Bộ Tài chính: Cá nhân nợ thuế từ 50 triệu đồng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh

Admin

23/12/2024 06:30

Theo dự thảo Nghị định mới đang được Bộ Tài chính xây dựng, sẽ tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, hộ kinh doanh có nợ thuế trên 50 triệu đồng, tăng gấp 5 lần so với mức đề xuất trước đó.

Sáng 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua.

Các luật được công bố gồm: Luật Di sản văn hoá; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công chứng; Luật Công đoàn, Luật Phòng chống mua bán người; Luật PCCC và CNCH; Luật Dữ liệu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (1 luật sửa 9 luật).

Đối với dự án "1 luật sửa 9 luật", ông Lê Tấn Cận - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc sửa Luật nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách Nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin cho.

Bộ Tài chính: Cá nhân nợ thuế từ 50 triệu đồng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh- Ảnh 1.

Ông Lê Tấn Cận - Thứ trưởng Bộ Tài chính tại họp báo.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật đã sửa đổi, bổ sung 14 điều. Ông Cận cho biết, Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật.

Trong đó, có các quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế; nguyên tắc quản lý thuế, mức tiền phải trả lãi, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp.

Tại buổi họp báo, báo chí đặt câu hỏi về việc luật sửa đổi Luật Quản lý thuế giao Chính phủ quy định về số tiền thuế nợ và thời gian nợ thuế bị áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh.

Bộ Tài chính: Cá nhân nợ thuế từ 50 triệu đồng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh- Ảnh 2.

Ông Hoàng Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) trả lời tại họp báo.

Trả lời nội dung này, ông Hoàng Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho hay, theo luật hiện hành trước khi có luật mới quy định thời gian quá hạn 90 ngày đối với cá nhân, hộ kinh doanh có nợ thuế nhưng phải qua các bước cơ quan thuế cưỡng chế để đi đến bước hoãn xuất cảnh.

Cụ thể là có văn bản đôn đốc nộp thuế, cùng với đó áp dụng các biện pháp như trừ tiền trong tài khoản.

"Trước khi thực hiện cưỡng chế cơ quan chức năng sẽ có thông báo cho các hộ, cá nhân rồi mới cưỡng chế, cấm xuất cảnh", ông Sơn nói.

Căn cứ tình hình thực tế, theo ông Sơn, Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội thông qua ở luật mới là giao nội dung này cho Chính phủ hướng dẫn.

Theo dự thảo Nghị định đang được Bộ Tài chính xây dựng, chuẩn bị trình lên Chính phủ, cơ quan này đề xuất ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, hộ kinh doanh có nợ thuế trên 50 triệu đồng và nâng từ 90 lên 120 ngày để phù hợp với thực tế.

Từ 2025, cấm xuất cảnh với cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồngBình Định: Giám đốc Bamboo Airways chính thức được hủy bỏ việc hoãn xuất cảnh

Về đánh giá tác động, ông Sơn cho biết, thống kê số hộ kinh doanh, cá nhân nợ thuế trên 50 triệu đồng đang có khoảng 81.000 trường hợp.

"Chúng tôi thấy với mức đang dự kiến trình Chính phủ thì với số lượng và theo kinh nghiệm quốc tế được khảo sát thì mức 50 triệu đồng là phù hợp. Số lượng tác động và để cưỡng chế, cấm xuất cảnh thì nâng từ 90 lên 120 ngày.

Đồng thời, trong 120 ngày đó vẫn phải qua các bước như luật quy định thì mới tiến hành cưỡng chế", ông Sơn nêu rõ.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định, là một trong những biện pháp rất hữu hiệu trong quản lý thuế để đảm bảo người dân, hộ cá nhân thực hiện đúng quyền của mình liên quan đến thuế và đảm bảo nộp thuế cho Nhà nước.

Trước đó, tại dự thảo hồi đầu tháng 12/2024, Bộ Tài chính đề xuất cá nhân nợ thuế 120 ngày từ 10 triệu đồng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh; doanh nghiệp nợ 120 ngày từ 100 triệu đồng thì người đại diện pháp luật của doanh nghiệp sẽ bị áp dụng biện pháp này. Như vậy, mức đề xuất mới Bộ Tài chính đưa ra lần này đã tăng gấp 5 lần so với trước đó.