![]() |
Năm 2024, bên cạnh kết quả lợi nhuận tăng trưởng tích cực của ngành ngân hàng, báo cáo tài chính của 27 nhà băng niêm yết trên sàn chứng khoán cũng hé lộ xu hướng nợ xấu gia tăng, đặc biệt là nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn.
Việc nợ xấu gia tăng đặt ra bài toán duy trì chất lượng tài sản với các "ông lớn" ngành ngân hàng, vốn là những nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng ròng cao nhất hệ thống.
Nợ nhóm 5 gia tăng
Theo thống kê đến cuối năm 2024, trong khi nợ nhóm 3 - nợ dưới tiêu chuẩn của các ngân hàng giảm hơn 1.800 tỷ xuống gần 43.800 tỷ đồng và nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ giảm hơn 6.400 tỷ xuống 53.526 tỷ đồng so với đầu năm, thì nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn lại ghi nhận xu hướng gia tăng.
Đáng chú ý, tốc độ tăng của nợ nhóm 5 các ngân hàng năm vừa qua còn cao hơn mức tăng trưởng cho vay (18%), đẩy tỷ lệ nợ nhóm 5/tổng dư nợ toàn ngành từ 0,91% (năm 2023) lên 1,11% (năm 2024).
Với tổng tài sản và dư nợ cho vay dẫn đầu toàn thị trường, BIDV cũng đang là ngân hàng có nợ nhóm 5 cao nhất hệ thống với 19.801 tỷ đồng đến cuối năm 2024, tăng 52% so với đầu năm. Tổng dư nợ nhóm 3-5 của nhà băng này cũng lên tới hơn 29.000 tỷ đồng, cao nhất hệ thống. Tuy vậy, nhờ ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng tích cực, ngân hàng quốc doanh này vẫn duy trì chất lượng tài sản ở mức an toàn với tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ đạt 1,41%, nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
Ngoài ra, BIDV cũng đang trích lập khoản dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trên 38.800 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu khoảng 135%.
Tại VietinBank, nợ nhóm 5 cũng đã tăng 48% trong năm vừa qua, đạt 13.832 tỷ đồng. Tổng dư nợ xấu của nhà băng này đến cuối năm 2024 khoảng 21.473 tỷ đồng, tăng 29%. Tương tự BIDV, dù mang giá trị tuyệt đối cao, nhờ tổng dư nợ cho vay khách hàng lớn, hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của ngân hàng này chỉ ở mức 1,25%, nằm trong top 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
Với hơn 36.664 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại VietinBank hiện lên tới 171%, tương đương mỗi 1.000 đồng nợ xấu đang được ngân hàng trích lập 1.700 đồng dự phòng.
- Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của một số ngân hàng đến cuối năm 2024:
Ngân hàng | Số dư nợ xấu (nhóm 3-5) Tỷ đồng | Nợ xấu/tổng dư nợ | Tỷ lệ dự phòng rủi ro |
BIDV | 29.035 | 1,41% | 134% |
VietinBank | 21.473 | 1,25% | 171% |
VPBank (mẹ) | 18.745 | 3% | 60% |
Vietcombank | 13.964 | 0,96% | 223% |
SHB | 13.748 | 2,64% | 65% |
Sacombank | 12.958 | 2,4% | 68% |
MB | 12.586 | 1,62% | 92% |
ACB | 8.649 | 1,51% | 78% |
HDBank | 8.556 | 2% | 69% |
Techcombank | 7.100 | 1,17% | 114% |
OCB | 5.408 | 3,17% | 47% |
MSB | 4.721 | 2,65% | 64% |
Trong khi đó, một ngân hàng trong nhóm Big 4 là Vietcombank đang duy trì được tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 1%, thuộc nhóm thấp nhất thị trường. Tuy nhiên, tính theo số tuyệt đối, nhà băng này hiện có số dư nợ xấu gần 14.000 tỷ đồng, trong đó, riêng nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn đã chiếm gần 10.300 tỷ đồng.
Để dự phòng cho phần nợ xấu nói trên, Vietcombank đã trích lập 31.183 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức 223%, nằm trong nhóm cao nhất thị trường.
Năm 2024 cũng là năm chứng kiến nhóm ngân hàng tư nhân lớn như Sacombank, Techcombank, VPBank cùng áp lực duy trì chất lượng tài sản.
Trong đó, Techcombank ghi nhận số dư nợ nhóm 5 tăng 137%, nâng tổng nợ xấu nhóm 3-5 đến cuối năm ngoái lên hơn 7.100 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của nhà băng này hiện chỉ ở mức 1,17%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 114%.
Tương tự, đến cuối năm 2024, số dư nợ xấu của Sacombank vào khoảng 13.000 tỷ đồng, chiếm 2,4% tổng dư nợ, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 68%; ngân hàng mẹ VPBank (không tính FE Credit) có số dư nợ nhóm 3-5 khoảng 18.745 tỷ, chiếm 3% tổng dư nợ, tỷ lệ bao phủ nợ xấu gần 60%; các chỉ tiêu tại ACB lần lượt là 8.649 tỷ đồng nợ nhóm 3-5, chiếm 1,51% tổng dư nợ, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 78%...
Giai đoạn khó khăn nhất đã qua?
Tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng có xu hướng gia tăng năm 2024 khi Thông tư 02 đã hết hiệu lực vào cuối năm 2024.
Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu điều chỉnh việc cơ cấu lại khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các khách hàng gặp khó khăn do Covid-19. Tuy vậy, thông tư vẫn yêu cầu các nhà băng phải trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản vay này theo tiêu chuẩn thông thường.
Nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BSC cho rằng việc Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể lên bảng cân đối của các ngân hàng, đồng thời sẽ không có sự gia tăng đột biến của tỷ lệ nợ xấu cũng như chi phí dự phòng.
Nguyên nhân là dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 chiếm tỷ trọng thấp trong bảng cân đối kế toán của các nhà băng. Hơn nữa, để đáp ứng quy định thì các ngân hàng đều phải trích lập dự phòng cụ thể bổ sung đủ 100% trong năm 2024 và hiện các bên đều đã trích lập đủ hoặc gần đủ.
Ngoài ra, các khách hàng vẫn trong thời hạn tái cơ cấu (tối đa 12 tháng) vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng quy định theo thông tư này kể cả khi đã hết hiệu lực.
Tương tự, theo dự báo của Công ty Chứng khoán VCBS, nợ xấu của ngành ngân hàng có thể đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và ảnh hưởng của việc Thông tư 02 hết hiệu lực không lớn.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.