Các đòn trừng phạt của Mỹ đang từ từ bóp nghẹt smartphone Huawei như thế nào?

Admin

17/08/2020 16:30

Sau khi mất thị trường quốc tế vì không có ứng dụng Google, Huawei có thể mất nốt cả thị trường trong nước khi không còn chip Kirin nữa.

Các báo cáo phân tích thị trường cho thấy, trong Quý 2 vừa qua, Huawei đã vươn lên trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, vượt qua Samsung và Apple bằng cách mang tới cho người tiêu dùng những chiếc điện thoại với camera tốt và mức giá cạnh tranh.

Thế nhưng đó có lẽ là giây phút tỏa sáng cuối cùng của Huawei khi họ đang phải đối mặt với các tình huống ngày càng hiểm nghèo hơn.

Lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ giáng xuống vào tháng 5 năm 2019 đã khiến người tiêu dùng thế giới xa lánh dần thương hiệu này khi điện thoại của họ ra mắt mà không có các ứng dụng dịch vụ của Google. Giờ đây biện pháp trừng phạt mới của Mỹ vào chuỗi cung cấp đã làm Huawei mất hẳn nguồn cung chip Kirin, đẩy họ lâm vào tình cảnh có thể mất nốt cả thị trường nội địa.

Điểm nhấn từ chip Kirin không còn nữa

Trong khi các chip Kirin này do công ty con của Huawei, HiSilicon thiết kế nhưng nó được gia công bởi hãng TSMC. Chính vì vậy, khi chính quyền Tổng thống Trump cấm các nhà sản xuất bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ để cung cấp chip cho Huawei, không lâu sau đó hãng TSMC cũng cho biết công ty đã tuân thủ quy định của Mỹ và dừng cung cấp chip cho Huawei.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Nicole Peng của hãng Canalys, Huawei có lẽ vẫn còn đủ chipset Kirin đến hết năm nay. Sau đó, công ty có lẽ sẽ phải chuyển sang tìm nguồn cung chip từ MediaTek. Will Wong, nhà phân tích của IDC cũng cho rằng, Huawei vẫn có thể tìm mua chipset có sẵn của một công ty khác để cung cấp cho thiết bị của mình.

Các chip Kirin luôn là điểm nhấn đáng chú ý trong smartphone Huawei.

Nhưng sử dụng chipset của MediaTek sẽ hủy hoại lợi thế cạnh tranh của Huawei đối với phần cứng smartphone. Để mất chipset Kirin "chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến điểm nhấn độc đáo" của smartphone Huawei.

Các chip Kirin vốn được thiết kế riêng cho những smartphone tầm trung và cao cấp của Huawei. Chúng mạnh hơn và cao cấp hơn các chipset của MediaTek cũng như có công nghệ AI, khả năng xử lý hình ảnh và 5G tốt hơn. Đó là lý do tại sao các chip Kirin thường xuất hiện trong các thiết bị flagship như dòng Mate và P.

Giờ đây, việc "không thể sử dụng chip Kirin sẽ tạo nên một sự bất ổn lớn đối với Huawei, đặc biệt là cho các dòng điện thoại cao cấp," ông Wong cho biết. "Dù sao đi nữa, Huawei vẫn là một thương hiệu quốc gia mạnh tại Trung Quốc, một động lực lớn cho doanh số" của công ty.

Lợi thế từ thị trường trong nước đang mất dần

Lợi thế này đã giúp ích đáng kể cho việc Huawei vượt mặt hầu hết các thương hiệu Trung Quốc khác trong quý vừa qua, khi xuất xưởng gần 40 triệu smartphone tại Trung Quốc, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc Trung Quốc sớm mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã giúp đẩy mạnh doanh số Huawei. Cho dù vậy, các nhà phân tích cho rằng khi hầu hết các quốc gia đang bắt đầu mở cửa trở lại trên toàn cầu, lợi thế từ sân nhà Trung Quốc không còn, nhiều khả năng thị phần của Huawei sẽ đi xuống.

Đó là vì mảng kinh doanh smartphone trên quốc tế của Huawei đang gặp nhiều khó khăn sau các lệnh cấm từ chính phủ Mỹ làm công ty không có được các ứng dụng dịch vụ mặc định của Google. Kể từ đó doanh số nước ngoài của smartphone Huawei liên tục sụt giảm. Từ chỗ chiếm 50% tổng lượng xuất xưởng của công ty, giờ đây thị trường nước ngoài của Huawei chỉ còn chiếm 30%, 70% lượng xuất xưởng còn lại đều đến từ thị trường Trung Quốc.

Thế nhưng ngay cả tại Trung Quốc, Huawei cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những người đồng hương khác, bao gồm Vivo, Oppo và Xiaomi, những hãng từ lâu đã thiết lập quan hệ đối với các hãng chip khác bao gồm MediaTek và Qualcomm.

Với Huawei, việc có thể phải dựa vào các chip của MediaTek, vốn cũng đang được sử dụng trên các thiết bị đối thủ của mình, có thể sẽ làm họ dần dần mất luôn thị phần trong nước vào tay các đối thủ đồng hương này.

Tham khảo CNN