Nổi tiếng là điểm check-in hút giới trẻ, hẻm Hào Sĩ Phường (số 206 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, TP.HCM) khiến nhiều người bất ngờ khi treo biển cấm khách chụp ảnh, quay phim.
Tấm biển xuất hiện khoảng một tháng trước, sau khi các cư dân của con hẻm hơn trăm tuổi này họp bàn và thống nhất với nhau. Đại diện UBND phường 11 cho biết quy định cấm do khu phố tự đề ra vì nhiều vấn đề như cơ sở hạ tầng xuống cấp, đảm bảo an toàn trong mùa dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân tại con hẻm còn phản ánh bức xúc khi du khách, đoàn làm phim thường xuyên lui tới ghi hình gây ồn ào, mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của họ.
Hào Sĩ Phường không phải nơi duy nhất có quy định cấm du khách quay phim, chụp hình tại TP.HCM. Với phong cách độc đáo, lạ mắt, nhiều chung cư, con hẻm ở Sài Gòn trở thành những điểm check-in nổi tiếng với giới trẻ, khách du lịch.
Theo ghi nhận của Zing, thời gian gần đây, một số địa điểm nổi tiếng với giới trẻ cũng treo biển cấm chụp ảnh, trong khi số khác có quy định nghiêm ngặt để giải quyết vấn đề khách thiếu ý thức.
Cư dân ở Hào Sĩ Phường cấm khách chụp ảnh, quay phim từ tầng 2.
Chung cư Tôn Thất Đạm (số 14 Tôn Thất Đạm, quận 1) là chung cư cổ nổi tiếng TP.HCM. Lối kiến trúc đẹp cùng loạt cửa hàng thời trang, quán cà phê đậm chất vintage là điểm thu hút người trẻ, tín đồ du lịch tới check-in.10 người đến, vứt lại 10 ly nhựa
Tuy nhiên, nhiều người lạ tìm đến chụp ảnh không có ý thức giữ trật tự, vệ sinh gây nên nhiều bức xúc đối với dân cư nơi đây.
Bà Nguyễn Thu Hà (63 tuổi) - Tổ trưởng tổ dân phố kiêm Trưởng Ban quản trị chung cư Tôn Thất Đạm - nói với Zing cách đây nhiều năm, khi chung cư mới gây chú ý thông qua các bài đăng trên hội mê nhiếp ảnh, cư dân khá thoải mái khi có người tìm đến tham quan, check-in.
"Nhưng số khách ngày càng đông, nhiều bạn ý thức rất tệ, thường xuyên gây ồn ào, mang theo đồ ăn uống rồi xả rác bừa bãi mặc người dân phải dọn, gây nên bức xúc trong cộng đồng dân cư. Vì thế, thấy những nhóm như vậy tới, tôi buộc phải mời họ đi, không cho chụp".
Chung cư Tôn Thất Đạm là điểm check-in nổi tiếng TP.HCM
"Một nhóm 10 người đến, cầm theo 10 ly nước, lúc ra về bỏ lại cả 10 ly nhựa dọc hành lang, không cần biết ai sẽ dọn. Có lần, một nhóm mang theo đồ ăn, đi đến vứt rác ngay cửa shop khiến mình phải chạy ra nhắc nhở. Ngày xưa mỗi tuần chỉ cần quét dọn hành lang một lần, nhưng bây giờ ngày nào cũng phải dọn vì các bạn vứt rác nhiều", chị kể.Một cư dân, đồng thời là chủ cửa hàng trên tầng 2 của chung cư, không giấu được sự bức xúc khi kể về những hành động vô ý thức của các nhóm thanh niên tới đây chụp ảnh.
Chủ cửa hàng này từng chứng kiến các bạn trang điểm chụp hình, dùng khăn giấy lau son xong vứt ngay xuống hành lang. Có lần, quần áo người dân phơi ngoài ban công đang ướt bị nhóm bạn dồn ngang để lấy background chụp hình nhưng sau đó không dàn ra lại.
Khi được tổ trưởng hay người dân nhắc nhở về việc giữ trật tự và vệ sinh, bên cạnh một số người tuân theo, còn có những bạn tỏ thái độ cự cãi.
Bà Hà nói thêm khi có nhiều người lạ đến chung cư, an ninh trở thành vấn đề được quan tâm. "Người dân ở đây rất đề cao cảnh giác, thấy người đáng nghi sẽ hỏi hoặc báo cáo ngay. Có nhà phải lắp đến 3 camera ở hành lang".
Ban quản lý chung cư thu phí người đến chụp hình để chi trả cho việc thuê người dọn dẹp.
Bà Hà cho biết, mỗi nhóm đến đây, dù vài người hay hơn chục người, ban quản lý cũng chỉ thu một mức phí là 50.000 đồng.Từ năm 2016, để giải quyết vấn đề này, ban quản trị chung cư đã họp bàn với người dân để xin ý kiến. Cuối cùng, cư dân thống nhất sẽ thu một khoản phí của người đến chụp ảnh.
"Chung cư chỉ thu khoản phí tượng trưng, không phải mục đích kinh doanh nên không đặt ra yêu cầu về thời gian. Nhiều nhóm đến chụp từ sáng tới tối. Có người chụp, đi ăn trưa rồi quay lại xin chụp tiếp chúng tôi cũng đồng ý".
Quy định này nhận được sự đồng thuận của người dân. Tiền thu được sẽ trở thành quỹ để thuê người quét dọn mỗi ngày, trả tiền điện thắp sáng chung cư, thăm nom người ốm đau, đóng các khoản quyên góp xã hội...
"Như vậy, suốt mấy năm gần đây, người dân chung cư không phải đóng những khoản phí trên. Khi nơi này được biết đến nhiều hơn, khách đến đông, mọi người cũng suy nghĩ cởi mở hơn. Các cửa hàng kinh doanh tại đây cũng có thêm một lượng khách đáng kể".
"Ở đây cấm chụp ảnh"
Giữa những tòa nhà hiện đại khắp thành phố, chung cư Lý Tự Trọng (26 Lý Tự Trọng, quận 1) thu hút bởi nét đẹp từ lối kiến trúc cũ của Pháp. Chung cư có 4 tầng đang kinh doanh, tập trung các quán cà phê, nhà hàng, bar, pub, các shop thời trang nổi tiếng và phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật.
Là điểm vui chơi quen thuộc của giới trẻ Sài thành song ban quản lý chung cư Lý Tự Trọng cũng phải đưa ra quy định cấm chụp hình vì sự an toàn, riêng tư của người dân.
Dòng chữ "No camera" cùng tấm biển quy định cấm chụp ảnh và quay phim được đặt ở cầu thang dẫn lên tầng 2.
"Tuyệt đối khách vào chung cư không được chụp hình và quay phim", một tấm bảng ghi rõ.Ngay trước thang máy cổ và dọc theo cầu thang từ tầng trệt lên tầng 2 của chung cư, có khoảng 3 tấm biển với nội dung "No camera" - yêu cầu khách đến đây không được chụp ảnh.
Theo lời kể của một người ở khu chung cư Lý Tự Trọng, quy định này đã có từ cách đây khoảng 6-7 năm. Nguyên nhân là có quá nhiều người tới đây chụp ảnh, làm ổn gây ảnh hưởng tới công việc cũng như cuộc sống của người dân ở đây.
Khi có khách giơ điện thoại, máy ảnh để chụp ở khu vực tầng trệt hoặc cầu thang dẫn lên tầng 2 sẽ bị người dân nhắc nhở: "Ở đây cấm chụp ảnh".
Chung cư Lý Tự Trọng có 4 tầng, vừa hoạt động kinh doanh, vừa có người dân sinh sống.
Nếu khu vực có cửa hàng ồn ào vì người mua sắm, thì các cầu thang, cửa dân lại ồn ào vì nhóm nhiếp ảnh."Trước kia, khi chung cư mới nổi tiếng, có người đến chơi, người dân ở đây rất chào đón. Nhưng càng ngày, các bạn càng vô ý thức, cười đùa lớn tiếng, chạy xô nhau ở cầu thang. Nhiều gia đình có người lớn tuổi, trẻ nhỏ không thể nghỉ ngơi trong ngày. Dần dần, nhiều nhà cho thuê mặt bằng kinh doanh, lượng người ghé càng đông, thì sự riêng tư của chúng tôi càng bị xâm phạm", một người sống ở chung cư Lý Tự Trọng kể.
"Có lần, một nhóm bạn đứng ở cửa nhà tôi chụp hình, quá ồn ào nên tôi nhắc nhở. Lập tức, một bạn nữ trong nhóm nói to: 'Cho mấy trăm ngàn là xong'. Tôi nhớ mãi và rất tổn thương vì câu nói đó. Sau này, khi họp bàn với cư dân, tôi rất ủng hộ việc cấm ghi hình", người này nói thêm.