Bước tiến mới với tên lửa SiAW “siêu to khổng lồ”

Admin

02/12/2024 04:37

Với loại tên lửa không đối đất mới nhất có tên SiAW, Không quân Mỹ muốn trở thành lực lượng bất khả chiến bại nếu điều tồi tệ nhất xảy ra và chiến tranh nổ ra trên quy mô lớn.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng với tốc độ và quy mô chưa từng có kể từ sau Thế chiến II.

Mọi quốc gia có tổ hợp công nghiệp-quân sự vững chắc hiện không chỉ tự trang bị vũ khí cho mình mà còn chi hàng tỷ USD cho các hệ thống vũ khí mới nhằm chuẩn bị cho các cuộc chiến trong tương lai.

Mỹ là quốc gia đi đầu trong nỗ lực này, và trong số nhiều nhánh quân sự của mình, Không quân Mỹ (USAF) đang nổi lên là đơn vị tiên phong trong việc chi tiêu và tái trang bị vũ khí.

Từ việc hiện đại hóa phi đội cho đến nghiên cứu máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và vũ khí mới, không quân "xứ cờ hoa" muốn trở thành lực lượng bất khả chiến bại nếu điều tồi tệ nhất xảy ra và chiến tranh nổ ra trên quy mô lớn.

Bước tiến mới với tên lửa SiAW “siêu to khổng lồ”- Ảnh 1.

Northrop Grumman công bố bức ảnh về tên lửa SiAW đầu tiên được bàn giao cho Không quân Mỹ để thử nghiệm. Ảnh: TWZ

Bằng cách trao hợp đồng trị giá 705 triệu USD cho gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Northrop Grumman vào tháng 9 năm ngoái, USAF đang nhắm tới loại tên lửa không đối đất mới nhất có tên SiAW (Stand-In Attack Weapon), dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026.

Mặc dù không có nhiều thay đổi kể từ đó, nhưng một cột mốc quan trọng đã đạt được vào đầu tuần này: Northrop Grumman đã bàn giao tên lửa thử nghiệm SiAW đầu tiên cho USAF.

Với việc tên lửa hiện đang trong "Giai đoạn 2" của quá trình phát triển, Không quân Mỹ và Northrop sẽ tìm cách tiến hành các cuộc thử nghiệm mang theo/tách biệt, tiếp theo là một cuộc thử nghiệm bay có hướng dẫn, Northrop cho biết trong một tuyên bố hôm 18/11.

Sau đó, theo công ty, Giai đoạn 2.2 sẽ kết thúc với "3 cuộc thử nghiệm bay bổ sung và việc chuyển giao các tên lửa nguyên mẫu SiAW và các tài sản thử nghiệm".

Các bên liên quan không nói tên lửa cụ thể này hiện đang ở đâu hoặc khi nào nó sẽ bay lên trời để kiểm tra xem máy bay có thể mang và thả nó một cách an toàn hay không, nhưng từ bức ảnh duy nhất đi kèm với tuyên bố của công ty, có thể thấy một thứ vũ khí siêu khổng lồ với kích thước gần choán hết diện tích một nhà chứa máy bay đang chứa nó.

Bước tiến mới với tên lửa SiAW “siêu to khổng lồ”- Ảnh 2.

Máy bay F/A-18F Super Hornet phóng tên lửa AGM-88G AARGM-ER trong một cuộc thử nghiệm. Tên lửa SiAW được phát triển dựa trên họ tên lửa AGM-88 và được cho là có thể vượt trội hơn tên lửa AARGM-ER với đầu đạn/ngòi nổ cải tiến. Ảnh: TWZ

Theo thông tin sẵn có về SiAW, loại tên lửa "siêu to khổng lồ" mới này được phát triển dựa trên tên lửa AGM-88 HARM – một loại tên lửa chống bức xạ chiến thuật không đối đất được thiết kế để nhắm vào các tín hiệu điện tử phát ra từ hệ thống radar đất đối không, có từ những năm 1980 và được sử dụng trong một số cuộc xung đột lớn ở Iraq.

HARM (viết tắt của Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao) là một loại tên lửa "to con", với chiều dài 13 feet 8 inch (4,17 m).

Tên lửa được khai hỏa từ máy bay chiến đấu có thể lao vun vút về mục tiêu đã định với tốc độ có thể đạt tới Mach 2,9 (gấp gần 3 lần tốc độ âm thanh, tương đương 2.225 dặm/giờ hoặc 3.581 km/giờ), tầm bắn lên tới 186 dặm (300 km), tùy thuộc vào phiên bản.

Giống như HARM, SiAW được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương, có thể cung cấp khả năng tấn công tốc độ cao hơn vào các mục tiêu di động trên mặt đất, bao gồm các trạm chỉ huy và kiểm soát, bệ phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, các tổ hợp phòng thủ tên lửa và không quân, hệ thống tác chiến điện tử (EW) và thậm chí cả vũ khí chống vệ tinh.

Bước tiến mới với tên lửa SiAW “siêu to khổng lồ”- Ảnh 3.

Bản kiết xuất tên lửa Advanced Reactive Strike (ARES), một phiên bản phóng từ mặt đất của họ tên lửa AARGM-ER/SiAW. Ảnh: TWZ

Bước tiến mới với tên lửa SiAW “siêu to khổng lồ”- Ảnh 4.

Đáng chú ý, đầu năm 2024, Lockheed Martin trình làng tên lửa siêu vượt âm Mako được cho là ban đầu được phát triển để đối trọng với tên lửa SiAW. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu tên lửa SiAW của Northrop Grumman có đạt tốc độ siêu thanh hay không (từ Mach 5 trở lên). Ảnh: The Aviationist

Cách đây không lâu, Northrop Grumman đã tiết lộ rằng SiAW, không giống như những phiên bản trước, sẽ được chế tạo với kiến trúc mở – nghĩa là có thể dễ dàng được nâng cấp với các khả năng và phần cứng mới.

Công ty có thời gian cho đến năm 2026 để phát triển một nguyên mẫu tên lửa hoạt động hoàn chỉnh và đưa nó lên không trung.

Northrop lạc quan rằng họ có thể đáp ứng được thời hạn trên vì SiAW tận dụng rất nhiều công nghệ trong Tên lửa dẫn đường chống radar tiên tiến - Tầm bắn mở rộng (AARGM-ER), công nghệ này sẽ thay thế vai trò chống radar/phòng thủ trước đây do tên lửa AGM-88 HARM đảm nhiệm.

Từ nay đến khi đó, nhiều thông tin hơn về tên lửa SiAW "siêu to khổng lồ" sẽ dần được hé lộ. Về mặt chi phí, vẫn chưa rõ một quả tên lửa SiAW có giá bao nhiêu. Để so sánh, mỗi lầnmột quả tên lửa HARM được khai hỏa nghĩa là 280.000-800.000 USD sẽ tan thành tro bụi cùng với các tài sản của đối phương.

Minh Đức (Theo Auto Evolution, Air & Space Forces)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm

Độ chính xác đáng kinh ngạc của lựu pháo tự hành K9 MoukariĐộ chính xác đáng kinh ngạc của lựu pháo tự hành K9 Moukari
Tham khảo thêm
Vũ khí phương Tây “bó tay” trước tác chiến điện tử (EW) NgaVũ khí phương Tây “bó tay” trước tác chiến điện tử (EW) Nga