Bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng nhờ “đổ rác” cho Samsung

Admin

25/11/2020 08:30

Một doanh nghiệp ở Bắc Ninh kiếm bộn tiền nhờ xử lý chất thải cho tập đoàn điện tử Samsung ở hai khu công nghiệp thuộc Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Lợi nhuận “béo bở” từ... rác (!)

Chúng ta biết, với quy mô quá lớn của tổ hợp Samsung, việc cung ứng được một sản phẩm, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh cho tập đoàn điện tử Hàn Quốc này có thể mang đến cơ hội đổi đời cho bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào.

Trong khi DN Việt Nam có rất ít cơ hội để chen chân vào chuỗi giá trị của Samsung trong lĩnh vực sản xuất điện tử và linh kiện thì các dịch vụ sau lại lên ngôi: Dịch vụ y tế khám chữa bệnh, cung ứng bao bì, logistics, xử lý chất thải… Trong đó, hoạt động xử lý chất thải cho Samsung dường như là lĩnh vực màu mỡ nhất.

Mới đây, số liệu tài chính của công ty CP Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành Environment) – một trong những công ty xử lý rác thải công nghiệp lớn nhất miền Bắc, là đối tác lớn giúp Samsung “đổ rác” ở hai khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Thái Nguyên – đã minh chứng cho điều này.

Cụ thể, năm 2016, Thuận Thành Environment thu ghi nhận 1.052 tỷ đồng doanh thu và 406 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2017, doanh thu là 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận 379 tỷ đồng. Nghĩa là, cứ thu về 10 đồng thì có thể bỏ túi 3 - 4 đồng lãi ròng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu như vậy là quá “béo bở” so với nhiều ngành nghề đang gặp khó hiện nay.

Hai năm 2018 và 2019, do giá vốn và một số chi phí khác tăng cao nên mặc dù doanh thu tăng lên mức 1.500 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của Samsung chỉ còn chiếm khoảng 10%, lần lượt trong các năm 2018 và 2019 là 152 tỷ đồng và 168 tỷ đồng.

Lợi nhuận lũy kế trong 4 năm gần đây, Thuận Thành Environment đạt tổng cộng 1.104 tỷ đồng. Cuối năm 2019, DN “anh cả” về xử lý chất thải ở phía Bắc có vốn chủ sở hữu 1.304 tỷ đồng trên vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Đầu tư - Bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng nhờ “đổ rác” cho Samsung

Trụ sở công ty CP Môi trường Thuận Thành ở Bắc Ninh.

Ngoài xử lý rác thải công nghiệp, Thuận Thành Environment cũng tham gia xử lý khối lượng lớn rác thải sinh hoạt ở Bắc Ninh. Theo số liệu công bố mới đây của sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 900 tấn chất thải sinh hoạt. Trong đó, Thuận Thành Environment xử lý 100 - 105 tấn rác.

Điểm danh những DN kiếm bộn nhờ cung ứng cho Samsung

Tập đoàn Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất hàng điện tử mới trên thế giới trong suốt một thập kỷ qua. Hiện tại, các nhà máy chính của Samsung Việt Nam tập trung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. HCM với số vốn đăng ký 17,4 tỷ USD.

Sự góp mặt của Samsung cũng đã biến Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng điện tử hàng đầu thế giới, nổi bật là nhóm điện thoại – linh kiện và máy vi tính - sản phẩm điện tử - linh kiện. Tổng tỷ trọng của nhóm này hiện chiếm hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Năm ngoái, 4 đơn vị lớn của Samsung gồm: Samsung Thái Nguyên, Samsung Electronics Việt Nam, Samsung Display Việt Nam và Samsung HCMC CE Complex đạt tổng doanh thu trên 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 66 tỷ USD, chiếm khoảng 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Tuy nhiên, con số 1,5 triệu tỷ đồng doanh thu chỉ là doanh thu trực tiếp do Samsung tạo ra tại Việt Nam. Bên cạnh đó, “ông lớn” điện tử xứ Kim Chi còn kéo theo các nhà cung ứng toàn cầu đến Việt Nam trong 10 năm qua, tạo ra thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng tại đây.  

Đầu tư - Bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng nhờ “đổ rác” cho Samsung (Hình 2).

Kho rác thải công nghiệp của công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên.

Nổi bật nhất trong số này là Samsung Electro-Mechanics và Samsung SDI Vietnam - hai công ty con của Samsung, năm 2019 thu về lần lượt 41.000 tỷ đồng và 32.600 tỷ đồng. Samsung Electro-Mechanics sản xuất mạch bán dẫn, chip, camera modul… trong khi Samsung SDI Vietnam sở trường với pin điện thoại.

Nhiều cái tên nằm ngoài Samsung cũng cho thấy kết quả kinh doanh với những con số ấn tượng: MCNEX Vina sản xuất module camera doanh thu 22.200 tỷ đồng năm 2019; Power Logics Vina sản xuất bảng mạch bảo vệ pin đạt hơn 19.800 tỷ đồng; CammSys Vietnam cung cấp module camera thu về 13.250 tỷ; Goertek Vina sản xuất tai nghe, mic đạt hơn 12.800 tỷ đồng; Intops Việt Nam chuyên vỏ điện thoại ghi nhận 11.900 tỷ đồng; SI Flex sản xuất mạch in linh hoạt (FPCB) doanh thu 9.300 tỷ đồng, AAC Technologies Vietnam module loa, micro đạt gần 9.000 tỷ đồng…

Hầu hết các DN thuộc hệ sinh thái hỗ trợ Samsung thu về lợi nhuận vài trăm tỷ đồng mỗi năm, trong đó có nhiều DN thường xuyên góp mặt trong danh sách đóng thuế thu nhập DN nhiều nhất tại Việt Nam.

Đáng lưu ý, cùng với Samsung, những DN này cũng tuyển dụng hàng trăm nghìn lao động Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà cung ứng nội địa tham ra vào chuỗi giá trị toàn cầu. Được biết, trong giai đoạn 2014 – 2019, số lượng DN Việt Nam được chọn làm nhà cung ứng cấp 1 cho Tập đoàn này đã tăng từ 4 lên 42 DN, và tiến tới con số 50 vào năm 2020. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng được lựa chọn trong vai trò nhà cung ứng cấp 2, tạo nên sức cộng hưởng to lớn trong cộng đồng DN Việt Nam.

Vai trò “ông lớn” của Thuận Thành Environment

Các cổ đông của Thuận Thành Environment gồm có ông Vũ Văn Đắc (55%), bà Nguyễn Thị Hoa - vợ ông Đắc (5%) cùng ông Nguyễn Trọng Khánh (40%).

Bên cạnh Thuận Thành Environment, nhóm doanh nhân này cũng sở hữu một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang như công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh, công ty CP Đầu tư Công nghiệp và Thương mại dịch vụ Tân Yên, công ty Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi sao Xanh… Các công ty này tiếp tục đầu tư nắm giữ cổ phần lớn của nhiều DN cùng ngành.

Trong một diễn biến liên quan, hồi cuối năm 2019, một số tờ báo đăng tải thông tin, xuất hiện một nhóm lái xe của công ty Thuận Thành Environment chở chất thải công nghiệp đổ xuống sông Ngũ Huyện Khê (một nhánh của sông Cầu), thuộc địa phận Đồi Ba Huyện (TP. Bắc Ninh).

H.Yến (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng nhờ “đổ rác” cho Samsung" tại chuyên mục ĐẦU TƯ.