Bất động sản Hà Nội - 'thỏi nam châm’ hút các nhà đầu tư phía Nam

28/10/2020 09:46

23-10-kdt-the-manor-1603439427-9362-1603

Nhiều dự án đình đám tại Hà Nội do các chủ đầu tư phía Nam phát triển (Ảnh: Internet)

Không chỉ bây giờ mà cách đây nhiều năm, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội nói riêng đã đón nhận một số nhà phát triển BĐS phía Nam “cập bến” với các dự án đình đám. Đến nay, xu hướng này đang gia tăng với một loạt dự án mang tầm thương hiệu, cho thấy thị trường phía Bắc đang là "mảnh đất màu mỡ" cho nhiều chủ đầu tư.

Phía Nam đổ bộ

Cách đây hàng chục năm, thị trường BĐS Hà Nội đón nhận tên tuổi của Bitexco với dự án The Manor tại Mễ Trì. Sau đó, chủ đầu tư này tiếp tục mở rộng đầu tư sang dự án The Manor Central Park tại quận Thanh Xuân.

Hay như CTCP Địa ốc Phú Long (thành viên của Tập đoàn Sovico), đánh dấu bước đi mới khi mua lại 50% phần góp vốn của Posco E&C tại dự án Spendora, Bắc An Khánh.

Tập đoàn Trung Thủy cũng đổ bộ thị trường Hà Nội với loạt dự án mang thương hiệu Lancaster ở khu vực hồ Giảng Võ (Ba Đình) và đường Láng (Đống Đa). Gần đây nhất, thương hiệu Masterise cũng "Hà Nội tiến" với loạt dự án ở Long Biên, Gia Lâm. Tập đoàn Him Lam vừa bổ sung thêm dự án ở Hà Nội với Him Lam Vạn Phúc (Hà Đông) và Him Lam Bắc Ninh…

Ngoài ra, một số nhà phát triển BĐS công nghiệp phía Nam đã tiến ra phía Bắc với sự thành công của nhiều khu công nghiệp đình đám, thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Mới đây, trong báo cáo thị trường BĐS quý III/2020, kênh thông tin Batdongsan.com.vn cho hay, Hà Nội đang duy trì mức độ quan tâm cao hơn TP.HCM ở loại hình BĐS nhà ở gắn liền với đất. Hơn nữa, thị trường chung cư ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đợt 2 và tháng Ngâu.

Tại các tỉnh phía Bắc, mức độ quan tâm đất thổ cư tăng 10%, đất nền dự án 15%, trong đó Vĩnh Phúc là tỉnh được quan tâm nhiều nhất, lên đến 15%; tiếp theo là Quảng Ninh 9% và Hải Phòng 1%.

Các khu có mức độ quan tâm tăng nổi bật trong quý III là huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) tăng 52% theo quý và 2% theo năm; huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) tăng 30% theo quý và 87% theo năm; huyện Hoài Đức (Hà Nội) tăng 9% theo quý và giảm 4% theo năm; huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) tăng 111% theo quý và tăng 66% theo năm; quận Dương Kinh (Hải Phòng) tăng 25% theo quý và 19% theo năm; huyện Kim Bôi (Hoà Bình) tăng 12% theo quý và 61% theo năm.

Thấu hiểu thị trường Hà Nội

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội lý giải, việc các chủ đầu tư miền Nam tiến ra phía Bắc do có nhiều yếu tố hấp dẫn.

Thứ nhất là  yếu tố pháp lý minh bạch khiến các nhà đầu tư yên tâm. Thứ hai, các nhà đầu tư TP.HCM và nước ngoài mong muốn mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, sẽ tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư Hà Nội. Thứ ba, bản thân các chủ đầu tư có đủ khả năng và năng lực để kết hợp với các nhà đầu tư tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền mà vẫn có thể đáp ứng được kỳ vọng của chủ đầu tư.

Cùng góc nhìn, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội chia sẻ, việc các chủ đầu tư phía Nam tiến ra Hà Nội sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng sản phẩm cho các dự án tại đây. Nguyên nhân là tại Hà Nội, các dự án được đầu tư bởi các chủ đầu tư xuất phát từ Hà Nội, chất lượng thị trường chung cư thường có phần thấp hơn so với TP.HCM. Trong khi nguồn đất tại TP.HCM đang ngày càng khan hiếm, đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội để tìm kiếm những cơ hội mới.

Giám đốc kinh doanh của một tập đoàn BĐS phân tích, việc các nhà phát triển BĐS ở phía Nam tìm đường ra phía Bắc là do tốc độ đô thị hóa tại các tỉnh phía Bắc, nhất là xung quanh Hà Nội khá lớn. Tại các tỉnh này đều có sự thu hút vốn FDI lớn trong giai đoạn thế giới đang dịch chuyển chuỗi cung ứng và nguồn vốn từ các quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do đã và đang được thực hiện.

Các tập đoàn phía Nam không chỉ phát triển BĐS công nghiệp, hậu cần, mà còn phát triển BĐS nhà ở, vì đây là “miếng bánh” béo bở cho bất cứ “ông lớn” nào tham gia vào.

Ông Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhìn nhận, giữa thách thức và cơ hội của các doanh nghiệp địa ốc phía Nam khi "Bắc tiến", cơ hội là nhiều hơn. Giá BĐS phía Bắc thấp hơn khu vực phía Nam và còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt là tại các thị trường tỉnh. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần hiểu khách hàng và thị trường, vì thị trường miền Bắc khác miền Nam, từ đó đưa ra chiến lược phát triển các sản phẩm phù hợp.

Để thành công tại thị trường phía Bắc, các nhà đầu tư cần đưa ra các cấu trúc giao dịch linh hoạt, đẩy mạnh ưu thế về tính sáng tạo trong phát triển dự án để khuyến khích cơ hội hợp tác với các chủ đầu tư tại Hà Nội. 

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư từ TP.HCM phải cân nhắc tâm lý khách hàng, vì họ có thể chưa hiểu tường tận về nhu cầu và thị trường BĐS Hà Nội, cụ thể là về giá. Do đó, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong phát triển BĐS nhà ở, nhưng thấu hiểu thị trường Hà Nội để đạt được thành công là một thử thách với các chủ đầu tư.

Minh Trang

Bạn đang đọc bài viết "Bất động sản Hà Nội - 'thỏi nam châm’ hút các nhà đầu tư phía Nam" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.