Cẩn thận mua phải máy rửa mặt có tuổi thọ... 3 tháng!

Admin

10/10/2020 10:17

Không thể phủ nhận những ưu điểm do mua bán online mang lại, song nếu không có kiến thức và không cẩn thận, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả, kém chất lượng.

“Hàng chính hãng giá rẻ”

Để phục vụ việc chăm sóc sức khoẻ và vẻ đẹp, gần đây nhiều chị em sẵn sàng chi vài triệu đồng để mua một chiếc máy rửa mặt kiêm massage da mặt. Sản phẩm này trở nên bán chạy, do đó đang được rao bán tràn lan trên Internet với nhiều mức giá và mẫu mã khác nhau. Điều đáng nói, nhiều chiếc máy rửa mặt được quảng cáo là hàng chính hãng, với giá ban đầu vài triệu đồng/chiếc, nay bỗng chốc chỉ còn giá vài trăm nghìn khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang.

Trong vai một người mua hàng, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã tiếp cận một người được cho là chủ của một cơ sở bán máy rửa mặt. Người này cho biết mình chỉ bán online và hẹn PV đến cửa hàng nằm trên con phố Yên Lãng (quận Đống Đa, Hà Nội). Khi gặp mặt, người này lấy ra trong túi vài chiếc máy rửa mặt mới và nói: “Hàng này chị bán cho khách nhiều rồi nên em không cần phải lo về chất lượng. Bên chị không có phiếu bảo hành, nếu có hỏng hóc gì thì chỉ đổi hàng trong vòng 15 ngày thôi nhé. Nếu em cần gì thì cứ nhắn trực tiếp qua Facebook, các bạn nhân viên sẽ giải quyết cho em”.

Khi thấy PV nghi ngờ về nguồn gốc của chiếc máy rửa mặt, người này lập tức nhanh miệng: “Đây là lô hàng rẻ hơn của bên chị, được sản xuất ở một nước khác nên mới có giá rẻ hơn giá thị trường”. Mặc dù người bán từ chối tiết lộ sản xuất ở nước nào, tuy nhiên khi lật máy lên, bằng mắt thường PV cũng có thể nhìn thấy, sản phẩm này có xuất xứ từ… Trung Quốc. Điều này khác hoàn toàn với những gì được quảng cáo trên mạng.  

Vấn đề đặt ra là, ngay cả thông tin về xuất xứ hàng hóa đã không đồng nhất như vậy, liệu người mua có thể yên tâm về chất lượng sản phẩm hay không?

Tiêu dùng & Dư luận - Cẩn thận mua phải máy rửa mặt có tuổi thọ... 3 tháng!

Sản phẩm thật khi khách hàng nhận về, cắt ra chỉ là những chi tiết điện tử sơ sài.

Đi tìm câu trả lời này, PV thử tiếp cận với một người mua hàng để tìm hiểu trải nghiệm mua sắm của họ. Là người lần đầu tiên sử dụng máy rửa mặt, nghe theo lời giới thiệu của một số đồng nghiệp, chị H.V (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) đã mua một chiếc máy rửa mặt với giá 400 nghìn đồng. Chị V. nói: “Thấy mọi người đánh giá 5 sao và phản hồi tốt nên tôi cũng không nghi ngờ gì mà đặt mua luôn”.

Cũng theo chị V sản phẩm được giao có cả phiếu bảo hành, mã sản phẩm đầy đủ, thoạt nhìn qua không ai biết đó là hàng giả. “Sau khi mua về dùng được vài lần thì máy của tôi có vấn đề, sạc không vào điện, những lúc không dùng đến thì máy tự rung rồi lại tự tắt”, chị V. nhớ lại.

Lúc này, nhớ đến thẻ bảo hành, chị V nhắn tin lại cho cửa hàng đã bán sản phẩm này cho mình và yêu cầu được đổi máy. Tuy nhiên nhân viên lại giải thích vòng vo, không có được hướng giải quyết cụ thể cho khách. “Nhân viên tại đó nói rằng do tôi dùng sạc không đúng cách nên máy hết pin, không vào điện”.

Nghi ngờ mình bị lừa, chị V yêu cầu nhân viên gửi lại cho chị hóa đơn mua hàng của máy rửa mặt đã hỏng, chị sẽ trực tiếp liên hệ với cửa hàng chính hãng tại nước ngoài. Tuy nhiên, người bán hàng vòng vo không muốn giải quyết với lý do không muốn lộ nguồn hàng nên không thể xuất hóa đơn cho khách.

“Thú nhận” của chính người bán hàng

Trao đổi với PV, chị C.D.H (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) – một người từng có thời gian làm nhân viên bán hàng tại một cơ sở bán máy rửa mặt giả trên địa bàn phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – cho biết, chị phải nghỉ việc giữa chừng vì phát hiện việc đang làm chính là lừa đảo người tiêu dùng.

Theo lời kể, chị H. được nhận vào bán hàng máy rửa mặt từ tháng 5/2020. “Máy rửa mặt mà cửa hàng này bán thường có giá 350 nghìn đồng. Cửa hàng thường tung ra những ưu đãi như giảm giá sản phẩm 70% hoặc bán 100 máy rửa mặt dùng thử với giá ưu đãi nhất”... Song thực chất, những mặt hàng này hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc và có “tuổi đời” không quá… 3 tháng”, chị H. nhớ lại.

Tiêu dùng & Dư luận - Cẩn thận mua phải máy rửa mặt có tuổi thọ... 3 tháng! (Hình 2).

Không khó để tìm mua những chiếc máy rửa mặt giả giống hệt hàng thật trên mạng.

Chia sẻ thêm với PV, người phụ nữ cho biết, những chiếc máy rửa mặt giả này đều đi kèm phiếu bảo hành và mã bảo hành cũng là giả. Mọi thứ được làm tinh vi đến mức nếu khách hàng muốn kiểm tra mã, sản phẩm luôn trả lại kết quả hàng thật và không dễ dàng phát hiện bằng mắt thường. Cửa hàng này cũng bán những chiếc máy rửa mặt chính hãng với giá vài triệu đồng. Mẫu mã và chất lượng của những sản phẩm đều được đảm bảo. Tuy nhiên, họ vẫn bán những chiếc máy giả, với một mức giá rẻ hơn để đánh vào tâm lý chuộng giá rẻ của khách hàng.

“Mỗi sản phẩm chúng tôi bán đều đi kèm thông tin rằng khách hàng sẽ được hoàn trả nếu sản phẩm hỏng hoặc lỗi. Nhưng đó là trên lý thuyết, còn thực tế nếu khách hàng báo hỏng thì chúng tôi buộc phải chặn số điện thoại và các thông tin liên quan đến khách hàng đó”, chị H. thú nhận.

Hoặc, một chiêu thức có phần bài bản hơn mà theo chị H, các nhân viên ở đó luôn được dạy: “Địa chỉ cửa hàng sẽ được đính kèm sản phẩm, nhưng nếu khách hàng muốn đến tận nơi đổi hàng hay khiếu nại, nhân viên phải báo rằng cửa hàng đang trong thời gian bảo trì hoặc sửa chữa, không giải quyết trực tiếp mà chỉ tiếp khách online”.

Điều đáng nói, hình thức mua bán trên mạng thường diễn ra nhanh chóng. Người bán chỉ quan tâm tới việc đăng quảng cáo và chốt đơn. Hình ảnh sản phẩm cũng không thực tế khiến khách hàng không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Và tình trạng những chiếc máy rửa mặt giá rẻ hầu hết đều bị trục trặc, hỏng hóc trong quá trình sử dụng trở nên phổ biến. Song, khi biết mình bị lừa mua phải hàng giả, đa số người tiêu dùng chỉ biết “than trời”.

Lê Trà