Tối 19/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra ở các tỉnh miền Trung từ ngày 6/10 đến nay.
Theo thống kê, mưa lớn kéo dài nhiều ngày gây lũ quét, sạt lở đất ở nhiều nơi, khiến 102 người thiệt mạng và 26 người mất tích. Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị là 2 địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về người.
Trong 2 ngày qua, lũ lên nhanh ở Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh khiến hơn 166.700 ngôi nhà bị ngập. Riêng số nhà bị ngập ở tỉnh Quảng Trị chiếm 50%.
TP Hà Tĩnh ngập sâu chiều 19/10. Ảnh: Hoàng Dương.
Về giao thông, 13 tuyến quốc lộ với hơn 30.000 m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở và hư hỏng. Hiện, ngập lụt tiếp diễn tại 3 điểm trên Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Bình và một vị trí trên đường Hồ Chí Minh. Nhiều tuyến đường nội tỉnh đang bị ngập lụt, chia cắt.Do diễn biến mưa lũ cực đoan, tính đến 16h ngày 19/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã phải sơ tán hơn 28.900 hộ dân với tổng số 90.900 người ra khỏi khu vực vùng trũng thấp, ngập lụt và có nguy cơ mất an toàn.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng, một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động phía đông Philippines khả năng di chuyển vào Biển Đông và mạnh lên thành bão trong 2 ngày tới.
Đồng thời, mưa đặc biệt lớn đã và đang xảy ra tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Lũ trên nhiều tuyến sông vượt lũ lịch sử gây sạt lở đất, lũ quét và ngập sâu diện rộng. Từ nay đến 21/10, mưa lớn tiếp tục diễn ra kèm nguy cơ về thiên tai và ngập lụt sâu trên diện rộng.
Trước diễn biến này, chiều 19/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, yêu cầu khẩn trương lên phương án ứng phó với mưa lũ những ngày tới.
Các địa phương được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Lực lượng chức năng giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra và quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Ngoài ra, ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển; lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản và bảo vệ công trình ven bờ.
Cơ quan chức năng tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Các lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông cần được bố trí ở khu vực qua ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập.