[Câu chuyện doanh nghiệp] Bước ngoặt lịch sử của Coteccons

19/10/2020 14:36

Sau hơn 15 năm dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons đã phát triển mạnh mẽ nhưng giờ đây đang phải đối mặt với tương lai vắng người được coi là “thuyền trưởng”...

Sau hơn 15 năm dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons đã phát triển mạnh mẽ nhưng giờ đây đang phải đối mặt với tương lai vắng người được coi là “thuyền trưởng”.

TRÊN ĐỈNH VINH QUANG

Được chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần theo Quyết định của Bộ Xây dựng vào năm 2004, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD, Coteccons) bắt đầu hành trình phát triển mới với vốn điều lệ 15,2 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1, ông Nguyễn Bá Dương, ông Nguyễn Sĩ Công, ông Phan Huy Vĩnh và bà Hà Tiểu Anh, trong đó ông Nguyễn Bá Dương nắm giữ 5,74% vốn điều lệ và giữ vai trò chủ tịch Hội đồng quản trị.

Sau hơn 15 năm phát triển, Coteccons vào danh sách rất ít nhà thầu trên toàn thế giới từ trước tới nay đủ khả năng thực hiện các công trình siêu cao tầng. Dấu ấn của Coteccons để lại trên công trình mang biểu tượng quốc gia như toà nhà Landmark 81 tầng, Vinhomes Imperia Hải Phòng, D'Capitale Hà Nội,….

Không những vậy, dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons đã phát triển mạnh mẽ mang lại giá trị lớn cho cổ đông, nhà đầu tư cũng như có chế độ đãi ngộ nhân viên rất tốt dù chi phí tiền lương của toàn bộ máy chỉ chiếm 6,5% tổng doanh thu. Năm 2019, sau 15 năm chuyển đổi, vốn điều lệ CTD tăng hơn 51 lần lên 792,6 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc phát hành chia thưởng cho cổ đông hiện hữu, một phần từ phát hành cổ phần mới cho nhà đầu tư chiến lược.

Tổng tài sản tăng hơn 68 lần, đạt gần 16.200 tỷ đồng với tỷ trọng tiền, các khoản tương đương tiền bao gồm cả tiền gửi kỳ hạn ngấp nghé 40%. 

Hơn 2/3 chặng đường phát triển, CTD không sử dụng đến vốn vay ngân hàng. Đến năm 2017, doanh thu thuần của Coteccons vượt xa 1 tỷ USD; lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu vượt mức 20.000 đồng/cổ phiếu kể từ sau năm 2006.

Câu chuyện doanh nghiệp: “Đánh mất” Coteccons!/Đánh mất “Coteccons”! - Ảnh 1.

Nguồn: Số liệu Báo cáo tài chính kiểm toán

Trong suốt hành trình phát triển, cổ tức bằng tiền chia cho cổ đông Coteccons luôn ở mức cao, có năm lên đến 55%. Thị giá cổ phiếu CTD có những thời điểm vượt mức 200.000 đồng/cổ phiếu.

Câu chuyện doanh nghiệp: “Đánh mất” Coteccons!/Đánh mất “Coteccons”! - Ảnh 2.

Diến biến giá cổ phiếu CTD, nguồn: FPTS


"SAI LẦM CỦA VỊ THUYỀN TRƯỞNG"?

Tháng 12/2016, Coteccons hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 thông qua. Đây là đợt chào bán cổ phần ra bên ngoài lần thứ 3 trong lịch sử 12 năm phát triển của Coteccons, cũng là đợt phát hàn cuối tính đến thời điểm hiện tại. 

Tại thời điểm đó, Coteccons đã tổ chức tiệc chào mừng nhà đầu tư chiến lược tại khách sạn The Reverie Saigon và cho biết đã chọn được các đối tác chiến lược cam kết sẽ đồng hành dài hạn với chiến lược và sự phát triển của Coteccons, như Amersham Industries Limited, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, VinaCapital, Andbanc Investments SIF, SSI AM và KITMC.

Cũng lưu ý rằng, ở thời điểm cuối năm 2015, tổng tài sản của Coteccons đạt 7.815 tỷ đồng, dự trữ tiền mặt chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn 2.758 tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 4/2016, Hội đồng quản trị của Coteccons lại muốn chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược để huy động thêm khoảng 1.500 – 1.800 tỷ đồng phục vụ lập công ty mới, M&A, đầu tư vào bất động sản và một phần vào máy móc thiết bị.

Câu chuyện doanh nghiệp: “Đánh mất” Coteccons!/Đánh mất “Coteccons”! - Ảnh 3.

Nguồn: Số liệu Báo cáo tài chính kiểm toán

Trên thực tế, Coteccons thu được hơn 1.744 tỷ đồng từ đợt chào bán tháng 12/2016, dự trữ tiền của Coteccons trong Bảng cân đối tài sản trước và sau đợt phát hành (tháng 12/2016) luôn ở quanh mức 30%, thậm chí hơn 40% tổng tài sản.

Kỳ họp thường niên năm 2017 Coteccons tổ chức muộn hơn thường lệ, ngày 29/06/2017 báo hiệu những "vấn đề" trong nội bộ Coteccons. Ở kỳ họp này, Hội đồng quản trị đã trình và được Đại hội đồng cổ đông thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Coteccons từ mức 40% lên 60% với lý do để nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu CTD trên thị trường. Từ đây mở đường cho các thành viên và bên có liên quan đến Kusto Group "hợp thức hoá" việc nâng sở hữu cũng như quyền biểu quyết của họ ở Coteccons.

Câu chuyện doanh nghiệp: “Đánh mất” Coteccons!/Đánh mất “Coteccons”! - Ảnh 4.

Nguồn: Số liệu Báo cáo tài chính, Báo cáo thường niên, Bản cáo bạch

Kỳ họp thường niên năm 2020 của Coteccons đặt "dấu chấm hết" cho quyền quyết định các vấn đề quan trọng, chiến lược phát triển… của Coteccons đối với vị chủ tịch 16 năm - ông Nguyễn Bá Dương, khi 4/7 thành viên hội đồng quản trị nhiệm 2017 - 2022 đến từ Kusto Group và bên có liên quan. 

Ông Nguyễn Bá Dương từ nhiện và rời khỏi vị trí lãnh đạo Coteccons là điều tất yếu với con người có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán như ông khi ông đã "bị vô hiệu hoá".

Việc Coteccons thay máu một loạt nhân sự cao cấp cùng với sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương cũng như thành viên hội đồng quản trị cùng cánh – ông Nguyễn Quốc Hiệp được giới phân tích dự báo về tương lai bất định của Coteccons.

Phải chăng kết cục của ngày hôm nay bắt nguồn từ quyết định phát triển hệ sinh thái Coteccons Group với nhiều công ty liên quan như Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Boho Décor... của ông Nguyễn Bá Dương? Từ "người trong cuộc" ông Nguyễn Quốc Hiệp trong tâm thư từ biệt Coteccons đã gửi lời cảnh báo đến các thương hiệu Việt cân nhắc việc phát hành tăng vốn.

Nhìn lại 3 đợt phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cho thấy, ngoại trừ lần chào bán đầu tiên, 2 lần phát hành còn lại từng bước lộ rõ những điểm yếu trong quản trị ở Coteccons. 

Coteccons quyết định bán 10,43 triệu cổ phiếu (tương đương 24,72% vốn Coteccons sau phát hành) cho Kusto Group khi thành viên có liên quan Kusto Group là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Tân Việt đã sở hữu 11,76% vốn của Coteccons từ tháng 5/2011.

"BẤT NGỜ" MÀ KHÔNG BẤT NGỜ

Ngay sau khi ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm, ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, được cử là đại diện theo ủy quyền cho ông Talgat Turumbayev, thành viên HĐQT Coteccons. Ông Talgat Turumbayev là viên của Kusto Group. 

Việc ông Lý Xuân Hải là đại diện theo uỷ quyền cho ông Talgat Turumbayev ở Coteccons được đánh giá là "bất ngờ". Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử phát triển của nhóm Kusto tại Việt Nam cho thấy mối liên hệ khá chặt giữa Kusto Group và ông Lý Xuân Hải.  

15 năm trước, Công ty cổ phần Bất động sản Bình Thiên An được thành lập với 8 cổ đông sáng lập nắm giữ 100% vốn của Bình Thiên An. Trong đó, nhóm ông Trịnh Thanh Huy và các thành viên liên quan nắm giữ gần 70% vốn; nhóm liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (còn gọi Bầu Kiên) nắm giữ 26%. Hiện, Kusto Real Estate Capital Private Limited đang nắm giữ 49% vốn.

Kusto Group và các công ty liên quan có thể chưa phải là bên thực sự sở hữu Coteccons cuối cùng. Nhưng từ dữ liệu cho thấy điều chắc chắn rằng, các nhà đầu tư nói trên đã xây dựng một kế hoạch tăng sở hữu tại Coteccons từ 10 năm trước.  

Bạn đang đọc bài viết "[Câu chuyện doanh nghiệp] Bước ngoặt lịch sử của Coteccons" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.