Báo cáo tài chính Quý III/2020, nhiều ngân hàng đối mặt với nợ xấu

Admin

28/10/2020 09:50

Tỉ lệ nợ xấu nội bảng các ngân hàng có xu hướng tăng trong 9 tháng đầu năm nay, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có quy định của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (thông tư 01) về việc tổ chức tín dụng được quyền giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Nợ xấu tiếp tục leo thang

Tháng 10, một loạt ngân hàng công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm, không ít ngân hàng công bố mức lợi nhuận lợi vượt trội, thậm chí có ngân hàng công bố sẽ hoàn thành kế hoạch năm nhưng vấn đề nợ xấu đang “bao trùm” khiến nhiều ngân hàng ‘mất ăn mất ngủ’. Như Ngân hàng Bắc Á, theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm nay, tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng tới 19,3% so với thời điểm 31-12-2019, từ hơn 500 ngàn tỉ lên hơn 596 ngàn tỉ. Nợ nghi ngờ tăng gấp hơn 15 lần và nợ có khả năng mất vốn tăng tới 38%. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,69% hồi đầu năm lên 0,81%. Lợi nhuận trước thuế Bắc Á trong 9 tháng qua đạt 522 tỉ đồng, hoàn thành 74,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.

Tại ACB, đáng chú ý, nợ xấu của ACB tăng mạnh từ 1.449 tỷ đồng lên 2.480 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 71% kéo tỉ lệ nợ xấu từ 0,54% cuối năm 2019 lên 0,83% vào cuối tháng 9/2020.Tỉ lệ nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cũng tăng lần lượt là 3,5 lần và 1,75 lần. Nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng tới 22,3% so với giai đoạn đầu năm. Ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hơn 6.400 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 15% so với cùng kỳ.Với Ngân hàng Sacombank, mặc dù lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu đạt 2.325 tỷ đồng, hoàn thành được hơn 90% kế hoạch cả năm nhưng ngân hàng này ghi nhận mức nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 113% và nợ nghi ngờ tăng 72% so với giai đoạn đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu chiếm 2,13 % trên tổng dư nợ. Trong khi đó VIB, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 61% còn nợ nghi ngờ tăng gấp đôi đã khiến tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của ngân hàng cuối tháng 9 là 2,1% (đầu năm là 1,96%).

Như vậy có thể thấy, trong cơ cấu nợ xấu của các ngân hàng, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là tăng cao so với giai đoạn đầu năm. Trong bối cảnh này, nhiều ngân hàng đã mạnh tay trích lập quỹ dự phòng để bao nợ xấu. Như Vietcombank,khoản chi này tiêu tốn của ngân hàng hơn 2.000 tỷ quý III và hơn 6.000 tỷ trong cả 9 tháng. VPBank đã trích lập chi phí dự phòng gần 3.900 tỷ đồng quý III đã khiến lợi nhuận trước thuế của VPBank giảm nhẹ 2%, đạt 2.813 tỷ đồng.

Nợ xấu ngân hàng khi nào thuyên giảm

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hiện thị trường bất động sản chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân hàng, với 80% vốn là nguồn vốn ngân hàng. Chỉ 20% là vốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, người mua nhà và các thành phần khác. Trong bức tranh kinh tế khá ảm đạm do ảnh hưởng dịch Covid hiện nay, nhiều sản phẩm bất động sản còn tồn kho, kéo theo dòng tiền của các nhà đầu tư bị mắc kẹt, trong đó chắc chắn có dòng tiền của các ngân hàng. Mặc dù nhiều ngân hàng cho biết đã kiểm soát tốt tín dụng bất động sản, tuy nhiên tiềm ẩn rủi của nợ xấu không hề nhỏ. Một số ngân hàng đang phải rao bán dồn dập các khoản nợ xấu là bất động sản để thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, một vấn đề được không ít người đặt ra, phải chăng vai trò của thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 đang quá mờ nhạt đối với hoạt động các ngân hàng. Theo thông tư này, các ngân hàng sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Thông tư bắt đầu áp dụng từ tháng 3, nghĩa là đã có hơn nửa năm được áp dụng.

Tuy nhiên một điều có thể nhận thấy, trong cơ cấu nợ của một số ngân hàng được dẫn nêu trên, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn đều có sự dịch chuyển, tăng cao rõ rệt từ đầu năm đến nay. Như vậy, nếu theo thông tư 01, việc giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng” liệu đã được các ngân hàng thực hiện? đồng thời sẽ mang lại lợi ích gì cho cả hai bên là ngân hàng và doanh nghiệp?

Dịch bệnh covid 19 đang đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế trong nước, do đó những rủi ro về tín dụng sẽ có xu hướng gia tăng và áp lực nợ xấu rất lớn. Theo ước tính của SSI Research, nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2020 sẽ tăng 17% và 14% vào năm 2021. Còn theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, đến cuối năm nay mức tăng nợ xấu nội bảng toàn hệ thống NH có thể lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% cuối năm 2019.