Bất động sản nghỉ dưỡng bao giờ 'tan băng'?

Admin

13/11/2020 06:02

IMG-2260-9991-1604483146.jpg

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam với Thời báo Kinh Doanh mới đây.

Nhiều người đang nói đến sự hồi phục của thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng, vậy theo ông loại hình này có diễn biến như thế nào? 

Chúng ta đều ghi nhận dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế, trên thị trường BĐS, phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng.

Ghi nhận trên toàn thị trường khi phải đối mặt với các hoạt động chống dịch, cả nước thực hiện giãn cách xã hội phải ngừng hoạt động phát triển kinh tế khiến cả nền kinh tế suy giảm và làm cho lực cầu của thị trường BĐS, trước đó đang rất mạnh nhưng sang năm 2020 bị ảnh hưởng và giảm đáng kể. Đơn cử như lượng giao dịch hàng hoá trên thị trường sụt giảm, lượng cung ra thị trường chỉ đạt xấp xỉ 50% so với các năm trước đó. Lượng giao dịch quý I/2020 chỉ còn trên 10%, quý II nhích lên 20%, quý III có sự cải thiện, nhưng con số vẫn nhỏ so với trước đó.

Như tôi đã nói, BĐS du lịch nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong giai đoạn chống dịch gần như không có khách du lịch, bởi khách hàng chính là nguồn thu chủ yếu của du lịch nghỉ dưỡng.

Một vấn đề tác động nữa là vấn đề pháp lý cho các dòng sản phẩm thuộc phân khúc này. Bên cạnh đó, chất lượng du lịch chưa được cải thiện, nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng chưa tận dụng, phát huy được hết lợi thế tiềm năng phát triển kinh tế du lịch ở nhiều địa phương trên cả nước dẫn đến khách du lịch lưu trú còn ngắn ngày, chi tiêu cũng ít, đây là một trong những vấn đề cơ bản của ngành kinh tế du lịch của BĐS nghỉ dưỡng.

Bởi vậy, ngành du lịch cùng các chủ đầu tư dự án cần cải thiện trong thời gian tới mới có thể phát huy tối đa cơ hội của ngành kinh tế BĐS du lịch.

Như ông nói mức chi tiêu của khách du lịch cả quốc tế và nội địa còn thấp, theo ông có giải pháp nào kích thích gia tăng giá trị chi tiêu trên mỗi đầu khách?

Hiện tại, BĐS du lịch nghỉ dưỡng vẫn đơn thuần phát triển lưu trú theo kiểu ăn, nghỉ chứ ít có dịch vụ, công năng để khai thác tối đa nhu cầu ngày càng cao hơn, ngày càng chất lượng hơn của khách du lịch.

Ví dụ, thống kê của tỉnh Quảng Ninh mới đây, trong 6 triệu khách du lịch đến tỉnh này, đa phần đến từ các quốc gia đang phát triển, họ chỉ ở lại ngắn ngày, vì thế kích thích khách du lịch chi tiêu chưa đạt được mục tiêu.

Theo tôi, điều này là chưa tận dụng hết lợi thế của địa phương. Do đó, ngành du lịch và các chủ đầu tư cần phối hợp, xây dựng, tìm kiếm giải pháp tốt nhất giúp cho ngành du lịch đưa ra chính sách tốt hơn. Đặc biệt các khu lưu trú nghỉ dưỡng cần tăng cường chất lượng, đảm bảo đầy đủ và tận dụng mọi lợi thế của địa phương, của vùng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng lưu trú dài ngày.

4-11-Nghi-duong-5690-1604483147.jpg

Trước khó khăn của thị trường, ngành du lịch và các chủ đầu tư cần có chính sách khuyến khích khách nội địa (Ảnh: Int)

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải chú trọng khách du lịch nội địa, vì đây mới là những  khách chịu chi cho phân khúc nghỉ dưỡng 5 sao. Ông nghĩ sao về điều này?

Đúng vậy! Chúng ta có tập khách nội địa và quốc tế. Trên thực tế, khách nội địa chiếm tỷ trọng lớn khoảng 2/3 trong tổng số khách, vẫn là chủ đạo cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Nhưng ở một mặt khác, khách quốc tế kéo theo chất lượng về giá trị, nguồn thu lớn. Nhưng về bản chất không phải khách nào cũng chi tiêu nhiều, trong đó có khách Trung Quốc chi tiêu ít.

Do vậy, theo tôi các chính sách của các cơ quan cần quan tâm khách trong nước. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 mới thấy tầm quan trọng của khách nội địa. Đây là nguồn khách có khả năng kích thích nhà đầu tư đầu tư vào BĐS du lịch, tần suất sử dụng các khu nghỉ dưỡng lưu trú sẽ hoạt động trở lại, bù đắp ảnh hưởng thiệt hại của ngành du lịch.

Vừa qua một số chủ đầu tư phá vỡ cam kết ở một số dự án nghỉ dưỡng khiến thị trường tỏ ra e ngại phân khúc này. Ông có lời khuyên gì cho câu chuyện này?

Đầu tiên các chủ đầu tư phải xây dựng được phương án khai thác kinh doanh hiệu quả. Tức là chủ dự án trước khi mang sản phẩm ra bán phải đánh giá được tiềm năng của dự án như vị trí địa lý, pháp lý, khai thác lợi thế đó như thế nào, ai quản lý, kinh doanh và vận hành...

Khi xây dựng dự án chủ đầu tư phải tính đến đa dạng hoá đồng bộ các loại hình dịch vụ vì nhu cầu của khách ngày càng cao. Đưa kế hoạch mà không rõ được về hiệu quả thì không thể có niềm tin thu hút được khách hàng.

Điều nữa là về pháp lý và năng lực của chủ đầu tư phải được kiểm chứng, như dự án Cocobay là không được, đặt trong bối cảnh một số Tập đoàn lớn tại sao vẫn không bỏ cuộc, thậm chí đem lại lợi nhuận cho khách hàng.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Minh thực hiện

Bạn đang đọc bài viết "Bất động sản nghỉ dưỡng bao giờ 'tan băng'?" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN.