Ông Năng cho biết lúc 17h hôm nay 17-9, bão số 5 đang ở ngay phía nam quần đảo Trường Sa, sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12.
"Bản tin cập nhật mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia có lưu ý so với thông tin dự báo trước đây. Theo đó chiều nay, trung tâm đã điều chỉnh cường độ cơn bão giảm hơn.
Do bão ở vùng biển ngoài khơi nên số liệu ít hơn, khi vào gần bờ chúng tôi có tính toán các mô hình nên điều chỉnh bão mạnh giảm hơn dự báo 1 cấp.
Theo đánh giá chung, bão có khả năng mạnh nhất cấp 11 vào sáng 18-9. Khi ảnh hưởng đến bờ cơn bão tiếp tục còn suy yếu, khi đổ bộ, cường độ cấp 9-10, giật cấp 12.
Bão đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc từ 20-25km/h. Trưa và đầu giờ chiều mai 18-9 bão sẽ đi vào đất liền. Trọng tâm bão đổ bộ vào các tỉnh Quảng Bình - Quảng Nam, thời gian mưa bão ảnh hưởng trực tiếp là cả ngày mai" - ông Năng nói
Do ảnh hưởng của bão, dự báo sẽ có mưa lớn từ 200-400mm tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Gió mạnh trên đất liền, nhìn chung có gió cấp 6-7, bão đi qua cấp 9-10, xu hướng gió mạnh mở rộng về phía Bắc nhiều hơn nên khi bão đổ bộ thì các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cần lưu ý gió mạnh. Trên biển vùng gần tâm bão mạnh gió mạnh cấp 11, trên vịnh Bắc Bộ có gió cấp 6, cấp 7, nam vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 8.
Ông Năng khuyến cáo người dân cần tuân thủ các chỉ đạo của chính quyền địa phương. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ và cập nhật liên tục của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia về diễn biến của bão để ứng phó kịp thời.
Ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết dự báo khu vực bão đổ hiện nay chưa có thay đổi so với nhận định ban đầu.
"Hiện nay các dự báo quốc tế Trung Quốc, Hong Kong và các mô hình khách quan có độ phân tán tương đối lớn. Có thể nói diễn biến cơn bão Noul tương đối khó.
Trong đêm qua, bão đi theo hướng Tây nhiều, từ sáng đến chiều nay bão lệch về hướng Bắc nhiều hơn, nên xét về quỹ đạo trung bình thì vẫn là Tây Tây Bắc. Khu vực đổ bộ vẫn trọng tâm Quảng Bình - Quảng Nam, thời gian đổ bộ vào trưa và đầu giờ chiều" - ông Lâm nói.
Ông Vũ Anh Tuấn, trưởng phòng cảnh báo rủi ro thiên tai, cho biết do ảnh hưởng của bão, ven biển cần đề phòng thiệt hại do nước dâng, sóng lớn.
"Khu vực hiện tại đang nằm trong vùng ảnh hưởng Quảng Bình - Đà Nẵng lịch sử đã từng ghi nhận hai cơn bão năm 2006, 2009, nước biển dâng hơn 1m, gây ngập lụt diện rộng, đặc biệt ở Thừa Thiên Huế.
Với cơn bão Noul, tuy không mạnh bằng nhưng phải đặc biệt lưu ý vì đây là khu vực trũng, ngập sông và không có hệ thống đê biển, hơn nữa bão đổ bộ trưa và chiều mai, cộng hưởng thủy triều sẽ làm cho nước biển dâng cao và sóng lớn, nguy cơ gây ngập lụt trên diện rộng" - ông Tuấn cảnh báo.