhà trong tháng 4 này. Tuy nhiên, chủ sở hữu trung tâm thương mại cao cấp Taubman đã gửi thư cho chủ nhà nói rằng họ vẫn sẽ đáp ứng các nghĩa vụ thuê nhà của mình.

Những cuộc đối thoại giữa những người thuê nhà và chủ nhà vẫn đang tiếp diễn, vì một số doanh nghiệp vẫn đang cố gắng tìm cách giảm bớt chi phí hoặc trì hoãn thời gian trả tiền.

Nhà máy Cheesecake với 294 địa điểm ở Bắc Mỹ, đã tuyên bố công khai rằng họ sẽ không trả tiền thuê nhà vào tháng 4.  

Ngày 16/3 vừa qua, tập đoàn Simon cũng thông báo đã sửa đổi và gia hạn khoản vay tín dụng quay vòng 6 tỷ USD và khoản vay có kỳ hạn, để có thêm thời gian trả nợ. Giá cổ phiếu của Simon đã giảm hơn 60% trong năm nay với giá trị thị trường khoảng 17,3 tỷ USD.

Bạn đang đọc bài viết "Khủng hoảng kinh tế Mỹ: Chuỗi bán lẻ và trung tâm thương mại đồng loạt sa thải nhân viên, không đóng tiền thuê nhà" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.