Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Lưu ý chứng khoán (VSD) |
Ông Sơn cho biết, về pháp lý cơ chế bán chứng khoán trong ngày, chứng khoán chờ về thì không phải bây giờ mới có nhưng việc đưa ra pháp lý cũng phải dựa trên nền tảng công nghệ.
Hiện gói thầu công nghệ toàn thị trường đang được triển khai, dự kiến vận hành vào 2021 trên nền tảng pháp lý là các văn bản, nghị định, quy trình cùng hệ thống công nghệ.
“Ta đang cố gắng triển khai nhanh để test với các thành viên trên thị trường, còn thời điểm chính xác thì chưa thể nói được”, ông Sơn nói.
Đối với việc bán khống chứng khoán chờ về, theo ông Sơn, luật thế hệ trước không cấm nhưng chúng ta chưa sẵn sàng cho việc đó nên chưa có văn hướng dẫn. Khi có hệ thống công nghệ mới thì mới có thể dần dần triển khai vào năm tiếp theo.
Ông Sơn nhấn mạnh cần có cơ chế pháp lý và công nghệ, đặc biệt là ý thức tuân thủ của nhà đầu tư quyết định sự thành bại của thị trường. Cần có sự đồng bộ pháp lý, công nghệ, năng lực quản lý giám sát với tất cả thành viên tham gia vào thị trường.
“Có thể vào 2021 thì ta sẽ có những sản phẩm đó”, ông Sơn khẳng định.
Ông Nguyễn Sơn cũng chia sẻ thêm, trong lần thay đổi pháp lý lần này, CCP (là một cơ chế hoạt động của trung tâm thanh toán bù trừ trong đó CCP đóng vai trò là một chủ thể đứng giữa các bên giao dịch) sẽ được áp dụng cho thị trường cơ sở sau khi triển khai cho thị trường phái sinh năm 2018. Với CCP, Việt Nam có thể tháo gỡ vấn đề vướng mắc ký quỹ 100% khi đặt lệnh mua chứng khoán. Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ 10 - 20% giá trị mua.
Đây cũng là hạn chế duy nhất khiến Việt Nam chưa được thăng hạng theo FTSE Russell.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý đang tập trung cao độ cho hoàn thiện khung pháp lý mới cho thị trường chứng khoán.
Theo kế hoạch, đến 15/11, các cấp quản lý sẽ ký ban hành toàn bộ 4 nghị định và 11 thông tư hướng dẫn để đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Chứng khoán năm 2019 từ ngày 1/1/2021.
Điểm mới trong hệ thống pháp lý này không chỉ là về phát triển hệ thống kỹ thuật, hạ tầng công nghệ, mà thể hiện rõ quan điểm của cơ quan quản lý là thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán bền vững. Bởi vậy, từ năm 2021, chứng khoán Việt Nam sẽ thay đổi vượt bậc về chất và phát triển bền vững hơn.
Trước đó, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán, thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC trong đó,điểm khiến nhà đầu tư quan tâm là cơ chế giao dịch trong ngày T+0 thay vì nhà đầu tư mua cổ phiếu phải chờ 3 ngày sau mới được bán (T+3) như hiện nay.
Dự thảo thông tư định nghĩa đây là giao dịch mua và bán cùng một mã chứng khoán với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch.
Nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng này với công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán.
Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao. Trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu tạm ngừng các hoạt động giao dịch trong ngày...
Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, dự kiến đầu năm 2021, sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới đưa vào vận hành thông suốt thì hoạt động giao dịch trong ngày sẽ được phép triển khai.