Bắc Giang bán được 130.000 tấn vải, thu về gần 5.000 tỷ đồng

Admin

30/06/2020 06:02

(Doanhnhan.vn) - Vải Bắc Giang từ đầu vụ được bán ra thị trường với giá dao động từ 22.000 - 48.000 đồng/kg.

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang), tính đến hết ngày 27/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ được gần 130.000 tấn vải thiều, với mức giá từ 22.000 - 48.000 đồng/kg. Với mức giá này, doanh thu từ vải thiều hiện ước đạt 5.000 tỷ đồng. 

Tính đến nay, "thủ phủ" vải thiều Lục Ngạn đã tiêu thụ được hơn 72.000 tấn, huyện Lục Nam hơn 25.000 tấn, Tân Yên hơn 15.000 tấn... Đợt cao điểm, toàn tỉnh Bắc Giang có tới 600 điểm cân vải thiều. Có thời điểm, ngoài thương nhân, doanh nghiệp trong nước còn có 113 thương lái Trung Quốc thu mua vải.

Bắc Giang bán được 130.000 tấn vải, thu về gần 5.000 tỷ đồng - Ảnh 1

 Toàn tỉnh Bắc Giang dự kiến đã tiêu thụ khoảng 130.000 tấn vải thiều. Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, dự kiến khoảng 15-20 ngày nữa nông dân trong tỉnh sẽ cơ bản thu hoạch xong vải thiều.

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, 60% sản lượng vải được tiêu thụ tốt trong nước, chủ yếu tại các tỉnh phía Nam qua nhiều kênh xúc tiến thương mại. Ngoài thị trường truyền thống như Trung Quốc, năm nay, vải thiều đã xâm nhập được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia...

Tính từ đầu vụ, tỉnh Bắc Giang đã đưa được 50 tấn vải sang Nhật Bản, đến hết vụ có thể đạt 100 tấn.

Bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty Chánh Thu, đơn vị đưa vải thiều sang Nhật cho biết, vải thiều Việt Nam đã và đang cháy hàng tại Nhật, các siêu thị đã đặt mua hết, với giá bán sỉ 8 - 12USD/kg. Bình quân, giá bán lẻ vải thiều tươi tại các siêu thị ở Nhật vào khoảng 530.000 - 550.000 đồng/kg. Thậm chí, có siêu thị niêm yết 650.000 đồng/hộp gồm 12 quả vải. 

Một trong những thành công của mùa vải thiều năm nay là Việt Nam cũng đã thiết kế thành công hệ thống xử lý, khử trùng vải thiều bằng Methyl Bromide, hệ thống có khả năng làm sạch 100% các đối tượng dịch bệnh. Đây là một chamber (buồng) khử trùng thương mại đầu tiên được thiết kế theo yêu cầu từ phía Nhật Bản, trên cơ sở bám sát các đặc tính của quả vải thiều.