'Chìm nổi' cổ phiếu ngành nông nghiệp

Admin

12/09/2020 09:06

Bất chấp thị trường chứng khoán vẫn diễn biến tích cực về điểm số, khối lượng giao dịch kể từ đầu tháng 9 tới nay lại đang trong xu hướng suy yếu. Dù vậy, vẫn có những nhóm ngành duy trì được sức hút đối với dòng tiền, nổi bật nhất là cổ phiếu của nhóm nông nghiệp, thực phẩm.

Thanh khoản đột biến

Đầu tiên phải kể đến "bộ đôi" cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và HNG của CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã gây bất ngờ khi tăng mạnh cả về thị giá và khối lượng khớp lệnh.

co-phieu-nong-nghiep-9145-1599649793.jpg

Không dễ để tìm ra một doanh nghiệp nông nghiệp nổi trội về kết quả kinh doanh trên sàn chứng khoán.

Đối với HAG, lãi ròng sau soát xét của HAGL tăng đáng kể so với con số ghi nhận của báo cáo tự lập. Tuy nhiên, công ty vẫn nhận được khá nhiều ý kiến của đơn vị kiểm toán, đặc biệt là vấn đề liên quan đến khoản nợ gần 7.300 tỷ đồng đã vượt quá tài sản ngắn hạn tại ngày 30/6/2020.
Đà tăng của "bộ đôi" cổ phiếu này diễn ra trong bối cảnh Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có thông báo về việc chuyển cổ phiếu HNG của HAGL Agrico từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo từ ngày 7/9. Lý do là vì công ty đã có lãi ròng 6 tháng đầu năm 2020 là 11 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2020 giảm về âm 2 tỷ đồng.Chỉ tính riêng trong 3 phiên giao dịch gần nhất (7-9/9), tổng cộng đã có 15,51 cổ phiếu HNG và 41,99 triệu cổ phiếu HAG được giao dịch. Thị giá của 2 mã cổ phiếu cũng lần lượt tăng 11,03% và 4,14%.

Bên cạnh HAG và HNG, cổ phiếu SJF của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương cũng ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân từ đầu tháng 9 tới nay gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, với hơn 3 triệu đơn vị/phiên.

Tất nhiên, thị giá cổ phiếu này cũng đạt mức tăng đáng kể 18,8% trong những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9, trong đó có tới 3 phiên tăng trần.

Tương tự SJF, cổ phiếu TSC của CTCP Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ cũng có khối lượng giao dịch trung bình đột biến hơn 1,1 triệu đơn vị/phiên. Theo đó, giá trị của SJF đã ghi nhận tăng 4,5% trong những phiên giao dịch đầu tháng 9.

Trong khi đó, HSL của CTCP Đầu tư Phát triển Thực phẩm Hồng Hà dù giảm giá nhẹ nhưng khối lượng giao dịch bình quân vẫn tăng hơn 70% so với tuần giao dịch cuối tháng 8.

Hay như HKB của CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc tuy chỉ được giao dịch vào thứ Sáu (do thuộc diện bị kiểm soát) nhưng cũng kịp thời có phiên giao dịch ngày 4/9 với mức thanh khoản đạt hơn 1,8 triệu đơn vị, gấp 2,5 lần so với thứ Sáu của tuần trước đó (28/8). Giá cổ phiếu HKB cũng tăng hơn 16% từ 600 đồng/cp lên 700 đồng/cp.

Lo ngại sức bền của đà tăng

Nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố tác động tích cực đến tâm lý của các nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu nông nghiệp trong những phiên vừa qua là dự báo nhu cầu nông sản có thể sẽ tăng cao do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Trung Quốc có thể đẩy giá các mặt hàng này lên.

Nhìn vào đây có thể thấy, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vốn có một đặc thù là kết quả kinh doanh phải dựa trên yếu tố “thiên thời, địa lợi”. Để tìm một công ty nông nghiệp nổi trội về hiệu quả kinh doanh, thương hiệu, hình ảnh trên sàn chứng khoán hiện nay là không dễ dàng. Điều này tạo nên một yếu tố thiếu chắc chắn đối với giá cổ phiếu.

Thực tế, bộ đôi HAG và HNG đã không ít lần “được mùa” rồi lại lao dốc khiến các nhà đầu tư “đau tim”, chán nản. Mặc dù tỏ ra tin tưởng vào mảng nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp của “bầu” Đức trong nhiều năm qua vẫn “ngụp lặn” với những khoản thua lỗ, chi phí lãi vay, nợ khó đòi... cao ngất.

Hay như trường hợp của CTCP Tập đoàn Lộc Trời. Doanh nghiệp này chính thức đưa hơn 67,1 triệu cổ phiếu LTG giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên (24/7/2017) là 55.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường của doanh nghiệp là gần 3.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhà đầu tư, cổ phiếu LTG không có đợt tăng giá nào đáng chú ý kể từ khi lên sàn, thay vào đó là chuỗi lao dốc liên tiếp, hiện đang giao dịch tại vùng giá thấp nhất kể từ khi giao dịch trên UPCoM (hơn 23.000 đồng/cp).

Cùng với việc giá cổ phiếu đi xuống tác động không nhỏ đến nhà đầu tư, kế hoạch chuyển sàn sang HoSE của Lộc Trời được “treo” từ năm 2018 đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Thậm chí, trong kế hoạch mới nhất, công ty dự kiến sẽ lùi sang năm 2022, khiến cổ phiếu LTG khó bứt phá.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, công cuộc tái cấu trúc của doanh nghiệp này đã, đang và sẽ còn chậm do điều kiện kinh doanh trong nửa đầu năm 2020 không thuận lợi.

Qua những trường hợp trên có thể thấy sự thiếu chắc chắn trong mảng kinh doanh chung của doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Cùng với lịch sử giao dịch trong nhiều năm qua, các nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở để lo ngại về sự tăng trưởng gần đây của nhóm cổ phiếu ngành nông nghiệp thực chất chỉ là tạm thời.

Minh Khuê

Bạn đang đọc bài viết "'Chìm nổi' cổ phiếu ngành nông nghiệp" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN.