Biển Đề Gi vắng vẻ trong tình hình dịch bệnh Covid-19 |
Hiện có khoảng bốn hồ nuôi tôm trên cát đang hoạt động tại bãi tắm Đề Gi. Thường ngày nơi đây là Khu du lịch phục vụ ăn uống, tắm biển của người dân địa phương và du khách gần xa.
Khách đến Đề Gi không chỉ thưởng thức những món ăn hải sản mang phong vị đặc trưng của biển Đề Gi, mà còn thưởng thức hương vị đậm đà của nước mắm Đề Gi và không quên mua nước mắm Đề Gi làm quà biếu, tặng mỗi khi có dịp ghé vùng đất Bình Định.
Hồ nuôi tôm trên cát mọc tự phát gần bãi biển Đề Gi |
Các hố cát sâu đặt ống nhựa từ hồ nuôi tôm ra biển |
Thế nhưng, không hiểu tự lúc nào, nơi bãi tắm tuyệt đẹp này lại mọc lên nhiều hồ nuôi tôm trên cát của các hộ dân sinh sống gần biển. Điều đáng nói là hồ nuôi tôm được chủ hộ đầu tư xây cất bài bản, nhưng lại không đảm bảo yếu tố môi trường, nhất là bảo vệ môi trường biển Đề Gi đang thu hút khách tham quan du lịch.
Chúng tôi về thăm bãi biển Đề Gi trong tình hình dịch bệnh Covid-19, nên bãi biển Đề Gi vắng bóng người dân địa phương cũng như du khách tham quan, không đông vui ồn ào như thời gian trước đây.
Chúng tôi đi dọc bãi biển Đề Gi và phát hiện nhiều hố cát sâu đào bới nham nhở. Trong đó có bốn hố cát đào rất sâu, trong lòng hố cát là một ống nhựa lớn được nối từ hồ nuôi tôm ra biển. Trong ống nhựa có nước xả thải từ hồ nuôi tôm chảy ra hố rồi chảy thẳng ra biển, có màu đen đục bốc mùi hôi thối.
Những ống nhựa này được lắp đặt bằng phương pháp thủ công đơn giản |
Những ống nhựa này được lắp đặt bằng phương pháp thủ công đơn giản, rất dễ nhìn thấy, nhưng không hiểu sao nó vẫn được nằm bình yên trên bãi biển mà không bị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xử lý. Hành động này là hủy hoại môi trường biển mà biển là nơi cần phải được bảo vệ, giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển.
Trong ống nhựa có nước xả thải từ hồ nuôi tôm chảy ra hố rồi chảy thẳng ra biển, có màu đen đục bốc mùi hôi thối |
Ống nhựa từ hồ nuôi tôm xả thải trực hiếp ra biển Đề Gi |
Làm việc với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Trung Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh cho biết: Các hộ nuôi tôm ở khu vực bãi tắm Đề Gi đều tự phát. Họ có đơn xin làm hồ nuôi tôm, nhưng chính quyền địa phương không đồng ý do khu vực này nằm trong dự án Đường ven biển (ĐT.639) đoạn Cát Tiến – Đề Gi và không đảm bảo môi trường, nên chính quyền xã không tạo bất cứ điều kiện gì về điện để hoạt động. Chúng tôi không biết họ lấy nguồn điện ở đâu ra để hoạt động hồ nuôi tôm. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại sự việc này.
Biển Đề Gi đang là điểm tham quan thú vị của du khách gần xa khi đến Bình Định. Nếu chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không kịp thời xử lý những hồ nuôi tôm tự phát đang hủy diệt môi trường biển, thì biển Đề Gi sẽ trở thành mối hiểm họa ô nhiễm môi trường biển chỉ còn là vấn đề thời gian.
Biển Đề Gi là điểm tham quan thú vị của du khách gần xa khi đến Bình Định nhưng nay đang bị rác bao vây |
Theo báo TN-MT