Bao giờ cho hết tháng mười?

25/10/2020 13:47

TTO - Tháng mười hằng năm, cứ như 'đến hẹn lại lên', mùa mưa bão đổ xuống khúc ruột miền Trung. Tháng mười năm nay, những trận 'đại hồng thủy' lại dồn dập ập đến.

Đôi khi chỉ biết đọc tin tức và ngậm ngùi vì thấy mình bất lực, chỉ cầu xin trời đất thôi nổi giận và mưa bão qua mau cho người dân quê mình bớt khổ cực. Và cũng chỉ biết đóng góp, chia sẻ mỗi nơi một chút dù thấy như muối bỏ bể trước những mất mát mà người dân miền Trung phải gồng mình chịu đựng.

Năm học lớp mười, lần đầu tiên tôi được học và phân tích bài ca dao của người Bình Trị Thiên "Mười quả trứng" và thấm thía nỗi cơ cực của người dân quê mình. Đó là bài ca dao than thân nhưng không trách phận. Than thân vì khổ quá, cực quá. Nỗ lực bao nhiêu thì bất lực bấy nhiêu. 

Nhưng bất lực mà không bao giờ đầu hàng số phận. Bởi dù còn một tia hi vọng dù nhỏ nhoi thì vẫn chiến đấu đến cùng hơn là khóc than đổ lỗi. Bởi sự khắc nghiệt của trời đất càng trui rèn ý chí, sự chịu đựng và không khuất phục trước khó khăn của người dân nơi dải đất hẹp đầy nắng gió bão bùng này. Như hai câu cuối trong bài ca dao: "Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc còn chồi nảy cây".

Nhưng với tình hình mưa bão, lũ chồng lũ thế này thì còn đâu "da" với "chồi" nữa đây, khi các nhà khoa học coi đó là một tình trạng "bình thường mới" trong sự biến đổi khí hậu của trời đất do chính con người chúng ta gây ra?

Nhưng trong những ngày lũ chồng lũ, bão chồng bão này, điều làm ấm lòng duy nhất những đứa con xa quê là tình nghĩa đồng bào, là thấy được những hoạt động cứu trợ của khắp cả nước đổ về miền Trung, từ Nhà nước đến chính quyền địa phương, từ những người nghệ sĩ, các tổ chức thiện nguyện có ảnh hưởng đến những nhóm nhỏ tự phát.

Chị gái của tôi là dược sĩ ở Đông Hà, cũng đợi nước rút, tranh thủ dọn dẹp nhà cửa rồi cùng một nhóm dược sĩ tổ chức nhóm thiện nguyện phát lương thực, thuốc men cho những vùng bị ngập nặng hơn. Một người bạn xa quê khác của tôi thì đăng một bài thuốc xông hơi giải cảm, thải độc cơ thể từ thảo dược trong vườn cho những người dân phải ngâm mình trong mưa bão nhiều ngày liền. 

Một cặp vợ chồng nghệ sĩ đang nhờ tôi tìm hiểu để bán đấu giá bức tranh của họa sĩ Lê Phổ trị giá 3 tỉ đồng gửi thẳng vào các quỹ hỗ trợ hiệu quả nhất... Những tấm lòng dù lớn, dù nhỏ đó đều đáng quý vào lúc này, bởi tình cảm đồng bào là điều mà ta cảm nhận rõ nhất khi hoạn nạn.

Và những hoạt động đó vẫn tiếp diễn sau khi cơn lũ lịch sử này qua đi.

Rồi xa hơn nữa, sau khi cơn lũ này qua đi, chúng ta phải có những chiến lược mang tầm quốc gia, những dự án mang tính vĩ mô hơn như trồng rừng mới, tái thiết rừng phòng hộ, xây thêm nhiều ngôi nhà chống lũ cho bà con ở những vùng rốn lũ... 

Để hằng năm những cơn lũ đổ về không cuốn trôi đi hết bao công sức gầy dựng, cuốn trôi đi hết những "da" và "chồi" hi vọng cuối cùng của người dân miền Trung, bởi chúng đã chìm trong biển nước mất rồi.

Còn bây giờ, những đứa con xa quê chúng tôi chỉ cầu mong cho tháng mười qua mau.

Bạn đang đọc bài viết "Bao giờ cho hết tháng mười?" tại chuyên mục CHUYỂN ĐỘNG 24H. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.