Cần đội ngũ nhân tài để cạnh tranh về khoa học, công nghệ

Admin

30/07/2020 06:42

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, chúng ta cần tạo môi trường, chế độ đãi ngộ, tôn vinh xứng đáng để các nhà khoa học cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của đất nước.

Trao đổi với Zing nhân dịp gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhân kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930-1/8/2020), ông Nghiêm Vũ Khải - đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - cho rằng chúng ta có đội ngũ trí thức trẻ hùng hậu, được đào tạo từ nhiều nguồn. Cần phải có chế độ thu hút nhân tài, không để chảy máu chất xám.

Đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ

- Đội ngũ nhà khoa học đã có đóng góp như thế nào đối với sự nghiệp cách mạng và phát triển của đất nước, thưa ông?

- Trong suốt 75 năm qua, từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngay trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được đội ngũ trí thức yêu nước, chủ yếu được đào tạo dưới hệ thống trường Pháp thuộc, thậm chí cả một số đáng kể trí thức được đào tạo và làm việc tại Pháp và một số nước châu Âu.

Họ đã được khích lệ, tập hợp và cống hiến cho Tổ quốc, bởi chủ nghĩa yêu nước chân chính và tấm gương cao đẹp của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Chính sách thu hút nhân tài phục vụ đất nước, cũng như sự hy sinh và đóng góp của thế hệ trí thức yêu nước đầu tiên của chế độ mới là hình mẫu, niềm tự hào và khích lệ cho giới trí thức các thế hệ noi theo. Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch đầu tiên của VUSTA, là một trong số các nhà khoa học đó.

Sau khi hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước bắt tay vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giành thống nhất nước nhà.

Trong bối cảnh đầy thách thức và gian khổ đó, Nhà nước vẫn tập trung nguồn lực, tuy còn rất hạn chế khi đó, để phát triển giáo dục, lập các trường đại học và trung tâm nghiên cứu.

Đặc biệt, tại Đại hội III (năm 1960), Đảng ta đề ra nhiệm vụ thực hiện đồng bộ 3 cuộc cách mạng là: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng văn hóa tư tưởng và cách mạng khoa học - kỹ thuật. Trong đó, cách mạng khoa học kỹ thuật được xem là then chốt.

Nhờ chính sách đó, trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước, hàng chục nghìn kỹ sư, bác sĩ, cử nhân các ngành đã được đào tạo tại trường đại học trong nước và hàng nghìn cán bộ trình độ đại học, trên đại học được đào tạo tại Liên Xô, Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Cuba, Triều Tiên.

Xét về vị thế, chức năng trong hệ thống chính trị ở nước ta, Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn toàn có thể đảm đương vai trò nòng cốt, nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác trí thức và phát triển khoa học và công nghệ.

Ông Nghiêm Vũ Khải

Đây là lực lượng trí thức nòng cốt, tham gia các binh chủng kỹ thuật cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam; tham gia chiến đấu và anh dũng hy sinh trên các chiến trường; đồng thời tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng hậu phương CNXH trong công cuộc kháng chiến vì độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Đó là những năm tháng hào hùng của lịch sử đất nước, trong đó trí thức, chủ yếu xuất thân từ giai cấp công nông, đã góp trí tuệ, sức lực và cả xương máu để lập nên những trang vàng truyền thống vẻ vang.

Bước vào giai đoạn đổi mới, hội nhập, đội ngũ trí thức tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng. Đất nước có được cơ đồ như ngày nay, rõ ràng có sự đóng góp lớn của đội ngũ trí thức Việt Nam.

- Theo ông, trong 90 năm qua, chúng ta đã có định hướng, chủ trương gì để đội ngũ nhà khoa học yên tâm cống hiến, phát triển?

- Ban Tuyên giáo hiện nay được hình thành từ một số cơ quan trung ương của Đảng về tư tưởng, văn hóa, giáo dục, khoa học… Vì vậy, có thể nói, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu nòng cốt và trực tiếp giúp Trung ương Đảng hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển đội ngũ trí thức.

Về mặt chính sách, Trung ương đã ban hành hệ thống văn kiện chính sách quan trọng, như Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Chỉ thị 42 của Bộ chính trị (Khóa X, năm 2010); Nghị quyết 20 (năm 2012) về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế…

Trong số các văn kiện của Đảng về khoa học, công nghệ, đội ngũ trí thức, Nghị quyết 27 và Chỉ thị 42 nêu trên là hai văn bản trực tiếp quy định về đội ngũ trí thức và về Liên hiệp Hội Việt Nam.

Hai văn kiện này đã thể hiện một cách tập trung nhất của Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, quan điểm, tầm nhìn, chính sách phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời đại ngày nay; cũng như về vị thế chính trị, sứ mệnh và nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Đến nay, hai văn kiện nêu trên vẫn giữ nguyên giá trị về lý luận và định hướng chiến lược về công tác trí vận.

Đồng thời, Nghị quyết 27 và Chỉ thị 42 cũng nêu rõ những bất cập và nguyên nhân của những bất cập trong việc xây dựng, triển khai chính sách đối với trí thức. Để các văn kiện nêu trên thực sự đi vào cuộc sống, tôi cho rằng vai trò của Ban Tuyên giáo Trung ương đặc biệt quan trọng.

Qua theo dõi thực tiễn, tôi thấy chưa hình thành cơ chế giao ban thường xuyên giữa các cơ quan cấp trung ương liên quan hoạt động chỉ đạo, xây dưng chính sách, quản lý khoa học và công nghệ, vận động trí thức.

Điều này làm cho việc triển khai, đánh giá, tổng kết, điều chỉnh cơ chế, chính sách thiếu kịp thời, nhạy bén; làm cho nhiều chủ trương đúng chưa được thực hiện hiệu quả; những bất cập về chính sách không được đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp.

Xét về vị thế, chức năng trong hệ thống chính trị ở nước ta, Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn toàn có thể đảm đương vai trò nòng cốt nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác trí thức và phát triển khoa học và công nghệ.

- Là người trong cuộc, ông có trăn trở gì để phát huy hơn nữa sự cống hiến của các nhà khoa học?Có đội ngũ nhân tài mới có thể cạnh tranh

- Trước khi bàn về vai trò của giới trí thức, khoa học, cũng cần đánh giá vai trò của khoa học công nghệ. Gần đây, tôi có chuyến công tác tại Mỹ để tìm hiểu về chính sách của họ.

Mỹ coi khoa học, công nghệ và đổi mới là nền tảng của nền kinh tế và là công cụ vô giá để hợp tác với đối tác nước ngoài. Khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đổi mới là động cơ của xã hội hiện đại, một lực lượng thống trị trong quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế quốc tế.

Ở nước ta, từ nghìn năm trước, hiền tài vẫn được coi là nguyên khí quốc gia. Ngày nay, Hiến pháp cũng quy định phát triển khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đội ngũ trí thức được đánh giá là một trong 3 trụ cột tạo nền tảng của Nhà nước, nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Đối với trí thức chân chính, việc thỏa mãn khát vọng khám phá được đặt cao hơn nhiều so với đãi ngộ về vật chất.

Ông Nghiêm Vũ Khải

Kết quả nghiên cứu về chính sách đối với trí thức của nhiều tác giả trong và ngoài nước cho thấy để phát huy vai trò của trí thức, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ: Phải tạo môi trường, điều kiện để trí thức phát huy năng lực nghiên cứu sáng tạo; được tôn vinh và ghi nhận thành tựu; được đãi ngộ lương, điều kiện sống cần thiết để toàn tâm lao động sáng tạo.

Về mặt chính sách, tôi thấy cần có sự chuyển biến rõ rệt trên một số nội dung. Để thực hiện các yêu cầu trên và trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Ở quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật hay các nước EU, mức đầu tư cho khoa học công nghệ từ 3% đến 5% GDP, còn ở nước ta mới có 2% ngân sách Nhà nước (chưa đến 0,5 % GDP). Cộng cả nguồn vốn xã hội hóa chỉ được 1%. Nếu không có sự đầu tư đúng đắn, chúng ta không thể rút ngắn khoảng cách tụt hậu.

Gần đây, chúng ta có sự nâng cấp một số tiêu chí đổi mới sáng tạo. Tuy vậy, với mức đầu tư như hiện nay từ nguồn đầu tư công và từ doanh nghiệp, khó có thể kỳ vọng vào sự tiến bộ đột phá.

Thứ hai, tăng đầu tư nhưng cần đi đôi với xác định nhiệm vụ trúng những vấn đề mà đất nước đang đối mặt mà khoa học và công nghệ cần tập trung giải quyết. Cụ thể là phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý và hoạt động khoa học công nghệ; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp - viện, trường - nhà khoa học.

Thứ ba, chúng ta có đội ngũ trí thức trẻ hùng hậu, được đào tạo từ nhiều nguồn. Số trí thức đang ở độ tuổi sáng tạo hiệu quả nhất có đến hàng trăm nghìn người. Cần phải có chế độ thu hút nhân tài, không để chảy máu chất xám.

Đối với trí thức chân chính, nhất là giới trẻ, việc thỏa mãn khát vọng khám phá được đặt cao hơn nhiều so với đãi ngộ về vật chất.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cạnh tranh gay gắt hiện nay, công tác đoàn kết, tập hợp, và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đặt ra nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi không ngừng đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp hoàn cảnh mới. Có được đội ngũ nhân tài xuất sắc là có được lợi thế cạnh tranh.

Với quan điểm con người là trung tâm của phát triển, chúng ta càng ý thức được vai trò định hướng tư tưởng và khích lệ giới trí thức cống hiến tài năng, sức sáng tạo cho đất nước quan trọng đến nhường nào.