11.000 nhân sự không có lương, nguy cơ đường sắt phải dừng hoạt động trên toàn quốc

Admin

03/04/2020 08:01

Sáng 20/2, Tổ Công tác của Thủ tướng có buổi làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Tổ công tác cũng lắng nghe các tập đoàn và tổng công ty trình bày khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Báo Thanh niên dẫn lời ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), hiện tổng công ty đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách và vướng mắc khi thay đổi người đại diện về quản lý vốn.

Đầu tư - 11.000 nhân sự không có lương, nguy cơ đường sắt phải dừng hoạt động trên toàn quốc

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. (Ảnh: V.Đ).

Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước quy định khi cơ quan nhận được ngân sách thì giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc. Nhưng VNR không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải mà chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nên không còn phù hợp khi áp dụng quy định này.

Chưa được giao dự toán ngân sách, dẫn đến 11.000 nhân viên như tuần đường, gác chắn, bảo đảm an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác của tổng công ty vẫn chưa có lương.

Ông cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo lên Thủ tướng với 3 văn bản liên tiếp. Tổng công ty cũng báo cáo lên bộ, thậm chí báo cáo “vượt cấp” lên Thủ tướng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

“Đến hôm nay tổng công ty vẫn chưa nhận được dự toán và trên 1 vạn con người không có tiền lương. Như thế chỉ có thể dừng tàu thôi. Nếu dừng tàu thì ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh, an sinh, nhưng cho chạy tàu thì trái luật”, ông Minh phân tích.

Theo báo Tuổi trẻ, tại buổi làm việc sáng nay ông Vũ Anh Minh thẳng thắn nói với tư cách là bí thư đảng ủy, chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, "tôi đã chỉ đạo cấp dưới làm và nếu sai thì tự chịu, không để anh em phải chịu, nhưng tôi ra văn bản chỉ đạo cũng sai vì không ai giao cho tôi, chạy tàu cũng sai mà không chạy tàu cũng sai, tình trạng này kéo dài gần 2 tháng nay rồi".

Các công ty bảo trì đường sắt vốn chỉ 10-20 tỷ đồng và không thể vay được ngân hàng. Tổng công ty thấy khó quá, muốn cho các công ty trực thuộc vay tiền để duy trì nhưng cũng lo sau này kiểm tra, kiểm toán kết luận là sai vì VNR không có chức năng cho vay, vì vậy VNR không thể ký hợp đồng, không thể tạm ứng cho các công ty.

"Hơn 1 vạn tuần đường gác chắn không có lương, không thể duy trì hoạt động tuần đường gác chắn thì không còn cách nào khác là phải dừng tàu vào tháng 3 tới. Việc dừng tàu gây ảnh hưởng tới 3 vạn cán bộ, công nhân viên đường sắt và gián đoạn phục vụ hành khách đi lại, vận chuyển hàng hóa ", chủ tịch VNR khẳng định.

Quốc Tiệp (t/h)