ACV lãi nhất trong lịch sử, rót gần 13.000 tỷ đồng cho sân bay Long Thành

Admin

05/02/2025 12:07

Năm 2024, ACV có doanh thu đạt 22.555 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt trên 11.560 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 37% so với năm 2023. Đây cũng là mức lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của ACV.

Theo báo cáo tài chính tổng hợp quý IV/2024, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) ghi nhận 5.721 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 14% so với quý IV/2023.

Trong đó, 4.765 tỷ đồng là doanh thu từ cung cấp các dịch vụ hàng không (dịch vụ cất, hạ cánh, phục vụ mặt đất, hành khách) và 754,6 tỷ đồng doanh thu từ các dịch vụ như cho thuê mặt bằng, hạ tầng cảng hàng không, quảng cáo, doanh thu phục vụ khách VIP,...

Doanh thu hoạt động tài chính tiếp tục đóng góp vào tổng doanh thu với 910 tỷ đồng, tăng 37% do phát sinh lãi chênh lệch tỉ giá cuối kỳ. Chi phí tài chính giảm 45% do giảm chi phí lãi vay.

Một số chi phí khác có biến động trong kỳ như chi phí bán hàng tăng 25% lên 105,8 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 86% còn 191 tỷ đồng do hoàn nhập khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Trừ đi tất cả chi phí, ACV báo lãi 3.088 tỷ đồng trong quý IV/2024, gấp đôi so với quý IV/2023.

Luỹ kế cả năm 2024, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 22.555 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 11.576 tỷ đồng, tăng mạnh 36,7%. Đây cũng là lần đầu ACV báo lãi ròng vượt 10.000 tỷ và ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi hoạt động.

Với kết quả này, đại gia sân bay đã vượt 11% kế hoạch doanh thu và vượt 53% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Bức tranh kinh doanh tươi sáng của ACV đến từ sự gia tăng mạnh mẽ của khách quốc tế. Cụ thể, tổng lượng hành khách đạt 109 triệu lượt, trong đó lượng khách quốc tế qua các cảng hàng không đạt 41 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2023. Đáng chú ý, khối lượng hàng hóa bưu kiện đạt 1.505 triệu tấn, tăng 19% so với năm trước và vượt 10% kế hoạch.

Nợ xấu hơn 7.800 tỷ đồng

Về tình hình tài chính, tại thời điểm 31/12/2024, ACV có quy mô tổng tài sản hơn 77.269 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng kể từ đầu năm. Đáng nói, ACV đang nắm giữ đến 26.555 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm tỉ trọng 35% tổng tài sản. Nguồn tiền này đã mang về khoản lãi đáng kể 1,090 tỷ đồng trong năm qua.

Nhiều chất xúc tác đẩy cổ phiếu hàng không ACV cất cánhDùng 2.400 tỷ đồng của ACV để mở rộng, nâng cấp sân bay Cà Mau

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của công ty tăng nhẹ so với đầu năm, ở mức 17.328 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu gần 59.941 tỷ đồng (bao gồm 21.772 tỷ đồng vốn cổ phần, 32.066 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và gần 6.035 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển).

Đáng chú ý, là đơn vị quản lý và khai thác hạ tầng hàng không quốc gia, ACV đang tập trung nguồn lực vào dự án sân bay Long Thành – công trình có tổng vốn đầu tư lên tới 16 tỷ USD, lớn nhất Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2024, ACV đã rót 12.745 tỷ đồng vào xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, tăng mạnh 138% so với đầu năm. Chỉ riêng trong năm qua, công ty đã đầu tư thêm 7.400 tỷ đồng vào dự án này. Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, hiện ACV đang dồn sức cho siêu dự án này với mục tiêu hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2025.

Song song với sân bay Long Thành, ACV cũng đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn khác như dự án nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư đã lên tới 5.830 tỷ đồng, tăng 4.358 tỷ đồng so với đầu năm; dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 sân bay Nội Bài hiện đã giải ngân 484 tỷ đồng, gấp 4 lần thời điểm đầu năm.

ACV lãi nhất trong lịch sử, rót gần 13.000 tỷ đồng cho sân bay Long Thành- Ảnh 1.

ACV đang đảm nhận vai trò chủ đầu tư dự án Sân bay Quốc tế Long Thành - công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 4.6 tỷ USD.

Dù kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ, ACV vẫn đang đối mặt với khoản nợ xấu lên đến 7.853 tỷ đồng, tăng 2.100 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty đã phải trích lập dự phòng 3.787 tỷ đồng để giảm rủi ro tín dụng.

Cụ thể, Bamboo Airways nợ xấu 2.374 tỷ đồng - được đánh giá không có khả năng thu hồi và đã trích lập dự phòng 100%. Vietnam Airlines có tổng nợ tăng thêm 1.181 tỷ đồng, lên 2.304 tỷ đồng, trong đó ACV đã trích lập 112 tỷ đồng. Vietjet có tổng nợ tăng thêm 640 tỷ đồng, lên 1.876 tỷ đồng, trong đó ACV đã trích lập 3,6 tỷ đồng. Pacific Airlines nợ xấu 888 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 100%. Vietravel nợ xấu 370 tỷ đồng, cũng đã trích lập dự phòng hoàn toàn.

Những khoản nợ này chủ yếu đến từ các hãng hàng không gặp khó khăn trong giai đoạn thị trường hàng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các vấn đề tài chính kéo dài.