Ninh Thuận có bờ biển dài với nhiều lợi thế về khai thác hải sản và phát triển du lịch biển. Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều tuyến đường, bờ kè khu vực dân cư ở các địa phương ven biển như thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, hai huyện Ninh Hải, Thuận Nam tình trạng rác thải chất thành đống, trải dài hàng km chưa được thu gom, xử lý triệt để khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đơn cử, tại Khu phố 11 (phường Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) rác thải đang bủa vây các nhà dân. Khu vực này nằm giữa cửa sông Dinh thông ra biển Đông và cảng cá Đông Hải với hoạt động buôn bán, chế biến hải sản sầm uất nên lượng rác do người dân xả ra, từ các tàu, thuyền đi biển xả xuống, từ ngoài biển theo sóng gió tấp vào tạo thành một vành đai rác ven bờ dày đặc.
Rác thải khó phân hủy ngập tràn trên bờ ở phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. |
Chị Nguyễn Lành, người dân địa phương cho hay, ở đây có nhà thì hốt rác bỏ vô bao chờ nhân viên vệ sinh đến lấy, có nhà quét dồn thành đống để trước bãi biển. Mỗi khi có gió to, túi ni-lông, chai lọ, các vật dụng sinh hoạt bay tứ tung trên bờ, xuống nước, lâu ngày dồn lại thành từng đống. Thời gian này, mọi người lại ở nhà tránh dịch COVID-19, lượng rác sinh hoạt xả ra lớn, rác lại không được thu gom thường xuyên nên mới nhiều như vậy.
Không riêng phường Đông Hải, tại khu vực bờ kè Đầm Nại kéo dài hàng km từ chân cầu Ninh Chữ đến cầu Tri Thủy (huyện Ninh Hải) đang ngập tràn rác thải. Tình trạng ô nhiễm rác thải ở khu vực này đã diễn ra nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Khu vực này có chợ Nại buôn bán hải sản, tàu thuyền ra vào tấp nập, lượng rác thải nhựa từ hoạt động mua bán, nước thải chế biến hải sản xả thẳng ra Đầm Nại rất lớn.
Ông Trần Xuân Tình (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải) bức xúc cho biết, mặc dù có thùng rác để trước bờ kè nhưng nhiều người dân không ý thức vẫn quăng cả bịch rác lúc rơi vào thùng, lúc rơi xuống biển. Đủ loại rác từ lưới đánh cá, thùng xốp đựng hàng đông lạnh đến màn, chiếu, quần áo họ cũng vứt ra bờ kè. Nước thải chế biến cá, tôm, vỏ hàu đổ xuống bờ biển bốc mùi tanh hôi rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Tại các địa phương ven biển khác như xã Cà Ná, Phước Diêm (huyện Thuận Nam), Mỹ Tân (huyện Ninh Hải), Mỹ Đông (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), trên nhiều tuyến đường, bờ biển, bờ kênh cảng cá cũng ngập rác thải. Dù các đơn vị chức năng, địa phương đã tổ chức thu gom song do một bộ phận người dân thiếu ý thức nên tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra. Rác dập dềnh trôi theo dòng nước, lâu ngày dồn tụ lại khiến việc thu gom rất khó khăn.
Để bảo vệ môi trường, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều biện pháp làm sạch môi trường tại các khu vực bãi biển, cảng cá, khu dân cư như cắm biển cấm đổ rác bữa bãi, tăng cường nhân lực, tăng số lượng xe và tần suất thu gom rác, cho người dân ký cam kết không đổ rác bừa bãi, tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng chỉ giúp hạn chế phần nào nhưng chưa thể chấm dứt được tình trạng xả rác bừa bãi.
Ý thức của người dân chưa cao đã khiến nhiều vùng ven biển của tỉnh Ninh Thuận đang bị ô nhiễm nặng. Để giải bài toán bảo vệ môi trường biển, ngoài việc tuyên truyền, chính quyền tỉnh Ninh Thuận cần tăng cường kiểm tra, có chế tài cần thiết để xử lý nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi theo quy định của pháp luật, vì việc thay đổi thói quen, ý thức chấp hành pháp luật không phải chỉ dựa vào tính tự giác của mỗi người dân.
Theo TTXVN