Apple đã giúp tạo nên mối đe dọa lớn nhất cho hệ sinh thái của mình tại Trung Quốc như thế nào?

Admin

13/08/2020 16:30

Giờ đây, trong khi Apple có thể đối xử khắc nghiệt với các nhà phát triển ứng dụng trên toàn cầu, họ lại phải nhượng bộ và đôi khi khuất phục trước các yêu cầu của WeChat.

Dù Apple có lập luận thế nào đi nữa, việc họ nắm độc quyền kiểm soát cửa hàng ứng dụng App Store trên iOS là điều không thể chối cãi. Đây là cánh cửa duy nhất để các nhà phát triển ứng dụng có thể tiếp cận hàng trăm triệu người dùng iOS. Điều đó mang lại cho Apple một quyền sinh sát đáng sợ đối với các nhà phát triển ứng dụng và buộc họ phải chấp thuận các chính sách phát triển ứng dụng của mình.

Báo cáo gần đây cho biết, vào năm 2016, Telegram từng hủy bỏ dự án xây dựng nền tảng gaming trên ứng dụng của mình do lo ngại vi phạm chính sách của Apple. Mới đây nhất, ngay cả một người khổng lồ như Facebook cũng lên tiếng chỉ trích Apple khi họ buộc phải xóa bỏ các mini-game trong nền tảng gaming của mình khi ra mắt trên iOS.

Apple đã giúp tạo nên mối đe dọa lớn nhất cho hệ sinh thái của mình tại Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 1.
 

Thế nhưng có một ứng dụng lại dám đi ngược lại chính sách này của Apple khi ra mắt một nền tảng ứng dụng riêng của mình ngay trên iOS – thật trớ trêu là lại được sự chấp thuận từ chính Apple và nhờ đó, giờ đây họ còn có thể lên tiếng đối đầu với chính Apple về chính sách phát triển ứng dụng. Đó là ứng dụng WeChat của hãng Tencent, Trung Quốc.

Mini-Program: Các ứng dụng trong ứng dụng

Ngày 9 tháng Một năm 2017, WeChat, ứng dụng nhắn tin hàng đầu Trung Quốc ra mắt một tính năng mới có tên gọi mini-program (các chương trình nhỏ) – các ứng dụng nhỏ dưới 10MB của các nhà phát triển khác chạy bên trong WeChat. Do có dung lượng nhỏ, người dùng có thể nhanh chóng tải chúng xuống và sử dụng chỉ sau vài giây, mà không phải rời khỏi ứng dụng WeChat của mình.

Apple đã giúp tạo nên mối đe dọa lớn nhất cho hệ sinh thái của mình tại Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 2.
 

Cho phép các ứng dụng khác – bên ngoài App Store – chạy trên iOS là điều Apple không thể chấp nhận được. Không chỉ vậy, họ cũng nhận ra mối đe dọa tiềm tàng từ các chương trình nhỏ này. Không lâu sau đó, Apple bắt đầu chặn cập nhật phần mềm WeChat trên iPhone và gây nên căng thẳng giữa hai công ty.

Theo báo cáo vào tháng Tư năm nay của The Information, các căng thẳng giữa hai bên chỉ được hóa giải khi một nhóm lãnh đạo của Tencent đã đến Apple trong năm đó và gặp CEO Tim Cook. Nhiệm vụ của họ là xoa dịu các lãnh đạo Apple về mối đe dọa từ tính năng mới này trên WeChat.

Các lãnh đạo của Tencent cho biết, các mini-program này không phải là ứng dụng hoàn chỉnh. Với dung lượng nhỏ khoảng 10MB, chúng chỉ có những chức năng giới hạn và không muốn cạnh tranh với các ứng dụng hoàn chỉnh. Vì vậy, chúng không phải là mối đe dọa.

Dường như lập luận này được Apple chấp thuận và sau đó các bản cập nhật WeChat bắt đầu quay trở lại App Store.

Apple đã giúp tạo nên mối đe dọa lớn nhất cho hệ sinh thái của mình tại Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 3.

Các lãnh đạo của Tencent đến gặp ông Tim Cook năm 2017 với món quà là một khung tranh nghệ thuật.

Chương trình nhỏ mang lại quyền lực lớn

Trên thực tế, ngay cả như vậy, tính năng mới này cũng không được đón nhận quá nhiệt tình từ ban đầu. Người dùng gặp khó khăn khi tìm kiếm các mini-program trên WeChat và đúng là các chức năng của chúng cũng quá giới hạn so với các ứng dụng thông thường.

Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi các trò chơi đầu tiên xuất hiện trên WeChat – điều tương tự như Telegram từng dự định làm trước đó. Cuối năm 2017, một trong những trò chơi đầu tiên là Jump Jump – game đánh cờ do Tencent tự thiết kế - đã trở thành một cơn sốt khi có được 100 triệu lượt người dùng hàng ngày chỉ sau một tháng.

Apple đã giúp tạo nên mối đe dọa lớn nhất cho hệ sinh thái của mình tại Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 4.

Trò chơi Jump Jump trên WeChat - một trong những chương trình đã làm nên cơn sốt tại Trung Quốc.

Chỉ một năm sau đó, các chương trình mini-program đã trở thành một cú hit khổng lồ đối với nền tảng chat này. Giờ đây bạn có thể làm gần như mọi thứ thông qua các mini-program này. Bạn có thể đặt đồ ăn, thanh toán hóa đơn, chỉnh sửa ảnh, chơi game hoặc thậm chí kiểm tra chất lượng giấc ngủ - ngay trong WeChat mà không cần phải cài đặt thêm các ứng dụng khác. Giờ đây, một số chương trình nhỏ còn có tính năng live stream, hoặc thực tế tăng cường.

Đến cuối năm 2019, với khoảng 2,4 triệu chương trình nhỏ chạy trên nó – còn nhiều hơn cả số ứng dụng trên Apple App Store – WeChat đã trở thành một siêu ứng dụng khổng lồ. Các chương trình nhỏ này thu hút khoảng 300 triệu người dùng thường xuyên mỗi ngày – các chương trình nhỏ của WeChat đã trở thành một phần không thể thiếu đối với cư dân mạng Trung Quốc.

Nhà phân tích Ben Thompson của Stratechery còn cho rằng, "hệ điều hành ở Trung Quốc là WeChat, không phải iOS hay Android." Đến lúc này, các chương trình nhỏ đã trở thành mối đe dọa thực sự cho hệ sinh thái Apple tại Trung Quốc. Trong khi các nhà phát triển trên toàn cầu phải hỗ trợ công cụ thanh toán Apple Pay, còn tại Trung Quốc, điều ngược lại đã diễn ra, Apple phải chấp nhận thanh toán bằng WeChat Pay (trước đó Apple cũng từng chấp nhận AliPay).

Apple đã giúp tạo nên mối đe dọa lớn nhất cho hệ sinh thái của mình tại Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 5.

Ngay cả Tesla cũng có một chương trình nhỏ trên WeChat

Đến lúc này, Apple không thể đe dọa WeChat bằng cách chặn các bản cập nhật được nữa. Không có WeChat, người dùng iPhone Trung Quốc sẽ bỏ sang thiết bị khác để tiếp tục dùng các chương trình ưa thích của mình.

Đối đầu với quyền lực của Apple tại Trung Quốc

WeChat còn đi xa hơn nữa trong việc thách thức quyền lực của Apple tại Trung Quốc: chặn khoản "thuế Apple" – mức phí 30% Apple áp lên các giao dịch trong ứng dụng của nhà phát triển.

Ngày 29 tháng Năm vừa qua, WeChat công bố quyết định cấm các giao dịch mua bán hàng hóa ảo và dịch vụ tuân thủ theo chỉ dẫn chính sách của App Store. Nghĩa là các công ty đang đăng bán các lớp học online, nội dung âm nhạc hoặc video, dịch vụ trực tuyến trên tài khoản WeChat sẽ phải dừng bán chúng cho người dùng iOS.

Apple đã giúp tạo nên mối đe dọa lớn nhất cho hệ sinh thái của mình tại Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 6.
 

Giờ đây, các công ty muốn bán những sản phẩm này thẳng cho người dùng iOS sẽ phải bổ sung thêm một mã QR hoặc một đường link để nhận thanh toán trực tiếp từ người dùng. Dù bất tiện hơn, nhưng cuối cùng, Apple cũng không thu được khoản phí 30% từ các khoản thanh toán này khi nó thực hiện qua hệ thống WeChat Pay.

Điều tương tự cũng tưng diễn ra trong năm 2017, khi WeChat buộc phải tắt tính năng thưởng tiền cho nhà sáng tạo nội dung trên iOS do Apple cho rằng nó vi phạm quy tắc về mua hàng trong ứng dụng của họ. Cuộc đàm phán sau đó đã đi đến thỏa thuận cho phép phục hồi tính năng này và tiền được chuyển thẳng cho nhà sáng tạo nội dung mà không cần trả phí cho Apple.

Những động thái nhân nhượng này của Apple cho thấy sự phổ biến của WeChat tại Trung Quốc đã cho họ quyền lực đàm phán khổng lồ như thế nào, ngay cả trước một ông kẹ như nhà Táo. Điều trớ trêu hơn cả là chính Apple lại giúp WeChat đạt được quyền lực mềm đó khi cho phép tính năng chương trình nhỏ hiện diện trên các thiết bị iOS, và giờ đây chính các chương trình nhỏ này lại tạo nên mối đe dọa lớn nhất từ trước đến nay đối với hệ sinh thái Apple.

Đáng buồn hơn cả là quyền lực khổng lồ của WeChat còn khiến Apple lâm vào thế kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày nay. Một báo cáo mới từ nhà phân tích Ming-Chi Kuo cho biết, nếu Apple buộc phải gỡ bỏ WeChat ra khỏi App Store của mình, doanh số iPhone hàng năm tại Trung Quốc có thể sụt giảm đến 25%-30%.

Tổng hợp