Cả thập kỷ đầu tư nhà máy xử lý rác vẫn chưa thể hoạt động?!

Admin

30/11/2020 08:57

Số lượng CTRSH tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng nhanh qua mỗi năm, trong khi khu xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp của tỉnh đã gần như quá tải thì có những dự án nhà máy rác vẫn "đắp chiếu".

Số lượng chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tăng nhanh qua mỗi năm, trong khi khu xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp của tỉnh đã gần như quá tải thì có những dự án nhà máy rác dù được cấp phép sau nhiều năm vẫn đang “đắp chiếu”, gây bức xúc dư luận, người dân khốn khổ vì rác.

Góc tối của thành phố du lịch

Bà Rịa – Vũng Tàu được biết đến với vai trò là một trong tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam, địa phương có tiềm năng phát triển các dự án lĩnh vực về du lịch, dịch vụ, bất động sản và công nghiệp, một vùng kinh tế trọng điểm mũi nhọn, thế nhưng ngang trái là thành phố du lịch này lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải bài toán về môi trường.

Qua tìm hiểu, được biết một số dự án nhà máy xử lý chất thải của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc có nhà máy xử lý rác đã được xây dựng nhưng sau nhiều năm vẫn chưa thể đi vào vận hành, trong khi mỗi ngày tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát sinh khoảng 950 tấn chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh khoảng 215 tấn/ngày.

Theo đó, Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (KXLCTT Tóc Tiên) với diện tích 137,6 ha, bao gồm 100 ha hiện hữu và 37,6 ha mở rộng, nằm trên địa bàn xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là nơi tập trung xử lý các loại chất thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh.

Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (KXLCTT Tóc Tiên) với diện tích 137,6 ha, bao gồm 100 ha hiện hữu và 37,6 ha mở rộng.

Tại đây có 15 dự án được giao đất để đầu tư các nhà máy xử lý chất thải, trong đó có 11 dự án đi vào hoạt động, gồm: 6 nhà máy xử lý chất thải nguy hại, 2 nhà máy xử lý chất thải công nghiệp thông thường, 1 khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; Nhà máy Xử lý và Chế biến các chất thải lỏng sinh hoạt; 1 khu chôn bùn nạo vét cống thoát nước. Những dự án còn lại vẫn trong quá trình triển khai đầu tư.

Nhà máy xử lý rác “đắp chiếu”: Người dân khốn khổ vì rác

Để hiểu rõ hơn về tình trạng hoạt động của các nhà máy trong KLHXLCT Tóc Tiên và lý do khiến các dự án tại đây chậm triển khai và dừng hoạt động mặc dù cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi trao đổi với ông Mai Quang Thảo –Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải Tóc Tiên.

Ông Mai Quang Thảo cho biết: “Tại KXLCT Tóc Tiên có 15 dự án, hiện đang triển khai xây dựng 3 dự án. Trong đó, dự án của Môi trường xanh Bảo Ngọc đang bị chậm tiến độ, 2 dự án của Công ty SaRa và Công ty Quý Tiến đang xin giấy phép. Ngoài ra còn có 2 dự án đang tạm dừng hoạt động.

Theo ông Thảo, dự án của Công ty Môi trường xanh Bảo Ngọc bị chậm tiến độ do không đủ kinh phí để duy trì để hoạt động, trong khi giấy tờ thủ tục đã hoàn thiện.

Dự án của Công ty Quý Tiến đang xin giấy phép để thực hiện.

Dự án của Công ty SaRa đang trong quá trình xin giấy phép.

Theo tìm hiểu được biết, trước đó dự án này có tên là Nhà máy xử lý rác Tân Thành xây dựng trong Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (xã Phước Hòa, huyện Tân Thành) do Công ty môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ đầu tư, đi vào hoạt động từ tháng 9/2003. Tuy nhiên, ngay từ đầu nhà máy đã bộc lộ bất cập, không đáp ứng được mục tiêu đầu tư nên tỉnh đã có chủ trương đấu thầu, bán lại nhà máy, đồng thời đặt nền móng cho việc “xã hội hóa” trên lĩnh vực đầu tư xử lý rác thải. Năm 2007, Công ty Bảo Ngọc trúng thầu với giá 20 tỉ đồng.

Đến tháng 9/2017, Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc đã được chấp thuận đầu tư xây dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân bón Compost, dự án phải đưa vào vận hành sau 14 tháng kể từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Thế nhưng, do xây dựng trước khi có quy hoạch Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 nên khi vừa xây dựng xong, vào năm 2019, UBND tỉnh đã yêu cầu di chuyển nhà máy về KXLCT Tóc Tiên nhằm đảm bảo quy hoạch khu công nghiệp. Vậy là trải qua hơn thập kỉ “biến cố”, mục tiêu thông qua dự án của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc để có một nhà máy xử lý rác thải hiệu quả cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa thể hoàn thành. Câu hỏi khi nào dự án được đi vào hoạt động hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ?!

Đối với 2 dự án đang tạm dừng hoạt động, ông Mai Quang Thảo cho biết, các dự án này đã hoàn thiện từ năm 2017, do không có nguồn rác đầu vào nên đã dừng hoạt động. Đây là dự án xử lý rác thải phóng xạ, hiện nguồn thải ra đang phải bảo trì. Đồng thời, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến các chuyên gia nước ngoài chưa thể sang làm việc.

Được biết, trong quá trình hoạt động, các nhà máy trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có nhiều hoạt động gây ô nhiễm môi trường, nhất là hoạt động xả thải khí thải, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh, gây bức xúc, khiếu nại, phản ánh kéo dài.

Giải pháp nào cho vấn đề xử lý rác tại Bà Rịa – Vũng Tàu?

Thực tế cho thấy, với mức chôn lấp hàng nghìn tấn một ngày, tương lai không xa bãi chôn lấp của Tóc Tiên sẽ lại phát sinh những hệ luỵ như khu chất thải rắn Đa Phước (thành phố Hồ Chí Minh) làm một góc thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng. Phải chăng, lãnh đạo Bà Rịa – Vũng Tàu nên có ngay những giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề trước khi rơi vào tình thế “sự đã rồi” hay “nước đến chân rồi mới chạy”?

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã sử dụng các phương pháp tiên tiến hơn công nghệ chôn lấp như công nghệ điện rác hay khí hóa chất thải rắn. Vậy, là thành phố du lịch, có nền công nghiệp hiện đại nhưng lại thiếu đi những giải pháp xử lý môi trường hiệu quả, liệu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuân thủ chỉ đạo phát triển bền vững?

Tương lai không xa bãi chôn lấp của Tóc Tiên sẽ lại phát sinh những hệ luỵ như khu chất thải rắn Đa Phước (thành phố Hồ Chí Minh) làm một góc thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Được biết, dự án của Công ty Môi trường xanh Bảo Ngọc nói trên định hướng không áp dụng công nghệ chôn lấp, kỳ vọng sẽ là một trong những đơn vị giảm áp lực xử lý rác của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bỏ qua thời gian phải tạm dừng hoạt động do vướng quy hoạch khu công nghiệp, mặc dù việc di chuyển đã được tiến hành từ năm 2019 nhưng đến nay dự án vẫn chưa đi vào xây dựng. Tại sao lại như vậy? Vấn đề trên cần phải được làm rõ.

Theo đánh giá của ông Thảo thì thời gian qua, các chủ đầu tư đã không thực hiện tốt công tác đầu tư công nghệ chôn lấp và chủ trương của tỉnh này cũng không muốn chôn lấp mà kêu gọi đầu tư về công nghệ tối ưu hơn nhưng do hạn chế về nguồn lực nên đã không triển khai được như mong đợi.

Vừa qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tham khảo rất nhiều mô hình nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc và mong muốn lựa chọn dự án sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến như công nghệ đốt rác phát điện./.