AI trong tầm tay

Admin

21/07/2020 16:30

Nếu không ứng dụng AI vào cuộc sống, không chỉ là một bước lỡ mà còn gây thiệt thòi, tổn hại cho tất cả

Việc Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (VinAI Research) thuộc Vingroup vào Top 30 doanh nghiệp (DN) có nhiều công trình được công bố nhất tại Hội nghị Quốc tế về máy học 2020 (diễn ra online từ ngày 12 đến 18-7) là một minh chứng mới cho sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng sâu rộng ở Việt Nam. Ðặc biệt, nó cho thấy Việt Nam có đủ năng lực để tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học được xem là cao siêu nhất này.

Hỗ trợ đắc lực cho phòng chống Covid-19

AI ngày nay đã phát triển vượt xa bộ não con người, không chỉ là mô phỏng trí tuệ, hệ thần kinh con người mà với công nghệ máy học, học sâu,… còn có khả năng "nghĩ" ra và làm được những việc mà con người hiện "bó tay" hay phải chật vật lắm mới giải quyết nổi.

Tại Việt Nam cũng như ở nhiều nước, AI đã được ứng dụng, góp phần đắc lực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Với sức mạnh của AI, các ứng dụng, công cụ công nghệ có thể thu thập, thống kê, phân tích, sàng lọc, xử lý và cả dự báo với những khối lượng dữ liệu khổng lồ vừa nhanh vừa chính xác giúp đẩy mạnh những nỗ lực phòng chống sự lây lan của SARS-CoV-2. Ngay từ rất sớm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Y tế kêu gọi các DN công nghệ Việt Nam tích cực ứng dụng AI vào việc trợ giúp công tác phòng dịch. Chẳng hạn, nhà mạng Viettel đã triển khai ứng dụng Chatbot thông minh (Cyberbot) tích hợp vào Fanpage Sức khỏe toàn dân, cung cấp thông tin chính thống từ Bộ Y tế, hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin chính xác, mới nhất về dịch bệnh và biện pháp phòng dịch. Chatbot này có thể hỗ trợ việc tư vấn, trả lời tự động nhanh các thông tin cơ bản liên quan đến dịch bệnh. Zalo cũng đã phát triển một chatbot COVID-19 tích hợp vào tài khoản của Bộ Y tế. Chatbot Zalo sẽ tự động xác định vị trí người dùng và gợi ý địa chỉ cơ sở y tế gần nhất, kèm theo số điện thoại và địa chỉ. Danh sách cơ sở y tế tiếp nhận, cách ly và điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 cũng được chatbot cung cấp khi người dân nhập mã biển số xe hoặc tên địa phương.

AI trong tầm tay - Ảnh 1.

Ứng dụng khai báo sức khỏe NCOVI cho phép người dùng khai báo thông tin sức khỏe tự nguyện, theo dõi và cập nhật thông tin khu vực có dịch Covid-19. (Ảnh do VNPT cung cấp)

Cả 3 nhà mạng VNPT, Viettel và MobiFone đều đã đưa ra ứng dụng khai báo thông tin NCOVI và đưa lên kho ứng dụng Google Play Store cho các thiết bị Android và App Store cho các thiết bị iOS để giúp người dân khai báo thông tin y tế và tiếp cận thông tin nhanh về dịch Covid-19. Trong đó, ứng dụng NCOVI của VNPT được chọn là ứng dụng chính thức của Bộ Y tế, được kỳ vọng là cầu nối giữa người dân và các cơ quan y tế nhằm kiểm soát tốt hơn và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, ứng dụng Vietnam Health Declaration (Khai báo y tế Việt Nam) dành cho người nhập cảnh Việt Nam cũng được ra mắt. Dựa trên dữ liệu mà ứng dụng này thu thập được từ khai báo của người chuẩn bị nhập cảnh, hệ thống y tế Việt Nam sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh và hiệu quả nhất có thể.

Theo Sở Y tế TP HCM, đã có nhiều sản phẩm ứng dụng AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được giới thiệu trên thị trường, từ các ứng dụng giúp tự giữ gìn sức khỏe cho đến các ứng dụng tại những cơ sở y tế trong chẩn đoán, ra quyết định, điều trị cho đến các sản phẩm chăm sóc cuối đời, nghiên cứu khoa học và đào tạo. Chẳng hạn, AI đã được ứng dụng để phát hiện sớm các bệnh, như ung thư.

Nhanh đưa vào khai thác sâu

AI hiện nay đã có sẵn với nhiều cấp độ khác nhau ngay tại Việt Nam. Những chiếc smartphone phổ thông giờ cũng được trang bị camera AI. Qualcomm cũng đã đưa ra những vi xử lý di động tầm trung có tích hợp cả chip AI.

Vấn đề còn lại là người ta ứng dụng nó thế nào để nâng tầm công nghệ phục vụ con người và cuộc sống. Không ứng dụng AI vào cuộc sống không chỉ là một bước lỡ, một sai lầm mà còn gây thiệt thòi, tổn hại cho tất cả. AI ngày nay sẽ phát huy hiệu quả cao hơn khi đi cùng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và kết hợp cùng công nghệ vạn vật kết nối (IoT). Ðã có một thuật ngữ mới ra đời là AIoT để chỉ các thiết bị IoT có tích hợp AI.

TP HCM đang cho thấy sự năng động trong việc đẩy mạnh ứng dụng AI trong mọi mặt cuộc sống của một thành phố đang tích cực chuyển đổi thành một đô thị thông minh. Hồi hạ tuần tháng 6, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, ÐHQG TP HCM, Hội Tin học TP HCM và Thành Đoàn TP HCM khởi động hội thi "Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn TP HCM năm 2020". Mục tiêu của hội thi là thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng AI. Cùng với đó là khuyến khích các cá nhân, nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế đề xuất và cải tiến những giải pháp tiên tiến ứng dụng AI nhằm giải quyết các bài toán xuất phát từ thực tiễn tại TP, từ đó có thể ứng dụng rộng rãi trong cả nước, hướng đến khu vực và quốc tế. Hội thi AI này gồm 2 nhóm chính. Nhóm 1 là cuộc thi thử thách trí tuệ nhân tạo có chủ đề "AI với giao thông thông minh". Ðề thi là phát triển các thuật toán AI để giải quyết bài toán thực tế ứng dụng phục vụ cho giao thông ở TP HCM. Nhóm 2 có chủ đề "Sản phẩm ứng dụng AI". Ðề thi đưa ra các giải pháp, sản phẩm ứng dụng AI trong sản xuất - kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp và phục vụ cộng đồng xã hội. Vòng chung kết sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 30-8.

Mong rằng sau hội thi AI này, chính quyền và giới hữu trách của TP HCM sẽ có những biện pháp để hoàn thiện các giải pháp thắng giải và đưa vào thực tế cuộc sống. Nhưng cần phải có những kế hoạch dài hơi, bài bản để đào tạo những chuyên gia về các lĩnh vực trong công nghệ AI. Và để không tụt hậu hay lãng phí, các công trình, dự án và ứng dụng công nghệ quan trọng đều phải được tích hợp AI nếu không là nền tảng thì cũng là một thành phần cấu thành. 

Nhờ AI, chỉ định sinh thiết tế bào ung thư giảm

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, có 12,1 triệu lần chụp nhũ ảnh được thực hiện hằng năm ở Mỹ nhưng số ảnh cho kết quả sai chiếm tỉ lệ cao dẫn đến tình trạng có tới 50% số phụ nữ khỏe mạnh được thông báo rằng họ bị ung thư vú. Giờ đây, AI cho phép xem xét và dịch thuật chụp quang tuyến vú nhanh hơn 30 lần với độ chính xác 99%, giảm chỉ định sinh thiết không cần thiết cũng như làm giảm sự không chắc chắn và căng thẳng của chẩn đoán sai. Tập đoàn Công nghệ Microsoft cũng đang phát triển các máy tính được lập trình sử dụng ở cấp độ phân tử để bắt đầu chiến đấu với các tế bào ung thư ngay khi phát hiện được chúng.

Bạn đang đọc bài viết "AI trong tầm tay" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ.