Tháng 6 vừa qua, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật châu Âu (ECDC) đã công bố một sách hướng dẫn các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) về việc sử dụng các ứng dụng di động (ƯDDĐ) để hỗ trợ việc truy vết Covid-19. ECDC lưu ý: Việc truy vết tiếp xúc có ý nghĩa đặc biệt khi các biện pháp ngăn chặn, giãn cách xã hội được dỡ bỏ.
Nhiều nước dùng ứng dụng di động truy vết tiếp xúc
Để đối phó với dịch Covid-19, ngày càng có thêm nhiều nước ứng dụng các giải pháp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT)... để tăng hiệu quả cho cuộc chiến phòng chống dịch. Theo trang thông tin công nghệ Quartz, tính đến tháng 4, đã có ít nhất 29 nước sử dụng ƯDDĐ để truy vết các mối tiếp xúc nhằm hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2.
Các ƯDDĐ giúp theo dõi và cảnh báo nhiều mối tiếp xúc hơn vì chúng không phụ thuộc vào trí nhớ của những người bị nhiễm virus. Các ứng dụng cũng có thể theo dõi các tiếp xúc không xác định với ca nhiễm và có thể thông báo cho các tiếp xúc nhanh chóng và tạo điều kiện cho việc truy vết tiếp xúc xuyên biên giới. Tuy vậy, các ứng dụng dành cho thiết bị di động chỉ là một giải pháp bổ sung, không thể thay thế được các nỗ lực truy vết tiếp xúc thông thường. Không phải ai cũng có điện thoại thông minh, đặc biệt là người cao tuổi và không phải ai cũng tải ứng dụng theo dõi. Việc sử dụng các ƯDDĐ phải là tự nguyện. ECDC nói rằng các cơ quan y tế công cộng nên tham gia tất cả giai đoạn lựa chọn, phát triển, thí điểm, triển khai và đánh giá các ứng dụng để bảo đảm các ứng dụng đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng theo cách tốt nhất, có cân nhắc kỹ lưỡng đến quyền riêng tư và bảo vệ an toàn dữ liệu.
Hàn Quốc được đánh giá là một trong những nước thành công nhất trong việc ứng dụng các công nghệ truy vết, đã sử dụng tính năng Timeline của dịch vụ bản đồ Google Maps để các công dân tự nguyện ghi lại các vị trí của mình, cũng như dựa theo dữ liệu từ thẻ tín dụng và các nhà mạng di động. Singapore là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng giải pháp truy vết bằng công nghệ kết nối không dây Bluetooth trên quy mô toàn quốc với ứng dụng theo dấu các mối liên hệ Trace Together được đưa ra ngày 20-3. Tới tháng 4 vừa qua, sau khi có khoảng 1,1 triệu người (tức gần 1/5 dân số) dùng ứng dụng này, đích thân Thủ tướng Lý Hiển Long trong bài phát biểu toàn quốc đã kêu gọi mọi người ở quốc đảo này hợp tác với chính phủ trong cuộc chiến phòng chống Covid-19 bằng cách cài đặt các ƯDDĐ truy vết. Để bổ sung cho ứng dụng Trace Together đang có, Singapore đã phát triển những ứng dụng truy vết mới. Kêu gọi người dân cài đặt các ƯDDĐ truy vết Covid-19, Thủ tướng Singapore nói thẳng là ông hiểu những quan ngại về quyền cá nhân nhưng phải cân nhắc lợi ích mà ứng dụng đem lại cho cộng đồng. Thủ tướng Singapore nhấn mạnh cần thiết sử dụng đầy đủ công nghệ thông tin để có thể truy vết hữu hiệu hơn, biết những ca nhiễm từng đi tới đâu và tiếp xúc với ai.
Quy trình hoạt động của ứng dụng Bluezone. Nguồn: BKAV
Công ty phát triển ứng dụng này có nhiều kinh nghiệm trong việc truy lùng virus máy tính và về ƯDDĐ cũng như thiết bị di động. Nhà chức trách về phòng chống Covid-19 của Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào 2 ƯDDĐ là NCOVI (khai báo y tế điện tử) và Bluezone. Nhưng có một nguyên tắc: các ứng dụng phòng dịch Covid-19 này chỉ có thể phát huy tối đa tác dụng nếu như càng có nhiều người cài đặt và sử dụng. Riêng với ứng dụng Bluezone, nhà phát triển nói rằng nó cần được 1/3 dân số (tức hơn 30 triệu người) sử dụng thì mới đem lại hiệu quả như mong muốn. Muốn vậy, nhà chức trách phải làm tốt 2 vấn đề: Thứ nhất, làm cho mọi người hiểu rõ và chính xác về ứng dụng; thứ hai, có phương thức truyền thông hợp lý. Gộp chung lại là việc truyền thông. Về vấn đề thứ nhất, nếu dạo một vòng trên các mạng xã hội (chủ yếu là Facebook), người ta có thể thu thập được những lý do vì sao vẫn có những người "dị ứng" với Bluezone. Nếu nhà chức trách có được những giải pháp "đả thông" vướng mắc này, việc triển khai Bluezone trở nên suôn sẻ hơn.
Thật ra nguyên nhân là do nhiều người hiểu chưa rõ hay hiểu sai về cách hoạt động của Bluezone. Bluezone không hề có khả năng để phát hiện ca nhiễm virus mà chỉ làm chức năng truy vết những người tiếp xúc gần với ca nhiễm, phát hiện từ những ca F1 trở đi.
Sẽ gỡ bỏ ứng dụng khi dập được dịch
Ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, cho biết kêu gọi người dân cài đặt Bluezone là nhằm hỗ trợ công tác kiểm soát dịch Covid-19. Khi dịch Covid-19 không còn thì ứng dụng này sẽ bị xóa bỏ hoặc có thể ứng dụng để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Cho đến thời điểm này, cơ quan quản lý đã sử dụng những dữ liệu thu thập để giám sát dịch tễ và cảnh báo tới người dùng. "Theo báo cáo mới nhất, chỉ trong ngày 10-8, hệ thống Bluezone đã cảnh báo tới hàng chục người F2 sau khi có tiếp xúc F1" - ông Đức thông tin. Ngoài ứng dụng Bluezone, người dân cũng cần cài đặt ứng dụng NCOVI để thực hiện khai báo y tế.
N.Dung