![]() |
Cơn "sốt đất" diễn ra ở nhiều địa phương trước sáp nhập như Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng và vùng ven Hà Nội. Ảnh: Thủy Tiên. |
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nửa đầu năm, thông tin sáp nhập tỉnh, thành đã khiến giá đất nền tại nhiều địa phương tăng nhanh. "Sốt" đất xảy ra mạnh nhất từ khoảng nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 và "nóng" nhất ở các địa phương (trước sáp nhập) gồm Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng và vùng ven Hà Nội.
Ở giai đoạn đỉnh "sóng", không ít sản phẩm, đặc biệt là đất nền, đã tăng giá 40%. Tuy nhiên, “cơn sốt” nhanh chóng hạ nhiệt và quay về quỹ đạo ổn định từ tháng 5.
Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho hay có chủ đầu tư đã tận dụng thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố để ra hàng, thậm chí tăng giá bán 10% trong một đêm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4, "cơn sốt" trên thị trường đã dần ổn định. Đến nay, "cơn sốt" đầu tư theo trào lưu sáp nhập đã hạ nhiệt và được kiểm soát, nhà đầu tư không còn tất tay.
Chuyên gia Hội Môi giới cũng cho biết tại các địa phương từng xuất hiện "sóng" bất động sản vừa qua, đặc biệt là tại các địa phương không thuộc quy hoạch trung tâm hành chính, thanh khoản đã chững lại trên mặt bằng giá mới.
Trước đó, dữ liệu của kênh Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra diễn biến tương tự. Dữ liệu của kênh rao tin cho thấy mức độ quan tâm đất nền tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có xu hướng giảm tốc sau khi đạt đỉnh vào tháng 3, giảm lần lượt 15% và 5% theo tháng. Một số tỉnh sụt giảm mức độ quan tâm mạnh nhất gồm Hòa Bình cũ (giảm 16%), Vĩnh Phúc cũ (14%), Bắc Giang cũ (11%), Hưng Yên (10%)...
Nói về những "cơn sốt" đất ăn theo thông tin sáp nhập tỉnh, ông Lê Đình Chung, thành viên Tổ công tác thị trường Hội Môi giới bất động sản, đánh giá đất nền vốn là phân khúc nhạy cảm, phần lớn phục vụ đầu tư, đầu cơ. Do đó, khi có thông tin mang tính chất vĩ mô có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng, đất nền thường là sản phẩm biến động đầu tiên.
Vị chuyên gia cũng nhìn nhận năm nay được dự báo là "thời" của bất động sản tỉnh. Sau khi sáp nhập, tiềm lực về địa lý, đầu tư, hạ tầng của các địa phương mới sẽ càng được đẩy mạnh hơn nữa.
Dù vậy, ông lưu ý từ nay đến cuối năm, các "cơn sốt" đất cục bộ khó có thể xảy ra. Lý do là đa số người dân hay có thói quen đầu tư bất động sản theo tâm lý đám đông, đợt "sóng" cũ vừa qua thì đợt mới rất khó hình thành trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, tại một số nơi "sốt" đất hồi đầu năm, hiện tại, dấu hiệu giao dịch đã chậm hơn, nhiều vị trí ghi nhận thực trạng giảm giá bán.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.