Bão áp sát miền Trung, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không nói chung chung!

27/09/2022 20:01

(NLĐO) - "Bây giờ bão chỉ còn cách vài tiếng, đây là khoảng thời gian rất quý nên phải giải quyết gấp, một cách kịp thời" - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu.

Đúng 18 giờ ngày 27-9, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 - do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng Ban đã tiến hành họp trực tuyến để nắm bắt thông tin, diễn biến và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru) sắp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung.

Cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo tiền phương kết nối 3 điểm cầu tại TP Đà Nẵng, Quảng Trị, và Quảng Nam. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo trực tuyến từ điểm cầu Quảng Trị. Tại TP Đà Nẵng do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan - Phó trưởng Ban và điểm cầu thứ 3 tại Quảng Nam do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Hoàng Hiệp điều hành.

Bão áp sát miền Trung, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không nói chung chung! - Ảnh 1.
Bão áp sát miền Trung, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không nói chung chung! - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng Ban đã tiến hành họp trực tuyến để nắm bắt thông tin, diễn biến và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru) sắp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung

Nhiều vấn đề quan trọng cần phải giải quyết

Đúng 18 giờ 30 tối nay, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó Bão số 4 - do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng Ban đã tiến hành họp trực tuyến để nắm bắt thông tin, diễn biến và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru) sắp đổ bộ.

Cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo tiền phương kết nối 3 điểm cầu tại TP Đà Nẵng, Quảng Trị, và Quảng Nam. Nhiều thông tin quan trọng liên quan đến công tác Phòng chống bão số 4 sẽ có trong cuộc họp này.

Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nêu nhiều vấn đề quan trọng cần phải giải quyết trước khi bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, để đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại đến mức tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Dự kiến khoảng vài giờ nữa, bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền. Bão rất lớn giật cấp 13 đến cấp 17, một số địa phương đã xảy ra tình trạng lốc xoáy như Quảng Trị, dù chúng ta chuẩn bị kỹ càng, bão chưa vào nhưng tình hình bão gây ra đã để lại hậu quả trước mắt khi có trên 100 ngôi nhà bị lốc xoáy, 3 người dân bị thương.

Phó Thủ tướng cho rằng có mấy vấn đề lớn cần giải quyết, một đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân về sức khỏe, tính mạng. Liên quan đến vấn đề sơ tán cho người dân rất quan trọng và nắm tình hình từng địa phương, đây là nhiệm vụ số một.

Vấn đề thứ 2, xác định bảo vệ các công trình trọng điểm, công trình quan trọng ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến nhân dân như hồ đập, cơ quan, trụ sở, bệnh viện, trường học…Thứ 3, liên quan đến công tác phục vụ lương thực, thực phẩm, ứng cứu khi trường hợp các địa phương bị cô lập, chia cắt cho người dân. Vấn đề này thực hiện đến đâu rồi?

Thứ 4, có nhiều tình huống bất ngờ xảy ra như đê biển, chúng ta phải ứng trực như thế nào. Bây giờ bão chỉ còn cách vài tiếng, đây là khoảng thời gian rất quý nên phải giải quyết gấp, một cách kịp thời.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết tính đến thời điểm này toàn bộ tàu thuyền đã cập bờ an toàn, thành phố cũng đã chuẩn bị tất cả mọi tình huống phát sinh cho mọi kế hoạch, đã sẵn sàng lương thực, thực phẩm để ứng cứu người dân khi cần….

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TP Đà Nẵng phát biểu cụ thể, không nói chung chung. Còn bao nhiêu người dân còn ở trên các phương tiện trên tàu thuyền để gấp rút đưa họ lên bờ, không để xảy ra tình trạng nguy hiểm tới an toàn tính mạng. Rồi các đê điều, hồ đập hiện ở mức an toàn như thế nào, yêu cầu phải báo cáo rõ ràng?. Ông Chinh trả lời Phó Thủ tướng rằng UBND thành phố đang gấp rút chỉ đạo các lực lượng, trong 30 phút nữa sẽ di dời toàn bộ những người còn trên các phương tiện tàu thuyền đến nơi an toàn, trước khi bão đổ bộ.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đang ở vùng ven biển để kiểm tra công tác phòng chống lần cuối nên không thể dự phiên họp.

Theo ông Hồ Quang Bửu, hiện nay Quảng Nam đang có mưa to, từ 70 đến 100mm. Gió đang mạnh lên. Theo dự báo thì khả năng tâm điểm vào Quảng Nam nên dự định mực nước biển sẽ dâng cao. "Khi đó, sẽ có hiện tượng gió to nhưng gây ngập lụt biển. Rất nguy hiểm. Chỉ thua sóng thần một ít", ông Hồ Quang Bửu nhận định.

Bão áp sát miền Trung, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không nói chung chung! - Ảnh 3.

Ban Chỉ đạo tiền phương đang họp ứng phó bão số 4

Đến thời điểm 17 giờ hôm nay, Quảng Nam đã di dời 114.000 người, hiện nay tất cả người dân đã vào nơi trú ẩn tương đối an toàn. Các khu công nghiệp công nhân đã có chỉ đạo phòng chống trên tất cả nhà máy, phân xưởng, đảm bảo an toàn thiết bị. Tỉnh Quảng Nam đã cho học sinh nghỉ học, công nhân nghỉ làm việc từ 12 giờ trưa nay đến 12 giờ trưa mai. Từ 18 giờ hôm nay sẽ cấm toàn bộ phương tiện lưu thông.

Hiện nay, tất cả tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn. Một số tàu đã về vùng biển TRường Sa để thoát vùng nguy hiểm. Các hộ dân đã rà soát để các hộ dân lên bờ. Đến 21 giờ hôm nay, lực lượng biên phòng sẽ rà soát lần nữa. Tỉnh cũng thành lập tổ tại các xã để kiểm tra lần cuối vào 21 giờ hôm nay. Đảm bảo các hộ dân không. Các tổ đã phân nhau kiểm tra rà soát các phương án đã triển khai. Đến bây giờ, đã rất tươm tất.

"Quảng Nam hiện đang băn khoăn, mong Thủ tướng Trung ương có chỉ đạo trọng tâm trọng điểm về khu vực bị bão ảnh hưởng mạnh nhất để tỉnh tập trung quân lực, dồn lực cứu dân. Mong cơ quan chức năng tiếp tục có thông tin chính xác hơn nữa về tình hình bão đổ bộ", ông Hồ Quang Bửu cho biết.

Sau khi nghe một số tỉnh như Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam báo cáo tình hình, công tác ứng phó với bão số 4, Phó Thủ tướng yêu cầu họp xuyên đêm để trực tiếp ứng phó, chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn do bão gây ra. Cuộc họp có thể từ 1 giờ đến 3 giờ sáng để nắm bắt tình hình trực tiếp, nhằm đảm bảo công tác ứng phó với bão tại từng địa phương. Khi bão vào, nếu có những chỗ vỡ đê, sập nhà, phải huy động tập trung lực lượng để xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, Nhà nước.

Đã sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, tính đến 16 giờ ngày 27-9, bão số 4 ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông (cách Đà Nẵng khoảng 252km về phía Đông, cách Quảng Nam khoảng 234km, cách Quảng Ngãi khoảng 205km về phía Đông). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14 giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Dự báo triều cường cao nhất thời điểm bão ảnh hưởng đến ven biển các tỉnh lúc 23 giờ ngày 27-9 là 1,3m.

Các thành viên Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó Bão số 4 hợp, báo cáo tình hình  

Sức gió tại một số trạm lúc 16 giờ đó được ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) cấp 4; Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 7, giật cấp 10; Song Tử Tây (Khánh Hòa) cấp 5; Phú Quý (Bình Thuận) cấp 6.

Theo Ban chỉ đạo, hiện công tác sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm đã được tiến hành, qua rà soát các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định cho thấy có khoảng hơn 118 ngàn hộ dân với trên 402 ngàn người nằm trong vùng nguy hiểm cần sơ tán. Tính đến 17 giờ hôm nay, đã sơ tán được 81.152 hộ/253.032 người. Trong đó, các tỉnh Quảng Trị: 4.124/12.926, Thừa Thiên - Huế: 2.552/8.407; Đà Nẵng: 9.300/ 30.721; Quảng Nam: 39.897/123.714, Quảng Ngãi: 23.006/68.034, Bình Định: 5.109/14.729.

8 tỉnh, thành phố Quảng Trị - Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27-9. Các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định cho cán bộ, công nhân nghỉ làm ngày 27 đến 28-9.

Hiện còn 4.787 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo đã di chuyển vào đất liền tránh trú (Lý Sơn, Cù Lao Chàm).

Về tình hình tàu thuyền thì tính đến thời điểm này, không còn tàu hoạt động trong khu vực nguy hiểm; lực lượng chức năng các địa phương đã hướng dẫn cho 57.840 tàu/299.678 lao động di chuyển tránh trú bão an toàn.

Hiện có 983 tàu vận tải (433 tàu biển và 550 phương tiện thủy nội địa) trong khu vực quản lý của các cảng vụ từ Quảng Ninh - Bình Thuận. Các tỉnh từ Quảng Bình - Khánh Hóa cũng đã ban hành lệnh cấm biển.

Tình hình nuôi trồng thủy sản: Từ tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định có 20.712ha và 4.480 lồng, bè nuôi trồng thủy sản. Hiện các tỉnh tổ chức gia cố, di dời người dân trên lồng bè, chòi canh.

Về công tác giao thông, thì hiện đã tạm dừng khai thác các Cảng hàng không Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku từ 12 giờ ngày 27-9 đến 12 giờ ngày 28-9. Các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tổ chức lực lượng quản lý giao thông trên đường Quốc lộ 1 từ 18 giờ đến 21 giờ hôm nay.

Theo Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, thì hiện 244.768 cán bộ, chiến sĩ, 2.921 phương tiện đã sẵn sàng ứng trực, tổ chức bắn pháo hiệu tại 33 điểm ven biển và thường trực tại công trình đang thi công, trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu để kịp thời xử lý các tình huống.

Bão số 4 chỉ cách Quảng Ngãi 147 km

Vị trí tâm bão số 4 lúc 19 giờ ngày 27-9 ở khoảng 15.7N; 110.0E, cách Đà Nẵng khoảng 186 km, cách Quảng Nam khoảng 170 km, cách Quảng Ngãi khoảng 147 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất: cấp 13-14 (134-166 km/giờ), giật cấp 16. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20 km/giờ. Ảnh hưởng của bão số 4: tại đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió cấp 6, giật cấp 8; lượng mưa đo được từ 7 gờ đến 18 giờ ngày 27-9 một số nơi có mưa rất to trên 130 mm như: Vĩnh Kim (Quảng Trị) 215 mm, Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 152 mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 115 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 141 mm.

V.Duẩn

Bạn đang đọc bài viết "Bão áp sát miền Trung, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không nói chung chung!" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.