Bị yêu cầu kiểm điểm, lãnh đạo Tổng cục dự trữ Nhà nước nói chủ yếu cấp Cục phải chịu trách nhiệm

Admin

11/05/2020 16:00

Ngày 7/5, Bộ Tài chính công bố thông tin về kết quả kiểm tra tổ chức và thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 tại Tổng cục dự trữ Nhà nước và 22 Cục dự trữ Nhà nước khu vực.

Tiêu dùng & Dư luận - Bị yêu cầu kiểm điểm, lãnh đạo Tổng cục dự trữ Nhà nước nói chủ yếu cấp Cục phải chịu trách nhiệm

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Tổng cục dự trữ Nhà nước đã thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức đấu thầu mua 190.000 tấn gạo. Kết quả có 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia đợt 1 với số lượng 178.000 tấn. Tuy nhiên đến thời hạn, chỉ có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng và cung cấp đủ số lượng gạo trúng thầu là 5.900 tấn. Bên cạnh đó, có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng song chỉ cung cấp một phần số lượng gạo đã trúng thầu là 1.800 tấn.

Còn lại, 24 doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng với số gạo trúng thầu là 170.300 tấn. Theo quy định của Luật Đấu thầu, các nhà thầu từ chối ký hợp đồng đã phải nộp vào ngân sách Nhà nước toàn bộ số tiền đảm bảo dự thầu là 27,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc kiểm tra tại các điểm kho dự trữ cho thấy có 7/22 Cục dự trữ Nhà nước đã để các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho dự trữ của Nhà nước không đúng với quy định, bao gồm Cục dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các vụ chức năng của Tổng cục trong việc thiếu kiểm tra giám sát để xảy ra các sai phạm trên.

Bộ Tài chính cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ sai phạm đối với các cục trưởng, chi cục trưởng dự trữ Nhà nước cho gửi hàng vào kho trái quy định cũng như kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân của các đơn vị có liên quan đến những sai phạm trên.

Ngày 8/5, trả lời báo Tiền Phong về trách nhiệm của người đứng đầu, Tổng cục trưởng Tổng cục dự trữ Nhà nước Nguyễn Việt Đức cho hay: “Bộ Tài chính yêu cầu thì chúng tôi sẽ báo cáo. Ở đây, chúng tôi có phần chậm hướng dẫn các cục dự trữ Nhà nước khu vực. Lỗi ở đâu chúng tôi nhận đến đó. Còn chủ yếu cấp cục phải chịu trách nhiệm bởi họ là chủ đầu tư, tổ chức đấu thầu, tổng cục chỉ ra văn bản hướng dẫn đấu thầu, cũng như quản lý tài sản. Việc các cục cho các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho trái với quy định của Luật Dự trữ Nhà nước”.

Bình luận về việc từ trước tới nay Tổng cục dự trữ Nhà nước có phát hiện ra trường hợp tương tự không, ông Đức cho biết cơ bản không có.

Theo ông Đức, việc đấu thầu gạo còn thiếu dự kiến sẽ mở thầu lại vào 12/5 tới đây.

Bình luận về việc tại sao Tổng cục dự trữ Nhà nước không tổ chức đấu thầu mua gạo ngay từ đầu năm khi có kế hoạch của Thủ tướng và Bộ Tài chính, ông Đức cho biết, kế hoạch của Thủ tướng đầu năm mới có, và việc đấu thầu phụ thuộc vào vụ thu hoạch lúa gạo, thường vào tháng 2-3, chủ yếu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

H.Mai (tổng hợp)