Làm gì để thị trường phái sinh hấp dẫn hơn?

14/08/2020 16:30

Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh chính thức khai trương hoạt động, góp phần hoàn thiện cơ cấu thị trường của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng như hoàn thiện cấu trúc hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam theo thông lệ quốc tế.

Hiện tại, thị trường chứng khoán phái sinh có 2 sản phẩm phái sinh trên các tài sản cơ sở là: chỉ số cổ phiếu VN30 và trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm, trong đó hợp đồng tương lai TPCP là sản phẩm dành riêng cho các nhà đầu tư tổ chức.

Kỷ lục “đè” kỷ lục

Dù mới ra đời nhưng thị trường chứng khoán phái sinh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ phát triển tương đối tốt, với mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Theo số liệu từ HNX, trong vòng 3 năm qua, tính đến hết tháng 7/2020 đã có tổng số hơn 67,9 triệu hợp đồng tương lai được giao dịch.

Thanh khoản trên thị trường liên tục vượt qua các mốc đã đạt được trước đó. Nếu như năm 2019, khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường phái sinh đạt 88.740 hợp đồng/phiên, tăng 12,6% so với năm trước, thì chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2020, khối lượng giao dịch bình quân đã tăng xấp xỉ 95% so với năm 2019, đạt 173.009 hợp đồng/phiên.

Khối lượng giao dịch kỷ lục năm 2019 là 191.707 hợp đồng đã liên tục bị phá vỡ và kỷ lục mới nhất được thiết lập là mốc 356.033 hợp đồng tại phiên giao dịch ngày 29/7/2020. Cùng với sự gia tăng của số lượng hợp đồng giao dịch, khối lượng hợp đồng mở (OI) cũng tăng gấp 4,7 lần, từ 8.077 hợp đồng vào thời điểm cuối năm 2017 lên 38.001 hợp đồng vào ngày 31/7/2020.

chung-khoan-phai-sinh-9997-1597218674.jp

Những con số vượt kỳ vọng của thị trường phái sinh (Ảnh: HNX)

Đặc biệt, trong giai đoạn từ tháng 3 - 5/2020, khi thị trường cổ phiếu có nhiều biến động do dịch Covid-19, thị trường phái sinh vẫn giữ được đà tăng trưởng. Trong tháng 3, khối lượng giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tăng gần 30% và OI tăng 12% so với tháng trước đó. Trong tháng 4, khối lượng giao dịch phái sinh tăng 19% và OI tăng 70% so với tháng 3.

Mới đây nhất, sau đợt sụt giảm mạnh của thị trường cơ sở do tác động của dịch Covid-19 lần 2 vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, ngày 5/8/2020, OI toàn thị trường phái sinh đã đạt 38.817 hợp đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Cơ cấu nhà đầu tư cũng đang có sự dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước từ 2,21% cuối năm 2017 lên trên 13,47% vào cuối tháng 7/2020.

Trước những thành quả mà thị trường phái sinh đạt được trong 3 năm qua, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị HNX cho biết, sự tăng trưởng về cả khối lượng giao dịch và OI của Việt Nam là con số mà nhiều thị trường phát triển trước đó phải mất hàng chục năm mới đạt được. Chẳng hạn như Sở Giao dịch hợp đồng tương lai Đài Loan (TAIFEX) là 13 năm, Sở Giao dịch chứng khoán phái sinh Thái Lan (TFEX) 7,5 năm...

Nhận diện hạn chế để khắc phục

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thị trường chứng khoán phái sinh vẫn còn không ít điểm hạn chế cần phải khắc phục. Theo đó, điểm hạn chế đầu tiên có thể nhận ra đó là dù đã có sự dịch chuyển nhưng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức tham gia "sân chơi" này vẫn ở mức thấp, gần như “vắng bóng” các nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, trong tháng 7/2020, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm 0,59% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài không tham gia giao dịch hợp đồng tương lai TPCP.

Ngoài ra, sản phẩm kém đa dạng cũng là một điểm trừ đối với thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đang khiến các nhà đầu tư quan ngại về những động thái “nhào nặn” chỉ số nhằm trục lợi trên phái sinh, còn hợp đồng tương lai TPCP lại đang khá "kén chọn" các nhà đầu tư.

Một trong những nguyên nhân khác khiến chứng khoán phái sinh chưa thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia là quy mô thị trường, cũng như quy mô hợp đồng còn nhỏ. Nhà đầu tư tổ chức khó hiện thực hóa mục tiêu tham gia sàn phái sinh để phòng vệ rủi ro.

Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân khu vực phía Nam, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, thị trường phái sinh đi vào hoạt động tạo cho nhà đầu tư một công cụ đầu tư phòng ngừa rủi ro khi chứng khoán đi xuống, có thể giao dịch mua/bán ngay trong ngày mà không cần đợi chứng khoán/tiền về. Tuy nhiên, dù thu hút được lượng lớn tài khoản nhưng sàn phái sinh hiện nay vẫn thiên về đầu cơ hơn là có vai trò phòng ngừa rủi ro như đúng bản chất. Cùng với đó, theo quan sát của Yuanta Việt Nam, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các khoản phí, thuế trên sàn này, bởi tính ra cũng khá nhiều trên một hợp đồng.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng để sàn phái sinh phát triển bền vững hơn, cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách hỗ trợ và thu hút nhà đầu tư tổ chức và các quỹ đầu tư tham gia nhiều hơn, tránh tình trạng đầu cơ, giảm bớt rủi ro rút vốn ở thị trường cơ sở.

Đồng thời, xem xét giảm tiếp các khoản thuế, phí khi thanh khoản đã đạt mức cao và tương đối ổn định sẽ kích thích nhà đầu tư tham gia nhiều hơn. Song song đó, đa dạng hóa các sản phẩm phái sinh, thay vì chỉ trên chỉ số VN30 thì có thể thêm chỉ số VNX100, VNX200 hoặc nhiều chỉ số khác để tránh bị lệ thuộc, bị ảnh hưởng bởi các giao dịch có chủ đích trên thị trường.

Linh Đan

Bạn đang đọc bài viết "Làm gì để thị trường phái sinh hấp dẫn hơn?" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.