Ngày 19/5, hãng hàng không Thai Airways thông báo rằng chính phủ nước này đã chấp thuận kế hoạch tái cơ cấu hãng do Tòa án Phá sản Trung ương giám sát. Kế hoạch này được đưa ra nhằm ngăn việc Thai Airways bị giải thể, bán thanh lý hoặc chính thức tuyên bố phá sản.
Trong quá trình tái cấu trúc, Thai Airways hy vọng sẽ tiếp tục hoạt động bình thường. Điều đó có nghĩa là với các chuyến bay chở hàng, chở khách sẽ vẫn bay theo lịch trình của hãng. Tuy nhiên, vẫn chưa biết là các dịch vụ hay việc làm tại Thai Airways liệu có bị ảnh hưởng bởi kế hoạch tái cấu trúc hay không.
Ngay sau khi tin này được đưa ra, cổ phiếu Thai Airways đã tăng 14,6% trên sàn giao dịch Bangkok. trong khi từ đầu năm, mã này đã giảm 32%.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, nội các đã cân nhắc nhiều giải pháp cho hãng hàng không quốc gia này, bao gồm cả bán thanh lý. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng đã đổi ngược hoàn toàn, bởi nếu bán thanh lý có thể khiến hơn 20.000 nhân viên mất việc.
Giống như nhiều hãng hàng không khác, Thai Airways đã cho dừng hầu hết các hoạt động của mình khi nhu cầu du lịch bằng hàng không giảm mạnh. Báo cáo thường niên gần nhất chỉ ra, Thai Airways đã "gặp nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không và du lịch Thái Lan", bao gồm kinh tế toàn cầu chậm lại, giá dầu biến động và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các hãng hàng không giá rẻ khác.
Những thách thức đó đã đẩy ban lãnh đạo phải tiến hành kế hoạch quay vòng 10 năm, bao gồm tìm kiếm cơ hội liên doanh mới để củng cố danh mục đầu tư vào công nghệ để tăng tính hiệu quả cũng như cắt giảm chi phí. Và giờ đây, Thai Airways tiếp tục phải khởi động lại một lần nữa.
"Đây thực sự là một quyết định khó khăn, nhưng đó là cách để bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như công dân Thái Lan. Mọi người dân Thái Lan đều mong muốn Thai Airways sẽ hồi sinh trở lại và một lần nữa vẫn là niềm tự hào của xứ sở Chùa Vàng này", Thủ tướng Prayut nói.