Tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo là một trong những tác phẩm hay nhất của văn chương Mỹ, một tác phẩm văn chương tuyệt hảo dòng chính đích thực.
Viết sách để trả nợ
Mario Puzo, tác giả Bố già, sinh tháng 10/1920 trong gia đình dân Italy gốc Napoli nhập cư sống tại New York. Thời đệ nhị thế chiến, Puzo đăng lính không quân nhưng thị lực kém, không phải ra trận, may cho ông và cho cả văn chương sau này.
Năm 1955, Puzo viết cuốn The Dark Arena (Đấu trường đen), rồi 9 năm sau, 1964, viết cuốn thứ hai, The Fortunate Pilgrim (ở Việt Nam dịch là Đất tiền đất bạc). Cả hai cuốn đều ở dạng bình thường, mang lại cho tác giả chưa tới 10 nghìn USD tổng cộng tiền tác quyền.
Năm 1965, khi 45 tuổi, Puzo ở vào tình cảnh không ai muốn: Ông bố của 5 đứa con, sống đời công chức nhàm chán của một biên tập viên nhà xuất bản, nợ đầm đìa chừng 20.000 USD với đủ các chủ nợ: Ngân hàng, đám ghi lô đề, xã hội đen...
Puzo quyết phải viết một cuốn sách để trả nợ. Ông để ra ba năm cắm cúi viết Bố già.
Bức ảnh chụp Mario Puzo được tìm trong kho lưu trữ mà tác giả để lại. |
Cốt truyện Bố già dựa trên việc người đứng đầu gia đình mafia Vito Corleone đã chọc giận gia đình đối địch vì từ chối hỗ trợ cho một tên buôn lậu ma tuý có tên là Virgil Sollozzo, biệt danh “Thằng Thổ”, kẻ đưa ra kế hoạch mở rộng công việc buôn bán ma tuý của các băng đảng mafia.
Sollozzo cần có sự cộng tác của Bố già Corleone bởi với các mối quan hệ và ảnh hưởng của mình, Bố già đã “bỏ túi” một số chính khách, kể cả các quan toà. Những mối quan hệ này sẽ có giá trị bảo kê cho kế hoạch của Sollozzo.
Nhưng Bố già từ chối, nói rằng “những người bạn” của mình trong giới công quyền sẽ lập tức cắt đứt quan hệ nếu như biết rằng Bố già điều hành những hoạt động liên quan đến ma tuý, được coi là những “phi vụ bẩn thỉu”...
Từ chối đề nghị của “Thằng Thổ”, Bố già Vito Corleone bị bắn (may mà không chết). Những thành viên trong gia đình Bố già tiến hành các hành động đáp trả để trả đũa hành vi ám sát người đứng đầu gia đình mình.
Thực chất, đây là câu chuyện về báo thù trong thế giới mafia.
Nó còn là câu chuyện về sự tha hóa của một con người. Michael Corleone, con trai Bố già, từ một chàng trai thiện lành dần trở thành người đại diện cho những thế lực mafia mới, hành động máu lạnh, xuống tay bạo liệt, trả thù tàn khốc...
Bố già ra đời năm 1969, và thành công phi thường. Sau 3 năm, tiểu thuyết bán được 85 triệu bản in và 67 tuần liền đứng đầu danh sách best seller, điều đương nhiên sẽ khiến nó được chuyển thành Bố già điện ảnh.
Diễn xuất tuyệt hảo của các diễn viên Marlon Brando, Al Pacino dưới bàn tay đạo diễn Francis Coppola đã mang lại doanh thu 134 triệu USD, nhận được cả giải Oscar lẫn Quả cầu vàng.
Từ một cuốn tiểu thuyết bất hủ trở thành một kiệt tác điện ảnh, Bố già nằm trong số ít tác phẩm đi ngược lại cái quy luật đáng buồn là một cuốn tiểu thuyết hay thường biến thành một bộ phim dở.
Không cần nhờ đến mấy tập phim của Hollywood, bản thân Bố già tiểu thuyết tự thân nó đã trở thành một tác phẩm bất hủ, luôn tự tin nằm trong danh sách những cuốn tiểu thuyết hay nhất của mọi thời đại.
Hai bản dịch Bố già xuất bản trước năm 1975 ở Việt Nam. Ảnh: Yên Ba. |
Bố già ở Việt Nam
Sau khi tiểu thuyết Bố già thành công vang dội ở Mỹ và nhiều nước khác, năm 1970 nó được dịch đăng nhiều kỳ trên báo ở miền Nam Việt Nam qua bản tiếng Pháp, nhưng có lẽ dịch giả không bắt được hồn cốt của Puzo nên nửa chừng phải dừng đăng.
Chỉ đến khi những người xuất bản tìm được Ngọc Thứ Lang (tên thật là Nguyễn Ngọc Tú), một dịch giả tài hoa, thì bản dịch Bố già ra đời năm 1972 mới thực sự chiếm trọn vẹn được tình cảm của người đọc miền Nam lúc đó.
Có hai bản dịch của cơ sở xuất bản Thứ Tư năm 1973, tiếp đó là một bản của cơ sở Trí Dũng tái bản lần thứ ba phát hành tháng 11/1974 được nhiều người biết đến.
Thời điểm ra hai bản dịch này là khi bộ phim cùng tên với vai diễn của Marlon Brando đã quá nổi rồi nên các nhà làm hai cuốn này (và rất nhiều cuốn sau này nữa) đều đẩy luôn hình Marlon Brando lên bìa, chưa kể còn đưa kèm vào sách một số hình ảnh trong bộ phim cùng tên. Kể từ đó, hình của Marlon Brando luôn được đồng nghĩa với Bố già!
Sau 1975, một thời gian dài Bố già không được in. Mãi tới năm 1988 mới có bản dịch Bố già đầu tiên. Những người làm sách khi ấy quyết định không sử dụng lại bản dịch trước năm 1975 mà dịch Bố già qua bản tiếng Nga đăng trên tạp chí Ngọn cờ năm 1987.
Bản dịch này được cấp phép ở Nhà xuất bản Quảng Ninh và Hội văn học Quảng Nam Đà Nẵng kết hợp. Dịch giả Đoàn Tử Huyến khi dịch cuốn này đã mời Trịnh Huy Ninh, một thuyền trưởng hải quân từng đi học ở Liên Xô về có giọng văn khá phóng khoáng trong những cuốn sách trinh thám trước đó, dịch chung để mang lại cho bản dịch 1988 chất giọng không thể thiếu của cuốn tiểu thuyết này.
Kể từ đó, đã có nhiều người tiếp tục dịch Bố già, như Giang Hà (dịch tên sách là Cha Thánh, NXB Văn hóa thông tin 2003), Đặng Phi Bằng (NXB Mũi Cà Mau 2003, NXB Phương Đông 2009...), rồi Đông A liên tục ra lại các bản dịch của Ngọc Thứ Lang, cuốn sau đẹp hơn cuốn trước.
Lần một sử dụng là khi Bố già cam kết với ông con nuôi Johnny Fontane sẽ lo cho anh này vai diễn; hai lần sau là khi từ New York bay xuống Las Vegas đàm phán với một trùm mafia ở đây là Moe Greene về việc chuyển vùng hoạt động, Michael nói với anh trai Fred và khi quay về thông báo trong cuộc họp gia đình.Đa số đều cho rằng bản dịch Ngọc Thứ Lang là một bản dịch trác tuyệt, nhưng ngọc nào cũng có vết. Bố già nổi tiếng với những câu thoại của các nhân vật, chẳng hạn như câu: “Tôi sẽ đưa ra một đề nghị mà hắn không thể từ chối!”, được Puzo cố tình đưa vào sách tới ba lần.
Hai lần sau Ngọc Thứ Lang dịch đúng tinh thần mafia của ông con, nhưng lần đầu dịch lời ông bố là: “Nó là người làm ăn sinh lợi thì tao sẽ đưa lợi ra chứ có gì lạ!”.
Hay câu ông bố Corleone khi “rửa tay gác kiếm” khuyên nhủ ông con Michael, trong nguyên bản đầy chất Bố già: “Báo thù là món ăn ngon nhất khi để nguội!”, Ngọc Thứ Lang dịch: “Nếu cần phải trả thù thì càng để lâu càng tốt”.