Chỉ trong một ngày, Epic Games, nhà phát triển/phát hành của Fortnite đã tuyên chiến với cả 2 ông lớn thống trị ngành công nghiệp di động là Apple và Google. Sau nhiều năm "bằng mặt nhưng không bằng lòng" với chính sách chia sẻ 30% doanh thu trên iOS và Android, Epic đã cố tình đưa tính năng thanh toán trực tiếp vào phiên bản Fortnite trên 2 nền tảng này. Khi Fortnite bị gỡ bỏ khỏi App Store và Google Play, Epic ngay lập tức đem 2 ông lớn này ra tòa.
Nhưng trong khi việc Epic kiện Apple là hoàn toàn dễ hiểu - công ty của Tim Cook kiểm soát rất chặt iOS và App Store, tại sao ông chủ của Fortnite lại đem cả Google ra tòa? Android đến nay vẫn là một hệ điều hành mở, và chẳng phải Epic có thể dễ dàng lách qua sự kiểm soát của Google hay sao?
Lách luật không thành
Để tránh khoản phí 30% của Google, Epic thậm chí đã từng tìm đến chợ ứng dụng Galaxy Apps (độc quyền trên điện thoại Samsung).
Thực tế, Epic đã từng tìm mọi cách để đưa Fortnite lên Android mà không phải mất 30% doanh thu cho Google. Ngày 9/8/2018, phiên bản Fortnite trên Android ra mắt trên Android nhưng không phải là qua Google Play. Thay vào đó, phiên bản beta của Fortnite được độc quyền cho chợ ứng dụng Galaxy Apps của Samsung. Phiên bản chính thức sau đó cũng được cung cấp file dưới dạng file APK tải về trực tiếp từ trang chủ của Epic.
Gần như ngay lập tức, hành vi "qua mặt" Google của Epic đã gặp nhiều chỉ trích từ báo giới công nghệ. Các mối lo về bảo mật được chỉ rõ do người dùng buộc phải bật tính năng cài đặt từ "Nguồn không chứng thực" trên điện thoại Android để có thể sử dụng file APK của Epic. Do một lượng lớn người chơi Fortnite là trẻ vị thành niên không có hiểu biết sâu về công nghệ, việc mở cài đặt này tiềm ẩn những rủi ro cho phép Fortnite trở thành cánh cổng đưa mã độc vào smartphone Android.
Thực tế, chỉ trong vòng vài tuần lễ các nhà nghiên cứu bảo mật đã phát hiện nhiều ứng dụng "nhái" Fortnite có kèm mã độc. Theo phát hiện của Google, ngay cả APK "chính chủ" cũng đi kèm một lỗi nguy hiểm cho phép mã độc có thể lợi dụng Fortnite nhằm cài đặt các ứng dụng khác. Khi lỗi này được Google công bố, Epic đã ngay lập tức gọi ông chủ của Android là "vô trách nhiệm".
Tháng 4 vừa qua, Epic đã tạm thời "đầu hàng" Google và đưa Fortnite lên chợ Play.
Điều đáng nói là sau 1 năm rưỡi lời qua tiếng lại, đến tháng 4 vừa qua Epic đã đột ngột đưa Fortnite lên Google Play. Có vẻ như, công ty game này muốn tìm mọi cách để tận dụng nguồn thu từ game đang tăng cao trong mùa dịch Covid-19. Tuy vậy, Fortnite chỉ tồn tại được trên Android-của-Google được 4 tháng trước khi Epic một lần nữa hục hặc với Google về vấn đề chia sẻ doanh thu.
Ông chủ của Android
Sau vụ việc của Huawei, Fortnite là minh chứng tiếp theo cho tính "mở" thực sự của Android. Trên lý thuyết, Android vẫn là một hệ điều hành mở, và Epic có đủ cách để phát hành Fortnite cho Android mà không phải chia sẻ doanh thu với Google. Trong thực tế, Epic và tất cả các nhà phát triển khác đều phải tìm cách lên Google Play. Họ chỉ có 2 lựa chọn, hoặc phải chấp nhận mất 30% doanh thu, hoặc phải đem Google - một công ty nghìn tỷ đô - ra tòa. Đặt chân lên Android mà không thông qua Google là không hợp lý.
Vậy Google đã làm thế nào để siết chặt quyền kiểm soát lên Android? Rõ ràng là bất cứ ai cũng có thể xây dựng một phiên bản Android riêng hoặc tạo ra một chợ ứng dụng riêng, nhưng đến cuối cùng vẫn chẳng có ai hiểu rõ Android như Google cả. Điều này cho phép Google trở thành người gác cổng mặc định của Android: ứng dụng lên Google Play sẽ bị Google kiểm duyệt rất kỹ, và ngay cả ứng dụng KHÔNG lên Google Play (như Fortnite) cũng bị Google phơi bày lỗ hổng.
Vì thế, người dùng Android muốn tìm kiếm các ứng dụng không chính thống sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ: mất tiền, mất tài khoản, mất dữ liệu… Trong tâm trí họ, Google Play dần trở thành kênh mua/tải ứng dụng duy nhất. Các nhà phát triển buộc phải tìm đến Play và chia sẻ doanh thu cho Google nếu muốn mở rộng tập người dùng của mình.
Hiển nhiên, đó không phải là cách duy nhất được Google sử dụng để giữ quyền kiểm soát tuyệt đối trên một hệ điều hành vốn có tiếng là "mở". Tất cả các nhà sản xuất thuộc liên minh OHA đều không được quyền sản xuất các thiết bị chưa được Google chứng thực. Nhà sản xuất nào không được lòng Google cũng không được quyền cài đặt các ứng dụng như Gmail, YouTube hay chợ Play, vốn đã trở thành một phần không thể thiếu của trải nghiệm smartphone hiện tại. Vụ việc của Huawei còn cho thấy Google thậm chí có quyền cắt đứt các bản cập nhật tương lai cho bất kỳ một thiết bị Android "được chứng thực" nào.
Epic đang cố gắng phá vỡ sự kiểm soát tuyệt đối của Google lên Android. Nhưng đó có lẽ chỉ là một giấc mơ viển vông: 12 năm trôi qua kể từ ngày ra mắt, Android vẫn mang danh "mở", nhưng Google thì vẫn nắm quyền sinh sát tuyệt đối trong thế giới của chú robot xanh.